Quá trình kiểm duyệt nội dung đầy lỗi nhưng người dùng luôn chịu thiệt và không có khả năng kháng cáo với quản trị của mạng xã hội Facebook.
Kiểm duyệt nội dung kiểu “xóa nhầm còn hơn bỏ sót”
Kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội Facebook từ lâu đã là vấn đề “nhức nhối” đối với cộng đồng người sử dụng nền tảng này. Thời gian gần đây, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) và sự chủ quan, ỷ lại vào công cụ này, quy trình kiểm duyệt của Facebook ngày càng trở nên bất công và có nhiều điểm bất thường.
Anh Thanh Tâm (Hà Nội), một người dùng Facebook từ năm 2009 cho biết thời gian gần đây tài khoản của mình thường xuyên bị xóa bình luận kèm cảnh báo “Tin rác, làm phiền” (Spam) một cách vô lý từ công cụ kiểm duyệt nội dung của mạng xã hội này. “Những nội dung rất bình thường, hoàn toàn không chứa từ cấm hay có dấu hiệu vi phạm gì đều bị liệt vào hành vi ‘Spam’ và lập tức bị gỡ”, người dùng này bức xúc nói.
Những bình luận bị xóa luôn được đính kèm nguyên nhân “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” – những quy định thường rất chung chung và không bao giờ có giải thích cụ thể lỗi bắt nguồn từ đâu. Anh Thanh Tâm lấy ví dụ, một bình luận với nội dung “Bụi bay vào mắt – Lương Bích Hữu” của anh trả lời trong bức hình trên nhóm cộng đồng cũng bị liệt vào dạng “Làm phiền, vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” dù đây chỉ là tên một bài hát kèm ca sĩ trình bày, hoàn toàn không chứa các từ khóa nhạy cảm.
Hải Vũ (Hà Nội), một KOL trên nền tảng TikTok mới đây cũng bị “đánh gậy” đầy oan ức khi đăng bình luận liên quan đến sàn thương mại điện tử Temu của Trung Quốc. Với nội dung xoay quanh việc Temu tiến vào thị trường Việt Nam và cạnh tranh với các sàn lớn như Shopee, Lazada, thu hút người dùng ngay từ bước cài ứng dụng, bình luận của Vũ nhanh chóng bị đưa vào cảnh báo “có dấu hiệu lừa đảo người dùng” và lập tức giảm khả năng hiển thị (gợi ý) đối với tài khoản của anh.
“Tôi kháng cáo thì chỉ nhận được câu trả lời là ‘Đang xem xét’ dù đã nhiều ngày trôi qua”, Hải Vũ cho biết. Trong khi đó, trường hợp của Thanh Tâm, mọi kháng cáo đều được trả về với cùng một nội dung: “Chúng tôi không khôi phục bình luận của bạn. Sau quá trình xem xét, chúng tôi xác nhận định bình luận đó không tuân thủ các tiêu chuẩn cộng đồng”.
Siết người dùng, nhưng “thả nổi” quảng cáo khiêu dâm, cá độ, cờ bạc
Trong khi Facebook luôn khẳng định “Chúng tôi muốn giữ Facebook an toàn và chào đón tất cả mọi người”, mạng xã hội này từ lâu đã gây bức xúc với việc “thả nổi” các loại quảng cáo cờ bạc, khiêu dâm hoặc clip livestream với nội dung đồi trụy. Thời gian qua, truyền thông trong nước nhiều lần phản ánh tình trạng nội dung vi phạm được chạy quảng cáo công khai, tiếp cận hàng loạt người dùng nhưng đến nay Facebook chưa có động thái nào cho thấy sẽ cải thiện vấn đề trên.
Không chỉ các loại quảng cáo cờ bạc, khiêu dâm mà những video bẩn, câu view, sử dụng nội dung và ngôn từ thù địch, kích động vẫn nghiễm nhiên xuất hiện trên nền tảng. Dù người dùng có báo cáo vi phạm “mỏi tay”, nội dung độc hại vẫn liên tục hiển thị.
Nhiều chủ tài khoản Facebook cũng cho biết khi họ báo cáo, thường sẽ nhận câu trả lời Facebook sẽ không gỡ các nội dung đó vì “không tìm thấy bằng chứng vi phạm”. Điều này trái ngược hoàn toàn với cách làm việc siết chặt người dùng cá nhân – nhóm khách hàng không đóng góp doanh thu quảng cáo cho Facebook.
“Thượng phương bảo kiếm” mang tên Tiêu chuẩn cộng đồng
Lâu nay, người dùng mạng xã hội luôn có sẵn một “án treo” xử phạt tài khoản của mình được gắn liền với “Tiêu chuẩn cộng đồng”. Chính sách này tương tự “Thượng phương bảo kiếm” thời xưa, khi quản trị viên Facebook có quyền “tiền trảm hậu tấu” và thực tế là gạt đi quyền kháng cáo của người dùng.
Theo nhiều người làm dịch vụ “cứu tài khoản” Facebook, Instagram, trong trường hợp bị gắn mác “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”, người dùng tốt nhất không nên tự kháng cáo nếu không muốn gặp phiền phức. “Việc kháng cáo nhiều, thất bại liên tục có thể bị xem như hành vi ‘quấy rối có chủ đích’, hay spam khiếu nại, sẽ dẫn tới việc tỷ lệ thành công càng thấp, thậm chí mất luôn quyền kháng và có thể tạm khóa một số chức năng như gửi tin nhắn, bình luận, tham gia hội nhóm…”, anh N.Đ.K – một người chuyên xử lý các sự cố liên quan đến tài khoản Facebook chia sẻ.
Ngay cả những người làm nghề cũng thừa nhận “Tiêu chuẩn cộng đồng” là một khái niệm rất mông lung, không thực sự cụ thể trong nhiều trường hợp, nhưng “mọi trường hợp vi phạm không thể tìm ra lời giải đều có thể quy cho tội vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”.
Theo Facebook, việc kiểm duyệt nội dung hiện giờ sẽ được thực hiện bằng AI trước tiên, với các trường hợp còn nghi vấn, AI sẽ “gắn nhãn” và chuyển cho nhân sự phụ trách để kiểm tra lại một lần nữa trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo có thể bị đánh lừa bởi các mẹo của những kẻ cố tình lách luật, dẫn đến việc nhiều nội dung độc hại, vi phạm pháp luật vẫn đầy rẫy. Ngược lại, người dùng thông thường sẽ bị các công cụ này kiểm soát chặt chẽ bất chấp những sai lầm hoàn toàn có thể xảy ra trong việc nhận định ngôn từ ở từng ngữ cảnh khác nhau.