Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới đột quỵ. Một số thói quen vào buổi sáng có thể khiến bạn mắc huyết áp cao từ lúc nào không hay.
Tiến sĩ John Higgins, một bác sĩ tim mạch thể thao của Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas (Mỹ), cho biết huyết áp dao động tự nhiên trong ngày và có xu hướng tăng vào khoảng thời gian thức dậy. Theo TS Higgins, các biến cố về sức khỏe như đau tim, đột quỵ thường xảy ra nhiều hơn vào buổi sáng và huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các biến cố này. Dưới đây là một số thói quen buổi sáng có thể góp phần làm tăng huyết áp được vị chuyên gia về tim mạch liệt kê.
4 thói quen buổi sáng có thể dẫn tới huyết áp cao
1. Tiêu thụ quá nhiều caffeine
Caffeine là một chất kích thích, có tác dụng tăng cường sự tỉnh táo. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng caffeine có thể ngăn chặn sự hoạt động của một loại hormone giúp mở rộng mạch máu, từ đó làm tăng huyết áp nếu chúng ta tiêu thụ quá nhiều caffeine vào buổi sáng. Một số chuyên gia khác của Mayo Clinic lại tin rằng caffeine có thể khiến tuyến thượng thận giải phóng nhiều adrenaline hơn. Và yếu tố này cũng có thể khiến huyết áp tăng.
TS Higgins cho biết: “Uống từ 2-4 tách cà phê (tương đương khoảng 200-300mg caffeine) thường sẽ làm tăng huyết áp tâm thu khoảng 8 mmHg và tăng huyết áp tâm trương khoảng 6 mmHg”. Huyết áp tâm thu là áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp (chỉ số trên), còn huyết áp tâm trương là áp lực máu lên thành động mạch khi tim giãn ra (chỉ số dưới).
Chính vì thế, theo TS Higgins, để giữ huyết áp ổn định vào buổi sáng, tốt hơn hết mọi người nên bắt đầu ngày mới với một tách cà phê không chứa caffeine. Nếu vẫn muốn uống cà phê có chứa caffeine, tốt hơn hết hãy đợi đến cuối buổi sáng và chỉ uống một tách. Riêng đối với những người đang có sẵn tình trạng huyết áp cao, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về caffeine tiêu thụ an toàn với mình.
2. Bỏ bữa sáng
Theo một phân tích tổng hợp được đăng trên The International Journal of Hypertension vào năm 2022, thói quen bỏ bữa sáng có liên quan đến chứng tăng huyết áp ở người lớn. Khi bỏ bữa sáng, cơ thể sẽ tăng sản xuất hormone gây căng thẳng như adrenaline và điều này có thể làm tăng huyết áp. Ngoài ra, bỏ bữa sáng có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa, từ đó làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.
3. Thường xuyên ăn sáng với thực phẩm nhiều muối hoặc nhiều đường
Những gì bạn ăn trong bữa sáng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới huyết áp của bạn. TS Higgins cho biết, ăn một cốc sữa chua ít béo với các loại hạt và trái cây là 1 lựa chọn tuyệt vời cho bữa sáng để cân bằng huyết áp. Trong khi đó, ăn quá nhiều các thực phẩm nhiều muối như xúc xích, thịt xông khói hoặc các món ăn ngọt có thể góp phần gây tăng huyết áp.
Bên cạnh thực phẩm nhiều muối, thực phẩm nhiều đường cũng gây tăng huyết áp nếu chúng ta tiêu thụ thường xuyên. TS Higgins giải thích: “Thực phẩm chứa nhiều đường, đặc biệt là siro ngô có hàm lượng fructose cao, có thể ảnh hưởng đến nồng độ hormone aldosterone và peptide endothelin. Cả 2 loại hormone này đều giúp điều hòa huyết áp”. Ngoài ra, TS Higgins cho biết thêm, tiêu thụ quá nhiều đường có thể làm tăng đường huyết, từ đó dẫn tới xơ vữa động mạch, khiến động mạch cứng hơn và cuối cùng làm tăng huyết áp.
4. Bỏ qua rau củ và trái cây
Theo Blood Pressure UK (một tổ chức từ thiện về giảm thiểu huyết áp tại Vương Quốc Anh), rau củ và trái cây là một phần thiết yếu của chế độ ăn uống lành mạnh giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề sức khỏe bao gồm bệnh tim, đột quỵ, một số bệnh ung thư và loãng xương. Bên cạnh đó, rau củ và trái cây chứa kali, một khoáng chất quan trọng giúp hạ huyết áp. Trái cây và rau củ còn chứa lượng nước khá cao, giúp đào thải natri ra khỏi cơ thể nhanh hơn, từ đó giúp ổn định huyết áp. Đây cũng là nhóm thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa và tim mạch. Theo đó, để kiểm soát huyết áp tốt, mọi người nên ăn ít nhất 5 phần trái cây và rau củ mỗi ngày. Mỗi phần ăn nặng khoảng 80g, tương đương một nắm tay.