Ăn hải sản đúng cách không những làm tăng lượng cholesterol tốt cho cơ thể mà còn làm giảm mỡ máu, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Hiện nay, khi mà điều kiện sống được nâng cao, con người cũng ngày càng chú trọng vào việc lựa chọn thực đơn với những món ăn ngon miệng, tinh tế và đắt tiền.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều những thực phẩm này sẽ gây nên tình trạng mắc bệnh mỡ máu. Không kiểm soát tốt lượng lipid máu (mỡ máu) sẽ làm tăng gánh nặng cho mạch máu, sinh ra các bệnh tim mạch, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Ảnh minh họa (Nguồn:Internet)
Đối với những người có lượng mỡ máu cao, chế độ ăn uống ‘nghèo nàn’ là việc bắt buộc phải tuân thủ nếu muốn sống khỏe mạnh. Để đối phó với lipid máu cao, chúng ta phải bắt đầu từ việc kiểm soát chế độ ăn.
Vì vậy, nhiều bệnh nhân mắc bệnh mỡ máu luôn dè dặt trong việc ăn uống, vì lo sợ hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng sẽ khiến lipid máu tăng cao, thậm chí có người không dám ăn hải sản.
Người bị mỡ máu cao có được ăn hải sản?
Người bị mỡ máu cao không dám ăn hải sản vì sợ trong hải sản có lượng cholesterol lớn, ăn nhiều sẽ gây ra thừa cholesterol và làm tăng lipid máu. Tuy nhiên trên thực tế, hải sản không chỉ chứa cholesterol mà nó còn chứa chất béo không bão hòa, dưỡng chất này giúp ích rất nhiều cho việc hạ lipid máu.
Có thể chia chất béo trong cơ thể người thành 2 loại là chất béo tốt và chất béo xấu. Nếu chất béo tốt cung cấp năng lượng cho cơ thể, thì chất béo xấu khiến cơ thể sản sinh ra cholesterol, dẫn tới nhiều vấn đề về sức khỏe.
Ảnh minh họa (Nguồn:Internet)
Axit béo không bão hòa thường được gọi là chất béo tốt, chúng có thể điều chỉnh các chức năng của cơ thể, thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể, giảm hàm lượng cholesterol xấu, tăng hàm lượng cholesterol tốt trong máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và giữ cho mạch máu được ‘thông thoáng’.
Có thể nói, axit béo không no là chất dinh dưỡng không thể thiếu đối với cơ thể con người, tuy nhiên chất này cơ thể con người không thể tự tổng hợp được mà chỉ có thể nạp vào từ thức ăn. Hải sản rất giàu axit béo không no và đạm chất lượng cao nên người bệnh mỡ máu có thể ăn hải sản điều độ.
Tuy nhiên, không phải loại hải sản nào cũng giống nhau, những người bị tăng mỡ máu cần chú ý ăn 2 điều này khi ăn hải sản:
1. Ăn ít phần đầu và phần có màu vàng của các loại hải sản
Cholesterol trong hải sản tập trung chủ yếu ở phần đầu và phần có màu vàng, vì vậy khi ăn hải sản tốt nhất nên bỏ hai phần này, như vậy sẽ không hấp thu vào lượng cholesterol quá lớn. Hơn nữa, một số hải sản như tôm có phần đầu chứa nhiều chất bài tiết cũng như kim loại nặng có thể gây ra ảnh hưởng không tốt cho cơ thể.
2. Ăn ít hải sản có vỏ
Hàm lượng cholesterol trong các loại hải sản như tôm, cua, sò ốc cao hơn nhiều so với cá, mực. Trung bình hàm lượng cholesterol trong hải sản có vỏ là hơn 130mg/100g, thậm chí còn vượt quá hàm lượng cholesterol của thịt lợn. Hàm lượng cholesterol của các sản phẩm sau khi phơi nắng hay chế biến khô còn cao hơn gấp 3 lần hải sản tươi sống nên các bạn nhớ lưu ý điều chỉnh khẩu phần ăn ít đi.
Chỉ cần người bệnh mỡ máu cao lưu ý hai điều trên, còn các loại hải sản khác vẫn có thể ăn điều độ, tốt nhất là ăn các loại cá sống ở biển sâu. Do trong cá biển sâu có hàm lượng axit béo không no rất cao giúp hạ lipid máu, đồng thời còn chứa các chất có tác dụng duy trì sự lưu thông thông suốt của mạch máu, rất thích hợp cho bệnh nhân tăng mỡ máu.
Ảnh minh họa (Nguồn:Internet)
Ngoài ra, người bệnh mỡ máu cần lưu ý cách chế biến khi ăn hải sản, tốt nhất nên dùng phương pháp luộc, hấp, ít sử dụng dầu và muối. Điều này không chỉ giúp giữ nguyên hương vị đặc trưng của hải sản mà còn hạn chế việc hấp thụ quá nhiều dầu, ảnh hưởng đến sự ổn định của lipid máu.
Được biết, đa phần các loại thực phẩm chúng ta ăn thường ngày đều có chứa ít nhiều chất béo, kể cả tốt lẫn không tốt. Ngoài ra, cơ thể chúng ta cũng rất cần chất béo để hoạt động sống được diễn ra bình thường.
Những thực phẩm giàu chất béo tốt cho sức khỏe
Những thực phẩm chứa loại chất béo tốt chủ yếu có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như: các loại hạt (hạt mè, hạt hướng dương, hạt bí ngô), dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu mè, dầu ô liu), ngũ cốc (ngô, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ), các loại quả hạch (óc chó, hạnh nhân).
Ảnh minh họa (Nguồn:Internet)
Một số loại cá như cá hồi và cá ngừ, hay quả bơ, phô mai, sôcôla đen, trứng, sữa chua cũng là nguồn chất béo không bão hòa phong phú cho cơ thể.
Ghi nhớ chất béo không bão hòa có trong thực phẩm nào, là việc nên làm nhằm thay thế những chất béo không tốt bằng chất béo tốt trong chế độ ăn hàng ngày.
Tóm lại, người bệnh mỡ máu phải chú ý điều hòa chế độ ăn uống, đồng thời tập thể dục, xây dựng thói quen sinh hoạt tốt, không ngồi một chỗ cả ngày, tránh béo phì thì mới thoát khỏi những phiền toái của bệnh mỡ máu.
( Theo 163.com)