Đại sứ có thể chia sẻ với độc giả những ấn tượng, kỷ niệm đầu tiên của mình về APEC từ 20 năm trước?
Đại sứ Trương Triều Dương được biết đến nhiều như một vị đại sứ Việt Nam tại Philippines có nhiều đóng góp cho sự phát triển quan hệ hợp tác của hai nước. Nhưng trước đó, ông đã là một nhân vật đồng hành từ đầu với quá trình Việt Nam gia nhập APEC cách đây gần 19 năm.
Đại sứ Trương Triều Dương đã chia sẻ với chúng tôi những ấn tượng về APEC từ 20 năm trước, từ khi ông là người Việt Nam đầu tiên sang Philippines năm 1997 để tham gia diễn đàn APEC khi Việt Nam mới chỉ là một quan sát viên, và sau đó ông cũng trở thành một trong những người tham gia viết Đề án Việt Nam gia nhập APEC để trình lên Trung ương.
APEC là một kỷ niệm vui đối với tôi. Việt Nam (cùng với Nga và Peru) chính thức trở thành thành viên của APEC vào tháng 11/1998, nhưng chúng ta đã đăng ký gia nhập và trở thành một quan sát viên của diễn đàn này từ năm 1996. Năm 1997, tôi lần đầu tiên được cử đi sang Philippines tham gia một số hoạt động của APEC với tư cách là đại biểu của một nước quan sát viên. Có thể nói, đó là lần đầu tiên đại biểu Việt Nam có mặt tại một sự kiện của APEC.
APEC có một điều lạ, nó chỉ là một “diễn đàn”, không phải là một “tổ chức”, và khi các đại biểu khi tham dự thì được quy định là ăn mặc thoải mải, kiểu “smart casual”, nên đi họp APEC thì khỏi lo chuyện “đóng thùng, là lượt” comple, cà vạt như các hoạt động ngoại giao thường thấy, thậm chí là mình có thể mặc quần bò, áo phông trong một số seminar, rất thoải mái và tự do. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi về APEC.
APEC cũng có thể nói là một cộng đồng rất mở và rất “vui”, không có sự phân biệt đối xử giữa các quốc gia, giúp mình quen với rất nhiều giới khác nhau, tiếp cận các doanh nghiệp rất lớn.
Từ khi đại diện cho Việt Nam như là một quan sát viên cho tới ngày Việt Nam chính thức ra nhập APEC, rồi có lúc là đại sứ đón đoàn Việt Nam sang nước bạn tham dự APEC, đi họp hội nghị các quan chức cấp cao (SOM) rất nhiều, tôi thấy rằng APEC có nhiều hoạt động hay và mang lại lợi ích thực chất cho các thành viên, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam đăng ký gia nhập APEC năm 1996, đến năm 1998 đã được kết nạp chính thức, như vậy là rất nhanh, chúng ta đã xử lý điều bất ngờ này như thế nào?
Khi APEC công bố quyết định đồng ý kết nạp Việt Nam, Nga và Peru vào diễn đàn thì mình rất bất ngờ, vì mình mới chỉ làm quan sát viên có một năm.
Sau khi APEC công bố quyết định thì chúng tôi được yêu cầu viết và hoàn thành Đề án “Việt Nam gia nhập APEC” để trình lên Trung ương càng sớm càng tốt.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (màn hình) phát biểu tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 10 ngày 14/11/1998, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia – Ảnh: TTXVN
Thú thực là lúc đó, những người viết đề án mới bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng APEC là gì, vì thực ra mình không có nhiều thông tin.
Công việc chuẩn bị dự án được thực hiện rất gấp rút, làm ngày làm đêm, và chỉ trong 2 tuần, tài liệu được chuẩn bị công phu đã hoàn thành và nhanh chóng được phê duyệt.
Sau đó, bộ máy để chuẩn bị cho việc gia nhập APEC bắt đầu khởi động, đầu tiên chỉ có Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại, sau đó các bộ ngành dần dần đều vào cuộc vì APEC liên quan tới tất cả các bộ ngành.
Bộ Ngoại giao cũng tách riêng một vụ gọi là Vụ Kinh tế Đa phương trực thuộc lãnh đạo Bộ để chuyên trách về hợp tác đa phương trong các tổ chức như APEC. (Đại sứ Trương Triều Dương là thế hệ lãnh đạo đầu tiên, đã đồng hành với cơ quan này cho tới khi sang Thụy Sĩ làm Phó trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cũng như tham gia đoàn đàm phán WTO sau này – PV)
Ông có đánh giá như thế nào về các bước đi hội nhập của Việt Nam trước và sau sự kiện Việt Nam trở thành thành viên của APEC?
Năm 1995 chúng ta bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN, và chỉ 3 năm sau đã trở thành thành viên của APEC.
