Bạn không dám mặc cái áo mà mình thích, vì từng có người chê nó làm bạn trông béo hơn. Đừng từ bỏ thứ làm bản thân hạnh phúc chỉ vì lời nhận xét phiến diện của người khác.
Hãy tự tin làm điều mình thích, không cần để tâm quá nhiều đến những lời nhận xét phiến diện của những người xung quanh. Ảnh: V.N. |
Trường Sungkyunkwan (Seoul) một ngày cuối xuân.
Chỉ còn vài phút nữa là bắt đầu giờ học. Hôm nay là lượt phát biểu của tôi trước lớp về một đề tài không mấy hấp dẫn. Tôi lăng xăng chạy lên bục giảng, chuẩn bị sẵn đạo cụ, lưu sẵn file PPT sẽ chiếu vào máy tính trước khi thầy vào lớp.
“Giang! Dép đâu?”.
Tôi hơi khựng lại trước câu hỏi của một anh nghiên cứu sinh người Hàn Quốc. Sau vài giây định thần để nhớ ra câu trả lời, tôi bình tĩnh đáp: “À, hôm nay là ‘ngày không mang dép’ ở Việt Nam”.
Lúc này, không chỉ anh Hàn Quốc nọ, chị Hàn Quốc kia, mà cả mấy bạn Ấn Độ, Mông Cổ, Trung Quốc, ai nấy đều đổ dồn ánh mắt về mảng sàn nhà nơi đặt chiếc ghế tôi hay ngồi. Sau khi xác nhận đúng là ở đấy không có chiếc dép nào (cơ bản vì tôi đã lê la qua một chỗ khác ngồi buôn chuyện trước khi chạy lên bục giảng), những ánh mắt ấy lại đổ dồn vào tôi với một nỗi niềm bán tín bán nghi chờ nghe một lời giải thích.
“Có ngày đó á?”
“Đúng rồi, người Việt Nam quan niệm rằng trong một năm cần có một ngày mà mọi người được sống thoải mái với chính mình. Không mang dép là một cách để mọi người cảm thấy không bị ràng buộc vào bất cứ thứ gì”.
Một tôi của năm 25 tuổi đứng thao thao bất tuyệt về sự tự do tuyệt đối mang tính tưởng tượng trong một xã hội tưởng tượng. Và tôi phải cố nhịn để không tuôn ra một tràng cười đắc chí trước những gương mặt ngây thơ đến tội nghiệp đang thích thú lắng nghe.
“Wow, hay thế! Nhưng… không mang dép như vậy có đau chân không?”.
“Có chứ. Nhưng đi chân trần nhiều rồi thì sẽ quen, không thấy đau nữa. Mà cảm giác rất là… sướng. Ai muốn sướng thì bỏ giày ra đi là biết liền!”.
Tất nhiên là không ai dám bỏ, không hẳn chỉ vì sợ đau chân hay bẩn chân. Có một lý do lớn hơn, đó là người ta sợ dư luận. Đi lang thang trong căn phòng nhỏ hẹp này với những con người quen thuộc thì không sao, nhưng chỉ cần bước chân ra ngoài hành lang (láng mượt và khá sạch sẽ) ngoài kia, họ sẽ thấm thía được ngay thế nào là “xã hội hóa”.
Xã hội này đầy ắp những quy định. Riêng chuyện dép guốc thôi cũng đủ bộn bề. Những cái mà bạn chọn để bọc vào chân mình không đơn giản chỉ để giúp đôi chân tránh đất đá, mà nó phải làm sao để hợp với bộ áo quần mà bạn đang mặc và hợp với nơi mà bạn sắp đến. Chưa kể, nó còn phải hợp với trào lưu mà mọi người đang rầm rập đuổi theo.
Tôi xin đặt một tình huống rất đơn giản. Một cô nàng phải shopping cả ngày trong một khu mua sắm với đôi giày cao gót. Chân cô ta sưng phồng và trong đầu chỉ ước ao có thể cởi bỏ được đôi giày phản chủ ngay tắp lự. Điều gì khiến cô ta ngần ngừ? Trong khi mặt sàn phẳng phiu sạch sẽ thế kia, ham muốn đi chân trần thôi thúc trong lòng thế kia.
Cuốn sách Người tối giản của tác giả Phạm Quỳnh Giang. Ảnh: P.Q.G. |
Tôi dám cá, điều kiện còn thiếu duy nhất đối với cô nàng trong tình cảnh này là tất cả những người trong khu mua sắm ấy phải biến mất nữa. Bởi nếu không, hành động xách giày đi chân không sẽ trở nên dị hợm, ít nhất là trong tâm trí của cô gái ấy.
Những người “mặt dày” sẽ vẫn đặt sự thoải mái của bản thân lên trên hết. Họ bất chấp người ta nghĩ gì về mình, miễn là mình không làm gì sai trái. Xem ra, chuyện “định kiến xã hội” không nằm ở xã hội, mà có khi nằm chính trong tư tưởng của mỗi người. Để vượt qua những định kiến ấy, chúng ta cần chiến thắng chính những định kiến tồn tại trong mình.
Đến khi nào, mỗi chúng ta mới dám khảng khái đọc bản tuyên ngôn độc lập trước ánh mắt soi mói của những người đóng vai quần chúng trong cuộc đời mình?