Khởi nghiệp không chỉ là về ý tưởng và niềm tin, mà còn đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế và khả năng thích ứng với thị trường.
Trong thời đại công nghệ, xu hướng khởi nghiệp ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ. Nhiều bạn trẻ tài năng, với tâm huyết và hoài bão lớn, sẵn sàng dấn thân vào con đường kinh doanh đầy thách thức.
Tuy nhiên, ranh giới giữa sự tự tin cần thiết và sự thiếu thực tế đôi khi rất mong manh.
Chưa có kinh nghiệm kinh doanh, muốn lập hội đồng quản trị
Ng. – 23 tuổi – vừa tốt nghiệp đại học tại Mỹ và hăm hở về Việt Nam khởi nghiệp. Em từng theo học khóa đào tạo về mô hình kinh doanh được một doanh nhân nổi tiếng dẫn dắt. Trong khóa học, các câu chuyện thành công của học viên khóa trước được chia sẻ.
Em như được tái sinh lần nữa. Em khát khao thành công. Em mơ đến một ngày em trở thành doanh nhân trẻ thành công nhất nước Việt. Em tự tin mang mô hình vừa được học đó về nước, mặc cho gia đình can ngăn vì muốn em lập nghiệp ở Mỹ.
Thông qua hai mối quan hệ, Ng. tìm gặp tôi. Trong khi tôi quần jeans áo thun, ngồi cà phê thì em mặc vest, cravat nghiêm túc. Mô hình kinh doanh của em là tạo ra một hội đồng quản trị (HĐQT) mạnh, sau đó vay vốn từ ngân hàng và đi mua lại các doanh nghiệp nhỏ trong cùng một ngành để tạo ra một doanh nghiệp lớn hơn. Sẽ thoái vốn bằng cách niêm yết doanh nghiệp này hoặc bán đi.
Em muốn đầu tư vào một ngành mà em nghĩ là tiềm năng nhưng không có chút kinh nghiệm, kiến thức. Em cũng chưa hình dung được việc điều hành doanh nghiệp sẽ như thế nào. Em chỉ có niềm tin là em sẽ thuyết phục được ngân hàng cho em vay với lãi suất thấp và thuyết phục thành công các doanh nghiệp nhỏ đồng ý cho em mua lại. Việc điều hành doanh nghiệp sẽ do HĐQT thực hiện.
Tôi phân tích cho em thấy những khó khăn khi tham gia vào ngành mà em chọn, những điểm phi thực tế trong mô hình kinh doanh này.
Tôi khuyên em nên chấp nhận đi làm thuê một thời gian để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức về thị trường, tạo dựng mối quan hệ. Đồng thời nên đọc sách về quản trị.
Em lắc đầu và vẫn rất kiên định với lựa chọn của mình.
5 ngày sau, em điện thoại cho tôi và hỏi thăm thông tin về một ngành khác. Tôi cho em vài cái tên doanh nghiệp lớn trong ngành để em tìm hiểu.
Thật sự tôi rất ấn tượng về sự tự tin của em. Tuy nhiên ngoài sự tự tin đó và niềm tin về mô hình kinh doanh được học, em không có gì hết.
Em sẽ thành công với niềm tin của mình hay không? Tôi không biết và thật ra cũng mong em ít va vấp.
Tích lũy kinh nghiệm không hề là lãng phí
Theo một số kết quả nghiên cứu của Kauffman Foundation, Đại học Duke và Viện Nhà sáng lập, độ tuổi trung bình của một doanh nhân là 40 khi họ bắt đầu khởi nghiệp.
Khi lập ra một dự án khởi nghiệp tăng trưởng tốt, thì số chủ doanh nghiệp trên 55 tuổi nhiều gấp đôi những người dưới 35 tuổi.
Có rất nhiều doanh nhân thành công khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ có thể học hỏi từ những cố vấn giàu kinh nghiệm và những cuốn sách. Nên tinh thần học hỏi là điều không thể thiếu ở doanh nhân thành đạt.
Câu chuyện của Ng. phản ánh một thực tế phổ biến trong cộng đồng khởi nghiệp trẻ: Sự tự tin và nhiệt huyết có thể là động lực mạnh mẽ, nhưng cũng có thể trở thành rào cản nếu không đi kèm với kiến thức và kinh nghiệm thực tế.
Khởi nghiệp không chỉ là về ý tưởng và niềm tin, mà còn đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế và khả năng thích ứng với thị trường.
Điều quan trọng là các bạn trẻ cần nhận thức rằng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm không phải là sự lãng phí thời gian, mà là quá trình cần thiết để xây dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp.
Việc tìm kiếm sự cố vấn từ những người có kinh nghiệm, đọc sách, và thậm chí là trải nghiệm làm việc trong ngành trước khi khởi nghiệp có thể giúp tăng đáng kể cơ hội thành công.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất là duy trì sự cân bằng giữa nhiệt huyết và thực tế. Tự tin là cần thiết, nhưng cần được điều chỉnh bởi sự khiêm tốn để học hỏi và sự linh hoạt để thích ứng. Chỉ khi đó những ước mơ khởi nghiệp mới có thể hiện thực hóa một cách bền vững và thành công.