Có thể nói khi Việt Nam trở thành thành viên của APEC vào tháng 11/1998 thì ai cũng bất ngờ, không nghĩ Việt Nam có thể gia nhập APEC nhanh đến thế. Chúng ta đã được sự ủng hộ nhiệt tình của ASEAN, đến thời điểm đó thì đã có 6 nước ASEAN là thành viên APEC.
Tất nhiên ngoài sự hỗ trợ của ASEAN thì có lẽ lý do chúng ta được kết nạp APEC sớm cũng vì các nước cũng nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam.
Có thể nói ASEAN là bước đầu tiên hội nhập của Việt Nam, lúc đó mới chỉ là hội nhập kinh tế quốc tế. ASEAN là hội nhập tiểu khu vực, sau đó là đến APEC – hội nhập khu vực, sau đó nữa là đến hội nhập liên khu vực ASEM (Diễn đàn Đối thoại & Hợp tác Á-Âu), và đại khu vực thế giới là WTO. Cứ như vậy, chúng ta đã đi từng bước một và nếu nhìn lại thì có thể đánh giá rằng các bước đi của ta rất đúng đắn.
Trọng tâm của diễn đàn APEC là các vấn đề kinh tế, nhưng có ý kiến cho rằng APEC đang ngày càng “chính trị hóa” hơn, ông có nhận định như thế nào về ý kiến này?
Cảm nhận ngay từ đầu của tôi là trong APEC, các đối tượng tham gia rất nhiều, các hoạt động cực kỳ đa dạng. Tuy vấn đề chính trị không được đưa vào chương trình nghị sự của APEC nhưng có thể nói APEC không thể không quan tâm tới các vấn đề chính trị.
Tôi còn nhớ mình đã từng phải đi họp APEC lúc 1h đêm ở New Zealand vì lúc đó xảy ra sự kiện Đông Timor tuyên bố tách khỏi Indonesia. Indonesia là một thành viên của APEC nên lúc đó APEC cần phải họp khẩn để bày tỏ lập trường về vấn đề này.
Như vậy APEC đã phải họp, mà lại họp về một vấn đề không liên quan tới kinh tế, thương mại đầu tư gì cả. Và càng ngày APEC càng không thể “bàng quan” với các vấn đề chính trị. Thực tế là các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh quốc tế đang trở thành những điều mà APEC không thể bỏ qua được, dù muốn hay không.
Bởi vì, các vấn đề, quyền lợi về an ninh, chính trị, kinh tế, thương mại và các vấn đề văn hóa xã hội có lợi ích đan xen, ràng buộc lẫn nhau. Do đó nói rằng APEC không nói chuyện chính trị là không đúng, Việt Nam ta phải sẵn sàng với các khả năng đó, không chối bỏ sự liên quan mật thiết giữa hòa bình an ninh quốc tế và kinh tế – thương mại, văn hóa xã hội.
Việt Nam năm 2017 lần thứ hai trở thành chủ nhà của diễn đàn APEC, điều này sẽ có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam và của khu vực?
Đại sứ Trương Triều Dương khi còn công tác tại Philippines và Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Philippines)
Những ngày diễn ra hội nghị cấp cao APEC luôn là những ngày “đau đầu” với nhà tổ chức nhưng là những ngày vui với người tham gia. APEC có nhiều hoạt động bên lề được tổ chức để mọi người tham gia. Tuần lễ cấp cao không chỉ là hội nghị, mà nó là ngày hội đối với các thành viên.
Rõ ràng là Việt Nam ta đã chuẩn bị kịp thời và tham gia thành công vào diễn đàn này, bây giờ đã làm chủ nhà lần thứ hai. Việt Nam có truyền thống là tham gia tổ chức nào thì cũng rất nhiệt tình, đưa ra nhiều sáng kiến, luôn được các nước ủng hộ.
APEC là diễn đàn đa phương quan trọng và mang lại nhiều lợi ích thực chất cho Việt Nam. Trong số 25 đối tác chiến lược của Việt Nam thì có quá nửa số đó nằm trong APEC.
Họ đến đây với ta chính là cơ hội cho ta đưa các quan hệ đối tác đã được xác lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững; tăng cường đan xen lợi ích dài hạn của ta đối với những thành viên APEC chủ chốt.
Việc đăng cai tổ chức APEC 2017 đã thể hiện được tầm nhìn của Việt Nam. Công sức của Việt Nam bỏ ra sẽ được bù đắp thỏa đáng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới được củng cố.
Việt Nam cũng giúp tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng liên kết khu vực. Thành công của APEC 2017 sẽ khẳng định vai trò APEC là diễn đàn khởi xướng ý tưởng, định hướng và điều phối và điều tiết kinh tế, đây sẽ là thời điểm quan trọng để định hình tầm nhìn sau 2020 và nó sẽ tạo ra được cơ sở để xác định mục tiêu, hướng đi dài hạn cho các trụ cột hợp tác cho 10-15 năm tới của APEC.
Xin cảm ơn ông!
Theo Trí Thức Trẻ7/11/2017