Chuyên gia khuyên mỗi người nên đa dạng hóa nguồn thu nhập khi về hưu như bảo hiểm xã hội, gửi tiết kiệm, đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện…
Việt Nam đang đối mặt với kịch bản dân số già khi tỷ suất sinh thô giảm, nhóm người cao tuổi tăng lên. Kết quả điều tra dân số năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam có 7,78 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 8% dân số. Sau thời gian ngắn suy giảm, tỷ lệ người cao tuổi nâng lên nhanh chóng khi trong năm liền trước, nhóm này chiếm 7,7%.
Cơ quan này dự báo đến năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già, với tỷ lệ người 65 tuổi trở lên đạt gần 14,2%.
Do đó, vấn đề hưu trí và hoạch định tài chính cho giai đoạn này bắt đầu nhận nhiều sự chú ý. Nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội trên 2.019 người có độ tuổi 30-44 tại 6 tỉnh, thành phố năm 2021 đã chỉ ra, đầu tư để sinh lời không quá phổ biến trong kế hoạch chuẩn bị tài chính cho cuộc sống khi về già. Phần lớn người tham gia khảo sát chỉ ưu tiên chi tiêu hợp lý, tiết kiệm và xây dựng kế hoạch tài chính hơn là đầu tư.
Trong kế hoạch chuẩn bị thu nhập khi về hưu, Tập đoàn cố vấn đầu tư Vanguard – tập đoàn đầu tư lớn nhất thế giới về quỹ tương hỗ và lớn thứ hai về quỹ hoán đổi danh mục (ETF) – cho biết mỗi người thường có hai nguồn tiền: thu nhập cố định và thu nhập hưu trí bổ sung.
Các nguồn thu nhập cố định có thể bao gồm tiền an sinh xã hội, lương hưu hoặc các khoản trợ cấp được nhận hàng năm. Với những khoản này, cơ quan nhà nước, chủ lao động sẽ chịu trách nhiệm cung cấp nguồn thu nhập ổn định như đã cam kết khi người lao động còn làm việc.
Tại Việt Nam, pháp luật quy định rõ Bảo hiểm xã hội là cơ quan thực hiện nhiệm vụ cung cấp mức lương hưu cơ bản cho người hết tuổi lao động. Theo số liệu từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cả nước có hơn 16,5 triệu người đang tham gia, đạt 33,75% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tỷ lệ tham gia còn thấp nhưng đây lại là nguồn thu nhập chủ yếu của người về hưu. Theo quy định, mức chi trả lương hưu sẽ dao động từ 45-75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Các chuyên gia của Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) cho rằng, khoản tiền này chỉ mới đáp ứng được mức sống cơ bản. Với các thành phố lớn có mức sống cao hơn, người về hưu sẽ gặp khó với số tiền trên.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng chỉ rõ, để duy trì mức sống như trước khi nghỉ hưu, mỗi người cần có 70-75% mức thu nhập bình quân trong 5 năm liền trước.
Ngoài các khoản cố định, Tập đoàn Vanguard còn chỉ ra lao động về hưu có thể sở hữu thêm nguồn thu nhập hưu trí bổ sung như tiền gửi tiết kiệm, lãi đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện… Người lao động với tư cách là chủ sở hữu của các khoản này, tự quyết định số tiền đóng góp và quyết định số tiền có thể nhận được mỗi năm, dựa theo nhu cầu, kế hoạch và số tiền rót vào khi đầu tư.
Chuyên gia DCVFM cho rằng, hiện tại mọi người thường chọn giải pháp gửi tiết kiệm. Đây là kênh sinh lãi an toàn, ít có rủi ro mất vốn và lợi nhuận được đảm bảo, nhưng tỷ suất sinh lời thông thường là thấp nhất trong các kênh đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt nếu so với lạm phát.
Nhiều năm gần đây, vàng và bất động sản cũng trở thành sự lựa chọn phổ biến với những người có thu nhập cao hơn. Đây đều là hai kênh đầu tư giúp đa dạng hóa nguồn sinh lời, có tính trú ẩn và phòng ngừa rủi ro nhất định, mặc dù tỷ suất sinh lời không được đảm bảo an toàn như gửi tiết kiệm.
Ngoài ra, những người có kiến thức tài chính sẽ tham gia vào thị trường chứng khoán. Đây được xem là kênh đầu tư sinh lời cao, nhưng lại đi kèm rủi ro lớn hơn. Chưa kể, quan niệm người Việt thường xem “con cái là của để dành”, dẫn đến tâm lý phụ thuộc vào sự trợ cấp từ các con và bị động về kế hoạch tài chính của bản thân.
Ngoài tự đầu tư, người lao động hiện nay còn có thể tham gia quỹ hưu trí tự nguyện. Đây được xem là hình thức đầu tư có tính bền vững cao khi được các tổ chức quản lý quỹ tập trung phân bổ vào danh mục trái phiếu, chứng chỉ quỹ hoặc một phần nhỏ cổ phiếu nhằm giúp đảm bảo sinh lời tốt hơn so với gửi tiết kiệm.
“Việc tham gia quỹ hưu trí tự nguyện được xem là một hình thức phổ biến để chuẩn bị sớm cho kế hoạch về hưu với độ rủi ro thấp. Bởi nó được thiết kế phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro theo từng độ tuổi của người tham gia, nhưng vẫn giúp người lao động đạt được mức sống tốt hơn khi nghỉ hưu”, chuyên gia DCVFM khẳng định.
Các chương trình hưu trí tự nguyện đang là một trong ba trụ cột an sinh xã hội chính yếu của người lao động nhiều quốc gia, bên cạnh lương hưu nhà nước và lương hưu bổ sung. Tại các nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia… mô hình này đã phổ biến và được xem là một công cụ mang lại quyền lợi gia tăng dành cho người lao động khi về hưu.
Ở Việt Nam, mô hình này đã được Chính phủ ban hành quy định pháp lý vào năm 2016. DCVFM tính toán, mức chi trả lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội chỉ tương đương 45% thu nhập bình quân trong 5 năm làm việc gần nhất trước thời điểm nghỉ hưu. Do đó, quỹ hưu trí tự nguyện có thể là một trong những giải pháp giúp người về hưu có thêm thu nhập đáp ứng nhu cầu sinh hoạt.
Mỗi loại thu nhập hưu trí đều có lợi ích và rủi ro nhất định. Các chuyên gia từ Vanguard khuyên rằng, mỗi người nên xây dựng cơ cấu thu nhập hưu trí đa dạng từ cả các nguồn cố định và nguồn bất định để hướng tới kế hoạch tài chính mang tính bền vững.
Tất Đạt