Bạn có thể gặp được rất nhiều người ích kỷ trong cuộc sống, nhưng đừng bao giờ để họ khiến bạn cảm thấy nghi ngờ bản thân.
Tất cả chúng ta đều mang trong mình một sự ích kỷ nhất định ở mức độ nào đó. Điều quan trọng là chúng ta cần phải biết phân biệt ranh giới giữa “sự ích kỷ lành mạnh” – tức là cho phép mình tập trung hơn vào cuộc sống của bản thân – với việc chỉ quan tâm đến mình mà mặc kệ người khác.
Là một nhà tâm lý học, Stefan Falk đã dành 30 năm để giúp các công ty ứng phó với các nhân viên quá ích kỷ, đặc biệt là những người có hành vi gây tổn hại đến công ty và đồng nghiệp của họ.
Dưới đây là 5 cách nói độc hại mà Stefan Falk cho rằng các cá nhân ích kỷ thường xuyên sử dụng, và cách đối phó tương ứng.
1. “Nhận xét của bạn mang tính xúc phạm cá nhân”
Những người ích kỷ thường xem bất kỳ phản hồi mang tính xây dựng nào cũng đều là sự công kích cá nhân. Họ từ chối chấp nhận sự thật rằng bản thân có thể học được nhiều thứ từ sai lầm.
Những người này tin rằng họ không thể làm gì sai, điều này khiến họ trở nên quá mức nhạy cảm với bất kỳ góp ý nào từ người khác, chẳng hạn như trong công việc.
2. “Ý tưởng của tôi có giá trị và nên được xem xét nghiêm túc”
Những người ích kỷ có xu hướng cho rằng họ luôn mang lại giá trị đặc biệt cho người khác. Họ coi thường sự thật rằng hầu hết các ý tưởng, quan điểm và đề xuất của chúng ta đều có sai sót, bất kể chúng ta đã nỗ lực đầu tư vào chúng như thế nào.
3. “Họ thành công là nhờ có tôi”
Một người ích kỷ có xu hướng ít thành công hơn những người sống chan hoà, giúp đỡ người khác. Khi nhìn thấy mọi người thành công, họ sẽ ngay lập tức có suy nghĩ rằng chiến thắng của người khác là không công bằng và là kết quả của sự đối xử đặc biệt.
4. “Tại sao bạn luôn cố kiểm soát tôi”
Những người ích kỷ cực kỳ không thích cấp trên đặt ra những kỳ vọng rõ ràng. Đối với họ, những chỉ dẫn của người quản lý chỉ là gợi ý hoặc thậm chí là một hành vi ngược đãi họ.
5. “Bạn đang thiếu tôn trọng khi không đồng ý với ý kiến của tôi”
Những người ích kỷ thường mong đợi sự công nhận của mọi người và ít quan tâm đến việc học hỏi từ người khác. Vì vậy, khi ai đó đưa ra một góc nhìn khác, họ không coi đó là cơ hội để học hỏi mà là dấu hiệu của sự thiếu hiểu biết.
Theo nhà tâm lý học Stefan Falk, có 3 cách để đối phó với những người quá ích kỷ.
Một, tránh họ xa nhất có thể
Giao du với những người ích kỷ thường dẫn đến kết quả tiêu cực. Thật không may, hiện tượng này lại rất phổ biến, vì vậy học cách đối phó với chúng là điều cần thiết để định hình thành công và tương lai của chính bạn.
Hai, đặt ranh giới rõ ràng
Khi hành vi của họ dần trở nên quá đáng, bạn có thể đặt những câu hỏi như: “Bạn có thể làm rõ hành vi này mang lại lợi ích gì cho công ty không?” Ít nhất, hãy cho họ biết rằng hành vi của họ không được bạn chấp nhận hoặc có hại cho công việc của bạn.
Ba, chỉ ra những rủi ro họ có thể gặp phải
Sự ích kỷ có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực . Vì vậy, khi phải làm việc với một người ích kỷ, bạn có thể nói rằng: “Nếu bạn chỉ tập trung vào những gì phù hợp với nhu cầu của mình, tầm nhìn của bạn sẽ bị hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến mọi thứ, từ nhiệm vụ, tương tác đến học tập và nó sẽ không phục vụ bạn về lâu dài.”
Hoặc, “Nếu bạn coi mọi thứ là sự xúc phạm cá nhân, bạn sẽ thường xuyên thất vọng, không thỏa mãn và bị gánh nặng bởi những suy nghĩ tiêu cực về người khác. Điều đó không mệt mỏi sao?
Nhìn chung, dù trong bất kỳ trường hợp nào, bạn có thể sẽ không nhận được phản hồi như mong đợi.