Giá bán USD của NHNN đã vượt 23.000 đồng trong ngày cuối tháng 4…
Tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với USD thời điểm cuối tháng 4 là 22.350 đồng. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng là 23.020 đồng và tỷ giá sàn là 21.680 đồng.
Đối với thị trường ngoại tệ trong nước, Vietcombank, Vietinbank và BIDV niêm yết giá USD ở mức: 22.690 đồng (mua) và 22.760 đồng (bán); ACB: 22.700 đồng (mua) và 22.770 đồng (bán); Techcombank: 22.680 đồng (mua) và 22.790 đồng (bán), gần bằng với mức tỷ giá 22.769 của ngày 31/12/2016. Trên thị trường tự do, vào ngày 01/5, đồng USD được giao dịch ở mức giá 22.740 -22.760.
Tỷ giá trung tâm đã tăng thêm 39 đồng kể từ ngày 7/4 trở lại đây và làm cho tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN tăng lên trên 23.000 ở chiều bán ra, nhưng chiều mua vào chỉ có 22.675 đồng – giữ khoảng cách chênh lệch tới 326 đồng. Trong khi đó, khoảng cách giữa giá mua bán chuyển khoản tại các NHTM chỉ từ 60-80 đồng, còn khoảng cách này trên thị trường tự do trung bình là 15 đồng.
Vậy đâu là nguyên nhân của việc tăng tỷ giá USD/VNĐ này và dự báo đường đi của tỷ giá đến cuối năm 2017 ra sao.
Nguyên nhân của việc tăng tỷ giá USD/VNĐ lên 23.000 là gì? Có 3 lý do.
Thứ nhất là dự liệu trước áp lực tăng tỷ giá USD/VNĐ trong thời gian tới
Sau đợt tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) vào rạng sáng ngày 16/3 vừa qua, chỉ số DXY (USD Dollar Index: chỉ số Đồng đô la Mỹ để đo lường biến động đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm xuống còn 99,7 điểm, trở lại dưới ngưỡng 100 điểm và là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1 năm nay. Tỷ giá USD cũng đồng loạt giảm so với các ngoại tệ chính khác, cụ thể giảm -0,56% so với EUR, -1,43% so với JPY, -0,73% so với GBP và -0,65% so với CHF.
Trong khi tỷ giá trung tâm của NHNN giữ nhịp tăng trong nhiều ngày vừa qua, tỷ giá giao dịch USD/VNĐ tại các ngân hàng thương mại (NHTM) lại ngược lại khi bám sát diễn biến của tỷ giá của các đồng tiền trên thị trường quốc tế khi thường xuyên giữ xu hướng giảm làm chủ đạo.
Nhưng nếu xét về thời gian 8 tháng còn lại của năm 2017, khi lãi suất đồng USD dự kiến tăng thêm 2 lần nữa, xu hướng chung của các đồng tiền để tính tỷ giá trung tâm tại Việt Nam sẽ mất giá so với đồng USD trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang có nhiều dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Khi nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu thì việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VNĐ là thực sự cần thiết nhằm đảm bảo các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không bị mất lợi thế cạnh tranh so với các nước khác có quan hệ thương mại lớn.
Tỷ giá USD/VNĐ bán ra tại Sở giao dịch NHNN cao hơn tỷ giá USD/VNĐ bán ra của các NHTM chứng tỏ thanh khoản USD trên thị trường vẫn bình thường và các NHTM cũng không cần đến sự can thiệp từ nguồn cung USD của NHNN. Tỷ giá USD/VNĐ bán ra tăng từ Sở giao dịch NHNN được xem là biện pháp kỹ thuật và nhằm dự liệu trước áp lực tăng tỷ giá từ việc tăng giá của đồng USD trên thị trường thế giới trong thời gian tới.
Thứ hai, chặn đà rơi tỷ giá
Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 4 tháng đầu năm 2017 cả nước nhập siêu 2,74 tỷ USD, bằng 4.5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, động thái từ FED chỉ là một phần tạo ra áp lực tỷ giá USD/VNĐ trong thời gian tới, sức ép chủ yếu lên tỷ giá năm nay là do cung ngoại tệ có thể kém thuận lợi hơn so với năm trước, do cán cân thương mại có thể đảo chiều từ mức thặng dư trong năm 2016 sang thâm hụt dự báo ở mức cao. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn đến từ cán cân vốn có thể chịu tác động, khi vốn ODA sẽ bị hạn chế kể từ tháng 7/2017.
Với những áp lực như trên, tỷ giá USD/VNĐ chịu áp lực tăng trong tương lai gần song hiện đang diễn biến theo cung cầu USD trên thị trường, tức là nguồn cung USD đang đáp ứng đủ cầu nên thị trường không có hiện tượng khan hiếm USD và tỷ giá tiếp tục được duy trì ổn định ở mức bằng với tỷ giá đầu năm và thấp hơn gần 250 đồng so với tỷ giá bán ra của Sở giao dịch NHNN. Do đó, chỉ có trường hợp khi thanh khoản quá dư thừa hoặc quá căng, tỷ giá của NHTM mới đi ngược hướng với tỷ giá trung tâm do NHNN công bố như trong những ngày vừa qua.
