Theo các nhà nghiên cứu, những người thường xuyên có đặc điểm này ở họng có khả năng điều hòa huyết áp và nhịp tim kém hơn, do đó có nguy cơ đột quỵ, đau tim cao hơn.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí JAMA Otolaryngology vào ngày 5/9/2024 cho thấy, những người thường xuyên bị đau họng sẽ có nguy cơ bị đột quỵ và đau tim cao hơn trong tương lai. Đây là nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học của Đại học Southampton (Anh).
Mối liên hệ giữa đau họng và nguy cơ đột quỵ, đau tim
Theo các nhà nghiên cứu, những người thường xuyên bị đau họng có khả năng kiểm soát huyết áp và nhịp tim kém hơn. Nguyên nhân là do khi những dây thần kinh ở cổ họng bị tổn thương có thể ảnh hưởng tới phản xạ thụ cảm áp suất (baroreflex). Đây là một phần quan trọng của hệ thần kinh tự chủ, phát hiện những thay đổi về huyết áp và điều chỉnh nhịp tim cũng như trương lực mạch máu để duy trì huyết áp ổn định.
Giáo sư Reza Nouraei, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Những người có phản xạ thụ cảm áp suất suy giảm có nguy cơ mắc và tử vong do đột quỵ và đau tim trong tương lai cao hơn”.
Giáo sư Nouraei nói thêm, sau thời kỳ Covid-19, số bệnh nhân mắc các vấn đề ở họng, ví dụ như đau họng ngày càng nhiều. Chính vì thế, việc chẩn đoán kịp thời và điều trị sớm, dứt điểm các vấn đề ở họng là điều vô cùng cần thiết để ngăn ngừa các biến cố không may về sức khỏe cho người bệnh.
Vị giáo sư này cũng nhấn mạnh, đừng coi thường triệu chứng đau họng vì nó có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn là bạn nghĩ.
Những yếu tố khác làm tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim
Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim mà bạn có thể thay đổi được, đó là:
- Hút thuốc lá
- Chế độ ăn không khoa học
- Lười vận động thể chất
- Thừa cân, béo phì
- Lạm dụng rượu, bia
Bên cạnh đó, có một số tình trạng sức khỏe cũng có thể làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, như:
- Huyết áp cao
- Mỡ máu cao
- Bệnh tiểu đường loại 2
- Trầm cảm, lo âu.
Nếu mắc các tình trạng sức khỏe này, bạn cần kiểm soát tốt bằng cách có lối sống khoa học, sử dụng thuốc theo chỉ định (nếu có) và đi khám định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường.
Ngoài ra, theo các nghiên cứu, nguy cơ đột quỵ và đau tim có thể cao hơn khi bạn già đi. Phụ nữ sau mãn kinh, người có cha mẹ hoặc anh chị em ruột đã từng mắc đột quỵ và đau tim trước tuổi 65 cũng có nguy cơ mắc 2 vấn đề này cao hơn. Đây là những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi. Để kiểm soát nguy cơ đột quỵ, đau tim, nhóm người này nên đi khám sức khỏe định kỳ, đồng thời duy trì lối sống khoa học, lành mạnh.