Cuộc sống áp lực ở Trung Quốc khiến người trẻ rời thành phố lớn, lên núi tìm khu nghỉ dưỡng để “nằm phẳng” một thời gian trước khi trở lại nhịp sống mệt mỏi.
Ren Binglin sinh ra ở Hà Nam, tỉnh cách Bắc Kinh khoảng 640 km về phía nam. Ở tuổi 25, anh chọn lối sống du mục kỹ thuật số và sống ở nhiều nơi khắp Trung Quốc, từ ký túc xá, nhà nghỉ cho đến thuê nhà của một người nông dân.
Là một nhiếp ảnh gia, thu nhập của Ren không ổn định. Có thời điểm, anh không một xu dính túi suốt hai tuần nhưng có ngày, anh kiếm đủ để tiêu cả tháng. Cuộc sống ở Bắc Kinh ngột ngạt và đắt đỏ khiến anh thấy mình cần nghỉ ngơi.
Ren bắt đầu tìm kiếm những nơi có thể đến ở vùng núi và tình cờ thấy Guanye, một khu nghỉ dưỡng dành cho giới trẻ, trên Xiaohongshu, nền tảng giống Instagram của Trung Quốc. Khu nghỉ cách Bắc Kinh khoảng 290 km, hướng tới người trẻ muốn tìm chốn bình yên cạnh thiên nhiên.
Ren lập tức bị thu hút bởi những bức ảnh về núi non, hồ bơi và những người bằng tuổi anh đang nấu ăn, leo núi, xem phim. Nhận thấy mình sẽ hòa nhập nhanh với họ, trưa cùng ngày, Ren xách balo rời khỏi Bắc Kinh, tới khu nghỉ dưỡng và dành hai tháng ở đây.
Tất cả phòng đều có tầm nhìn ra núi, phòng của Ren có cửa sổ suốt từ sàn đến trần, một chiếc giường dài 1,8 m, một chiếc tủ lạnh, phòng tắm và một chiếc tivi. Giá thuê phòng khoảng 500 USD mỗi tháng, đã gồm tiền ăn. Sự khác biệt giữa cuộc sống ở thành phố và trên núi rất lớn. Vào buổi sáng, Ren thức dậy và nghe thấy tiếng đàn dê ăn cỏ.
“Thật tuyệt khi thức dậy bằng cách đó”, Ren nói.
Hầu hết khách ở khu nghỉ dưỡng đều trong độ tuổi 20-30, số ít người trên 40 tuổi. Ren không tốn quá nhiều thời gian để kết nối với mọi người. Quản lý khu nghỉ dưỡng cũng xem những người đến là bạn bè, không phải khách hàng.
Phần lớn khách đến đây để “nằm phẳng” một thời gian trước khi trở lại làm việc còn Ren vẫn tiếp tục công việc trực tuyến. “Nằm phẳng” là phong trào phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt với giới trẻ – khuyến khích họ thể hiện sự chán nản với sự bận rộn, tham vọng và áp lực trong cuộc sống.
Hầu hết người Ren trò chuyện tại đây đều đã trải qua một cú sốc trong cuộc sống, từ công việc, chuyện tình cảm hoặc gia đình. Ren gặp một luật sư nói anh ta chán sự bận rộn của công việc và đã bắt đầu sống một cuộc sống du mục. Dù vậy, vì tính chất công việc, anh thường xuyên phải ra tòa.
Ren cũng trò chuyện với một trong những người sáng lập khu nghỉ và được biết anh ta lớn lên ở làng này và những ngôi nhà trong khu nghỉ thuộc về một người thân. Ông bà người này hiện gần 95 tuổi và anh muốn dành nhiều thời gian hơn bên họ. Ren nhận thấy ngôi làng này rất nghèo, giới trẻ đã rời đi tìm việc, bỏ lại những người già chơi mạt chược suốt ngày.
Bữa sáng, khách nghỉ được phục vụ trứng, bánh bao hấp, cơm, cháo kê và bánh mì dẹt; buổi trưa có gà và bò, khoai tây xào, đậu, bắp cải. Những người trẻ ở đây thường tổ chức các hoạt động như hái hồng hoặc hạt dẻ, leo núi, tập thiền vào buổi sáng. Ren nghe nói vào mùa hè, họ bơi, xem phim hoặc uống rượu cùng nhau.
“Nơi này giúp mọi người nạp lại năng lượng”, anh nói.
Cuộc sống ở thành phố có chi phí đắt đỏ và nhiều người không hài lòng với công việc, khả năng kết nối sâu sắc với nhau cũng hạn chế. Ren có cảm giác mỗi người ở thành phố đều phải sống vì người khác và luôn “đeo một chiếc mặt nạ”.
Cuộc sống ở Guanye đã giúp chàng trai 25 tuổi bớt căng thẳng và bản thân anh cũng thấy thay đổi một chút dù không nhiều như những người khác. Gần đây, khi gặp lại một số khách trong khu nghỉ dưỡng ở thành phố lớn, anh thấy họ trở nên kín đáo hơn.
“Dường như khi quay lại thành phố, họ không còn sống thật với mình”, anh nói.
Hoài Anh (Theo Business Insider)