Khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (1/7/2025), người có mức lương hưu thấp và những người nghỉ hưu trước năm 1995 được điều chỉnh tăng lương hưu thỏa đáng.
Theo Điều 67 (Điều chỉnh lương hưu) của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó là điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Điều luật cũng nêu rõ Chính phủ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu.
Để thực hiện quy định này, hàng năm, Nhà nước sẽ chuyển từ ngân sách một khoản tiền vào Quỹ Bảo hiểm xã hội để bảo đảm trả đủ lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với những người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay, việc thực hiện điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 là nhằm thể chế hóa nội dung tại Nghị quyết số 28 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Cụ thể là thực hiện đồng bộ các nội dung cải cách để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Đồng thời, bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn, điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 28 nêu rõ việc sửa đổi cách tính lương hưu theo hướng giảm tỷ lệ tích lũy, bảo đảm khả năng cân đối Quỹ hưu trí trong thời gian dài hạn, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thực hiện Nghị quyết số 28, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2024 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm và trợ cấp hàng tháng.
Theo đó, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng. Ngoài ra, những trường hợp có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu/tháng thì tiếp tục được điều chỉnh để tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Một trong những quy định mới nữa về lương hưu tại Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là quy định tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam và lao động nữ có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Theo đó, lao động nam có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ được điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu lên 40%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%. Tương ứng số năm đóng 15 năm, lao động nữ hưởng 45%. Còn nam muốn đạt tỷ lệ hưởng 45%, cần 20 năm đóng.
Cả lao động nam và nữ sau khi đạt tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45%, cứ mỗi năm đóng thêm sẽ được cộng 2%. Mức tối đa cho cả hai nhóm đều là 75%, song nữ cần đóng đủ từ 30 năm bảo hiểm xã hội trở lên, còn nam từ đủ 35 năm.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc không điều chỉnh chênh lệch tỷ lệ lương hưu của nam và nữ trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mà chỉ bổ sung tỷ lệ hưởng với lao động nam đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm để phù hợp với cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Với quy định như trên, tỷ lệ lương hưu của nam và nữ khi đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội có sự chênh lệch 5%. Còn khi đóng đủ 20 năm, khoảng cách này tăng lên 10%.