Từ nguồn kinh phí, các cấp Công đoàn chủ động hơn trong công tác chăm lo, bảo vệ đoàn viên – lao động, giúp họ cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần
Sau dịch COVID-19, tình hình sản xuất tại Công ty TNHH Ampfield Việt Nam (KCN Tân Bình, TP HCM) rơi vào khủng hoảng, 2 năm liền (2022 – 2023) công nhân (CN) không có thưởng Tết. Tuy nhiên, nhờ sự chăm lo tận tình của Công đoàn cơ sở và sự hỗ trợ của Công đoàn các KCX-KCN TP HCM, nhiều CN vẫn bám trụ. Đến nay, hoạt động doanh nghiệp (DN) đã hồi phục, phát triển.
Chăm lo tốt hơn cho đoàn viên – lao động
Chị Nguyễn Thị Lan (39 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết khi vào làm việc tại công ty, chị đã được vận động gia nhập Công đoàn. Khi ấy, chị chưa hiểu về Công đoàn nhưng so sánh khoản đóng góp đoàn phí (40.000 đồng/tháng) với các phúc lợi được hưởng như quà Tết, sinh nhật, 8-3, Tháng CN, chị nhận lại gần gấp đôi (khoảng 800.000 đồng/năm).
Hiểu được lợi ích của việc gia nhập Công đoàn, chị tự nguyện làm đơn. “Lúc CN khó khăn nhất, Công đoàn đã trở thành điểm tựa, luôn hỗ trợ chúng tôi mọi mặt. Điển hình như Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, nhờ sự thương lượng của Công đoàn, CN đã có thưởng Tết” – chị Lan nói.
Bà Võ Thị Sáu, Chủ tịch Công đoàn công ty, nhìn nhận Công đoàn cơ sở muốn hoạt động tốt phải có kinh phí. Lúc DN khó khăn, khả năng chăm lo cho người lao động (NLĐ) hạn chế thì khoản kinh phí này đóng vai trò quan trọng. Trong những năm công ty gặp khó khăn không thể thưởng Tết, Công đoàn công ty đã nhờ đến sự hỗ trợ của Công đoàn cấp trên để động viên anh chị em CN. Nhờ vậy, dù không có thưởng, CN vẫn cảm thấy ấm lòng khi nhận được một phần quà (trị giá 700.000 đồng/phần) từ Công đoàn các KCX-KCN TP HCM.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (KCN An Hạ, huyện Bình Chánh, TP HCM), cũng cho rằng cần thiết phải giữ lại 2% kinh phí Công đoàn. Theo ông, đây là nguồn lực rất quan trọng không chỉ để chăm lo đời sống cho đoàn viên – lao động, góp phần ổn định quan hệ lao động tại DN mà còn để tổ chức các phong trào thi đua. Khi Công đoàn làm tốt các việc trên thì NLĐ mới thấy được lợi ích khi gia nhập Công đoàn.
Tại Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng, để tạo niềm tin của đoàn viên và DN, Công đoàn công ty luôn công khai các khoản thu chi kinh phí Công đoàn và lập danh sách 18 nội dung chăm lo cho đoàn viên – lao động. Chỉ tính riêng các khoản chi định kỳ như quà Tết, sinh nhật, quà các ngày lễ… đoàn viên và con em họ được nhận từ 1,3 triệu đồng/năm trở lên, lớn hơn nhiều so với khoản đoàn phí đóng góp (45.000 đồng/tháng).
Trường hợp gặp khó khăn do ốm đau, tai nạn hay gia đình có hiếu hỉ, NLĐ cũng sẽ được chăm lo đột xuất với mức từ 300.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/lần. Qua đó có thể thấy NLĐ được chăm lo ngày càng tốt hơn nhờ nguồn kinh phí Công đoàn.
Doanh nghiệp đồng thuận
Góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đa số đại biểu đều thống nhất duy trì 2% kinh phí Công đoàn. Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TKG Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), cho rằng duy trì 2% kinh phí Công đoàn không chỉ nhằm bảo đảm NLĐ được hỗ trợ kịp thời trong mọi hoàn cảnh mà còn giúp Công đoàn chủ động giúp đỡ đoàn viên – lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của họ.
Tại Công ty TKG Taekwang Vina, nhờ có kinh phí, Công đoàn đã chủ động tổ chức đa dạng các hoạt động chăm lo vật chất lẫn tinh thần cho NLĐ, như thành lập trung tâm phúc lợi Công đoàn để hỗ trợ CN; tổ chức hàng loạt chương trình nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ cho NLĐ, giúp họ tự tin giao tiếp với quản lý người nước ngoài và làm việc hiệu quả hơn.
Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, Công đoàn đã tổ chức các tổ hỗ trợ NLĐ ở các vùng bị phong tỏa. Sau dịch, cũng chính Công đoàn đã kêu gọi CN quay lại nhà máy. “Những việc này DN không thể nào quán xuyến hết được. Nếu không có kinh phí, Công đoàn cũng sẽ rất khó thực hiện. Do vậy, cần thiết phải giữ lại quy định về trích kinh phí Công đoàn” – ông Phúc đề nghị. Hiện 100% NLĐ tại công ty đều là đoàn viên.
Ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), cho rằng kinh phí 2% không hề là gánh nặng của DN bởi DN hiểu Công đoàn dùng khoản này để chăm lo cho CN. Trước khi luật hóa việc trích nộp 2% kinh phí Công đoàn, các DN có vốn đầu tư nước ngoài chỉ trích nộp 1% kinh phí. Khi ấy, để chung tay chăm lo cho NLĐ, Ban Giám đốc Công ty TNHH Juki Việt Nam đã chủ động hỗ trợ thêm kinh phí bằng cách giao khoản thu từ việc bán phế liệu của DN cho Công đoàn cơ sở. Sự hỗ trợ kéo dài cho đến khi tỉ lệ trích nộp kinh phí Công đoàn tăng lên 2%.
Hiện nay, ngoài trích nộp kinh phí Công đoàn, ban giám đốc còn hỗ trợ thêm chi phí để Công đoàn tổ chức các hoạt động phong trào. Điều đó chứng minh DN tin vào Công đoàn và đồng tình với mức trích nộp kinh phí. “Để đạt được sự ủng hộ ấy, Công đoàn cũng phải cho DN thấy việc sử dụng nguồn kinh phí hiệu quả, gián tiếp đem lại lợi ích cho DN” – ông Đại bày tỏ.
Mỗi năm bình quân một đoàn viên tại Công ty TNHH Juki Việt Nam được chăm lo với mức từ 1,2 triệu đồng trở lên, chưa kể các khoản hỗ trợ ốm đau, khó khăn, du lịch…
Kinh phí Công đoàn là nguồn thu hợp pháp và đã được luật hóa. Từ nguồn thu này, tổ chức Công đoàn đã tổ chức tốt nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên – lao động, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Do vậy, việc duy trì 2% kinh phí Công đoàn là cần thiết” – đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nhấn mạnh.