Tuy nhiên, việc nhập siêu của Việt Nam tăng trong 4 tháng vừa qua cùng với kỳ vọng đồng tiền của các nước có giao dịch thương mại, đầu tư lớn với Việt Nam phá giá khi FED dự kiến tăng lãi suất sắp tới và tỷ giá USD/VNĐ giao dịch của các NHTM gần như không thay đổi so với cuối năm 2016 càng làm cho hàng hoá của chúng ta kém cạnh tranh trên thị trường thế giới. Mặc dù, về lý thuyết, khi tỷ giá hối đoái danh nghĩa tăng mà tỷ giá hối đoái thực giảm cũng sẽ kích thích nhập khẩu nhiều hơn, ví dụ như trường hợp tỷ giá danh nghĩa tăng nhưng nước ta vẫn nhập siêu qua nhiều năm của giai đoạn từ 2000 – 2010.
Do đó, việc làm tăng tỷ giá USD/VNĐ nhiều khả năng sẽ làm giảm nhập siêu nhưng đối với Việt Nam thì không nhiều. Nhưng chính sách này sẽ hiệu quả khi sử dụng biện pháp phá giá cần phải cân nhắc đến hệ số co giãn của từng loại hàng hóa xuất nhập khẩu chính liên quan trong từng thời kỳ, đánh giá các tác động tiêu cực đến các chỉ tiêu vĩ mô khác để có thể lượng hóa được chính xác và đầy đủ các mặt.
Cho nên, việc làm cho tỷ giá USD/VNĐ tăng trở lại theo sự gia tăng của tỷ giá trung tâm cùng với các chính sách như vừa nêu ở trên sẽ giúp cho tình trạng nhập siêu giảm đi và đạt được nhiều cân đối lớn khác của nền kinh tế.
Thứ ba, hỗ trợ thanh khoản VNĐ và giảm lãi suất
Để ổn định lãi suất, NHNN có thể tăng cung tiền ra nền kinh tế thông qua thị trường mở và các kênh khác, đồng thời với việc thực thi chính sách ổn định tỷ giá.
Báo cáo định kỳ tháng của Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 không thay đổi so với tháng trước; tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái và mới tăng 0,90% so với tháng 12/2016.
Lãi suất liên ngân hàng tuần từ 17 – 21/4 vừa qua có xu hướng giảm khá mạnh đối với tất cả các loại kỳ hạn và đã có tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống trong thời gian này đã cân bằng trở lại. Nhưng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng trở lại vào ngày 26/4 vừa qua theo số liệu của NHNN lên mức gần 5%/năm cho kỳ hạn từ 1 tuần đến 3 tháng và 4,69% kỳ hạn qua đêm với doanh số gần 40 ngàn tỷ đồng tuy NHNN đã bơm ròng vốn vào thị trường thông qua kênh OMO gần 50 ngày tỷ đồng trong suốt 6 tuần vừa qua.
Ngoài ra, cầu trái phiếu Chính phủ còn khoảng 63% cho các tháng còn lại trong năm cũng tạo ra cầu vốn rất lớn trong thị trường (tính từ đầu năm, lượng phát hành thành công của Kho bạc Nhà nước ước đạt 68.000 tỷ đồng, hoàn thành 37,1% kế hoạch cả năm). Tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao ngay từ đầu năm nên cầu về vốn tại các ngân hàng là rất lớn. Tăng trưởng tín dụng theo thống kê của NHNN trong 3 tháng đầu năm 2017 đã ở mức 4,03%, tăng khá cao so với cùng kỳ các năm trước và dự báo sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, không phải ngân hàng nào có nhu cầu về vốn huy động cũng có thể vay mượn trên liên ngân hàng do phải có đủ điều kiện về giấy tờ có giá, uy tín và kỳ hạn vay mượn thường ngắn. Do đó, ngoài việc các ngân hàng cần vốn ngoài việc đã tăng cường thu hút nguồn huy động từ dân cư qua chương trình khuyến mại thì việc tiếp nhận vốn VNĐ từ việc bán USD cho NHNN như những ngày vừa qua cũng rất phù hợp.
Tỷ giá còn room tăng khoảng 1-2% trong thời gian còn lại của năm
Các nhà phân tích đánh giá trong quý I/2017, Mỹ chỉ đạt được mức tăng trưởng 0,7% thấp hơn dự báo ban đầu 1,3% và rất thấp hơn so với mức tăng 2,1% của quý IV/2016. Cho nên, chắc chắc tỷ lệ tăng trưởng chậm này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kỳ vọng sớm nâng thêm lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay và 3 lần trong năm 2018.
Bên cạnh đó, ngày 27/4 vừa qua, chính quyền Donald Trump đã công bố dự thảo cải cách thuế được coi là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Theo đó, Nhà Trắng đã đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15% và sẽ chỉ đánh thuế một lần lên doanh thu của các công ty Mỹ đang hoạt động ở nước ngoài. Cụ thể, khung thuế cá nhân giảm về còn 3 so với 7 khung trước đó và thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm mạnh từ 35% về 15%. Kế hoạch thuế của Trump được cho là không mới so với những gì mà truyền thông đã đưa tin suốt tuần qua. Trong khi kế hoạch này tỏ ra khá tham vọng, cơ sở của nó lại rất mong manh và khó đạt được mục tiêu cuối cùng.
Từ đó, các phân tích trên sẽ tác động tích cực đến chính sách ổn định tỷ giá của Việt Nam trong 3 quý còn lại của năm nay và phù hợp với dự báo về độ tăng của tỷ giá USD/VNĐ vào khoảng từ 1-2% trong năm nay.