Tình trạng mỡ máu tăng cao có thể gây ra một số dấu hiệu đáng chú ý trên cơ thể.
Mỡ máu cao là tình trạng gia tăng cholesterol xấu (Lipoprotein tỷ trọng thấp – LDL) hoặc chất béo trung tính (triglycerides) hoặc cả hai ở trong máu. Tăng mỡ máu là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra các vấn đề về sức khỏe tim mạch. Nếu không được điều trị, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc đau tim và đột quỵ.
Nguyên nhân gây ra tình trạng tăng mỡ máu thường là do chế độ ăn uống và dinh dưỡng bất hợp lý, lười vận động, lạm dụng rượu bia, thuốc lá.
Mỡ máu cao thường gặp ở những người trên 40 tuổi do ở độ tuổi này, cơ thể bắt đầu lão hóa, chức năng của các cơ quan trong cơ thể bắt đầu suy giảm, gây ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển và đào thải mỡ thừa ra khỏi cơ thể.
Khi lượng mỡ trong máu tăng cao, cơ thể sẽ xuất hiện một số triệu chứng bất thường vào buổi sáng. Do đó, sau 40 tuổi, nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu này khi thức dậy vào buổi sáng, mọi người cần đặc biệt cẩn trọng.
4 dấu hiệu xuất hiện khi thức dậy cảnh báo mỡ máu tăng cao
1. Nốt ban vàng quanh mí mắt
Các nốt ban vàng trên da (hay còn gọi là xanthelasma) là dấu hiệu cho thấy sự tích tụ cục bộ của các cụm lipid (chất béo) dưới da. Các nốt ban vàng thường xuất hiện ở xung quanh mắt hoặc xuất hiện trên mí mắt.
Các nốt ban vàng nổi lên xung quanh mắt thường không gây ra tình trạng đau đớn, ngứa ngáy nhưng chúng có thể báo hiệu lượng cholesterol trong máu đang tăng cao hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Do đó, buổi sáng nếu soi gương thấy dấu hiệu này thì mọi người cần đặc biệt chú ý.
2. Chóng mặt và đau đầu
Tình trạng mỡ máu tăng cao có thể gây ảnh hưởng tới quá trình lưu thông máu lên não. Điều này có thể khiến mọi người bị chóng mặt, đau đầu sau khi thức dậy vào buổi sáng.
3. Tức ngực và khó thở
Tình trạng mỡ máu cao có thể khiến lượng mỡ dư thừa lắng đọng trên thành mạch máu. Điều này có thể làm giảm lượng máu lưu thông đến cơ tim và các cơ quan khác trong cơ thể. Giảm lưu lượng máu khiến các cơ quan như tim, phổi bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng, từ đó gây ra triệu chứng tức ngực, khó thở. Tình trạng tức ngực, khó thở có thể nghiêm trọng hơn khi người bệnh thức dậy vào buổi sáng.
4. Chân tay tê, yếu
Mỡ máu tăng cao trong thời gian dài có thể hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Điều này gây ảnh hưởng tới quá trình lưu thông máu và cung cấp chất dinh dưỡng cho các dây thần kinh, dẫn đến chức năng thần kinh suy yếu, gây ra hiện tượng tê yếu tay, chân.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu cơ thể xuất hiện 4 dấu hiệu kể trên, mọi người nên đến bệnh viện để thăm khám, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời (nếu có).
Phòng ngừa mỡ máu cao
Để phòng ngừa tình trạng tăng mỡ máu, mọi người nên áp dụng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh. Cụ thể như sau:
1. Hạn chế thực phẩm nhiều cholesterol
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến hàm lượng mỡ trong máu. Thường xuyên ăn quá nhiều thực phẩm chứa cholesterol như thịt đỏ, mỡ động vật, nội tạng động vật hoặc đồ ăn chiên rán chứa nhiều dầu mỡ có thể làm tăng nguy cơ béo phì và mỡ máu cao.
Do đó, để phòng ngừa tình trạng tăng mỡ máu, mọi người nên áp dụng chế độ ăn nhiều chất xơ và chất béo không bão hòa, bao gồm các loại thực phẩm như như ngũ cốc nguyên cám, các loại đậu, rau xanh, trái cây,…
2. Tăng cường vận động
Hiện nay, mọi người đều tất bật, bận rộn với công việc, thường xuyên ngồi nhiều và hiếm khi có thời gian để tập thể dục.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lười vận động, thường xuyên ngồi hoặc nằm một chỗ, kết hợp với chế độ ăn uống không hợp lý sẽ làm tăng lượng cholesterol LDL và giảm cholesterol HDL trong máu, từ đó khiến mỡ thừa tích tụ và tăng nguy cơ mắc bệnh mỡ máu.
Các tổ chức y tế trên thế giới khuyến nghị người trưởng thành nên dành ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần để tập thể dục. Mọi người có thể cân nhắc tham gia các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội,…
3. Cai thuốc lá và hạn chế sử dụng rượu, bia
Hút thuốc và uống rượu bia gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, một trong số đó là bệnh mỡ máu. Chất nicotin trong khói thuốc và chất cồn trong rượu có thể làm giảm lượng cholesterol “tốt” trong cơ thể.
Vì vậy, hút thuốc lá và uống rượu bia thường xuyên có thể gây ảnh hưởng đến quá trình đào thải lượng mỡ thừa trong cơ thể, khiến mỡ thừa tích trữ trong máu và gây ra mỡ máu cao.
Do đó, để hạn chế nguy cơ mỡ máu tăng cao, mọi người nên từ bỏ thói quen hút thuốc lá và tránh lạm dụng rượu, bia.