TTO – Văn hóa doanh nghiệp có thể được coi như gia giáo trong gia đình. Tuy nhiên, các startup chưa nên nghĩ đến văn hóa doanh nghiệp sớm mà cần rèn khả năng ‘ngửi mùi tiền’ trước.
Nhiều chủ đề về giới khởi nghiệp được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo Shark Tank Forum 2020 – Ảnh: N.BÌNH
Tại hội thảo Shark Tank Forum 2020 với chủ đề Định nghĩa lại tương lai diễn ra ở TP.HCM chiều 26-11, bàn về văn hóa doanh nghiệp với 1.000 khách tham dự là các startup, đại diện các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong chương trình Shark Tank Việt Nam, ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch Thế giới di động, cho rằng trong các đợt khủng hoảng, văn hóa doanh nghiệp sẽ là yếu tố giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Theo ông Tài, khái niệm văn hóa doanh nghiệp cơ bản chính là sự nhận diện của người khác khi nhìn vào cách hành xử của người lao động. Đó còn là tập hợp của tầm nhìn doanh nghiệp, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi mà một doanh nghiệp đeo đuổi.
“Văn hóa doanh nghiệp cũng như một gia đình gia giáo. Nếu bố mẹ dặn con ra đường không được mặc đồ hở hang quá mức, đứa con đó thực hiện và tạo thành một nếp sinh hoạt hằng ngày”, ông Tài ví von.
Ông Tài cũng cho rằng văn hóa doanh nghiệp không nên được xây dựng từ hội đồng quản trị, mà do một tập thể lớn những người có quyền hành trong doanh nghiệp cùng đồng thuận. Tuy nhiên, văn hóa phải được xây dựng từ “nóc nhà”, người lãnh đạo phải thực hiện đầu tiên để cấp dưới noi theo.
“Đối với startup, văn hóa doanh nghiệp ban đầu sẽ rất trừu tượng, cao siêu. Các startup nên tạo cho mình văn hóa “ngửi mùi tiền” trước và nên theo đuổi, tức ở đâu có tiền thì tìm đến. Bởi trong những giai đoạn khó khăn, để vượt qua được giai đoạn sống còn, các startup cần nguồn lực hơn”, ông Tài lưu ý.
Ông Nguyễn Bá Quỳnh, phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Hitachi Vantara, cho rằng bản chất chuyển đổi số là chuyển đổi văn hóa. Tuy vậy, văn hóa doanh nghiệp đôi khi lại là con dao hai lưỡi, đặc biệt với những doanh nghiệp lớn, vì họ đối mặt với tư duy bị đông cứng. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là chọn những cộng sự cùng chí hướng, cùng chia sẻ tầm nhìn để khi gặp sự cố như dịch COVID-19 vừa qua thì sẽ cùng nhau giải quyết thay vì bỏ rơi nhau.
Cũng theo ông Nguyễn Bá Quỳnh, giá trị của doanh nghiệp cần được xây dựng từ giá trị đem lại cho khách hàng của mình. Nếu rủi ro được xem là thử thách, “cơ” chính là điều kiện mà doanh nghiệp nhận ra mình có thể cung cấp được giá trị gì cho người dùng, cách thức giải quyết bài toán cho khách hàng.
Đại dịch COVID-19 đã khai tử hàng loạt startup nhưng cũng giúp định hình lại các xu hướng hiện có, tạo ra các xu hướng hoàn toàn mới.
“Zoom là ví dụ cho việc nhìn thấy giá trị của mình trong rủi ro. Khi dịch COVID-19 bùng phát, thế giới hạn chế đi lại, Zoom đã giải quyết được bài toán trên phạm vi toàn cầu và vì thế điều duy nhất họ làm không phải kiếm được bao nhiêu tiền, mà giá trị đem lại cho người dùng như thế nào”, ông Quỳnh nói.
Cũng tại hội thảo, đại diện Shark Tank Việt Nam cho biết sau 3 mùa kết nối các công ty khởi nghiệp tiềm năng với các nhà đầu tư, đến nay đã có 771 tỉ đồng (tương đương hơn 33 triệu USD) được các nhà đầu tư cam kết. Có 77 cái bắt tay giữa startup và “cá mập” trên sóng truyền hình.
Ngoài những thương vụ đặc sắc, những bài học kinh doanh thực tế, Shark Tank còn mang đến nhiều câu chuyện khởi nghiệp truyền cảm hứng.