Chỉ tính riêng năm ngoái, trên 150.000 người làm việc trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu đã bị sa thải và dự kiến con số đó tiếp tục tăng lên trong năm 2023.
Văn phòng của Microsoft ở Chevy Chase, Maryland, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Mới đây, tập đoàn Microsoft thông báo kế hoạch cắt giảm 10.000 việc làm vào cuối quý III của tài khóa 2023. Đây là đợt sa thải mới nhất trong lĩnh vực công nghệ Mỹ khi nhiều tập đoàn tiếp tục thu hẹp quy mô nhân sự để vượt qua tình hình kinh tế khó khăn.
Các nhà phân tích đã chia sẻ với báo Anh Guardian một số yếu tố đứng sau sự sụp đổ của lĩnh vực công nghệ.
Mở rộng quá đà trong đại dịch
Đầu tháng 1, tập đoàn bán hàng trực tuyến Amazon đã mở rộng kế hoạch cắt giảm việc làm từ 10.000 lên 18.000 khi giám đốc điều hành của công ty thừa nhận công ty đã tuyển dụng nhanh chóng trong vài năm qua. Giám đốc Andrew Jassy chỉ ra một nền kinh tế không chắc chắn là một yếu tố then chốt, khi sự tăng trưởng của các công ty liên quan đến đại dịch đối mặt sự suy thoái kinh tế toàn cầu và của Mỹ.
Vào tháng 3/2020, số lượng người lao động trên toàn cầu của Amazon là 628.000 nhưng đã tăng lên 1,5 triệu do thói quen của người tiêu dùng hướng đến mua sắm trực tuyến nhiều hơn trong thời kỳ đại dịch. Làn sóng cắt giảm mới nhất sẽ tập trung vào bộ phận cửa hàng – bao gồm bán lẻ trực tuyến, kho bãi và các cửa hàng.
Cũng trong đầu tháng 1, công ty kinh doanh phần mềm Salesforce cho biết họ đã sa thải khoảng 8.000 nhân viên, tương đương 10% nhân sự. Giám đốc điều hành Marc Benioff cho biết công ty đã mở rộng quá mức.
Trong lá thư gửi cho nhân viên, ông Benioff viết: “Khi doanh thu của chúng ta tăng nhanh nhờ đại dịch, công ty đã thuê quá nhiều người dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế mà chúng ta đang phải đối mặt và tôi sẽ chịu trách nhiệm về điều đó”.
Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành kiêm người sáng lập công ty mẹ của Facebook và Instagram là Meta, đã công bố kế hoạch cắt giảm 11.000 việc làm vào tháng 11/2022 và thừa nhận rằng ông đã mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời kỳ đại dịch với giả định rằng hoạt động trực tuyến sẽ tiếp tục gia tăng. “Thật không may, điều này đã không diễn ra theo cách tôi mong đợi”, ông trùm công nghệ nói.
Theo website Layoffs.fyi, các công ty công nghệ toàn cầu đã sa thải hơn 150.000 nhân viên vào năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng con số sẽ tiếp tục tăng khi nền kinh tế toàn cầu và kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Joshua White, Phó Giáo sư chuyên ngành tài chính tại Đại học Vanderbilt (Mỹ), cho biết: “Có khả năng xu hướng sa thải này sẽ tiếp tục xảy ra trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là khi phản ứng của thị trường đối với các công ty có số lượng nhân viên bị sa thải dường như là tích cực. Các nhà đầu tư coi đây là những biện pháp cắt giảm chi phí thận trọng”.
Nền kinh tế toàn cầu gặp khó
Chỉ số niềm tin CEO – tên một cuộc khảo sát hàng tháng đối với các ông chủ Mỹ – đã chạm mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo James Knightley – nhà kinh tế quốc tế của tập đoàn ngân hàng ING, đây là dấu hiệu báo trước tình trạng cắt giảm việc làm trong các doanh nghiệp.
Knightley nói: “Khi các CEO tỏ ra bi quan như vậy, điều đó cho thấy các công ty Mỹ đang tìm cách chuẩn bị cho tình huống khó khăn và cho thấy mối đe dọa ngày càng tăng về mất việc làm và giảm vốn”.
Vị chuyên gia này cho rằng việc tăng lãi suất mạnh mẽ trên khắp thế giới – bao gồm cả ở Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) sẽ đạt được mục tiêu giảm lạm phát, nhưng hiện tại, chi phí sinh hoạt vẫn ở mức cao ở các nền kinh tế lớn và đang ăn mòn sức chi tiêu của các gia đình. Đây là một vấn đề đối với các công ty công nghệ trên nhiều mặt, bao gồm nhu cầu về ô tô điện và đăng ký chương trình phát sóng trực tuyến.
“Với việc người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến triển vọng kinh tế thì chúng ta sẽ chứng kiếnviệc cắt giảm chi tiêu tùy ý, trong đó hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến chiếm một tỷ lệ đáng kể”, chuyên gia Knightley lý giải.
COVID-19 ở Trung Quốc đối với Apple và Tesla
Tập đoàn Apple đã giảm xuống dưới mức vốn hóa thị trường 2.000 tỷ USD, một năm sau khi trở thành công ty đầu tiên đạt mức định giá 3.000 tỷ USD. Cổ phiếu của Apple đã bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn liên quan đến các lệnh phong toả đối với việc sản xuất iPhone ở Trung Quốc, dẫn đến việc hạ thấp kỳ vọng của các nhà phân tích về doanh số bán hàng.
Mặc dù lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ tại nhà máy sản xuất chính của Apple ở Trịnh Châu nhưng các nhà đầu tư lo ngại công ty sẽ phá vỡ kỷ lục tăng trưởng doanh số 14 quý trong 3 tháng tính đến tháng 12.
Trong khi đó, nhà sản xuất ô tô điện Tesla cũng bị ảnh hưởng. Ngày 6/1, Tesla đã hạ giá xe Model 3 và Model Y tại Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới và là nguồn cung cấp khoảng 40% doanh số bán hàng của Tesla. Hiệp hội ô tô chở khách Trung Quốc cho biết số lượng xe Tesla sản xuất tại nước này hồi tháng 12 đã đạt mức thấp nhất trong 5 tháng.
Jeffrey Osborne, nhà phân tích tại công ty tài chính Cowen của Mỹ, cho biết môi trường tiêu dùng yếu hơn ở Trung Quốc cộng với cạnh tranh gia tăng là một vấn đề đối với Tesla.
Thương vụ Twitter
Vấn đề của Twitter cần được phân tích riêng vì yếu tố Elon Musk. Tháng 10/2022, nhà tỷ phú Elon Musk đã mua Twitter với giá 44 tỷ USD và ngay lập tức sa thải khoảng 3.750 nhân viên, tương đương gần một nửa lực lượng lao động. Các nhân viên được thông báo rằng điều này được thực hiện để đưa Twitter trở lại đúng hướng, phản ánh thực tế là công ty đã thua lỗ 10 trong 12 năm qua. Musk cũng đã ám chỉ về việc tuyển dụng quá mức, nói rằng có quá nhiều nhà quản lý, trong khi ông cũng cảnh báo về một cú quay xe sắp xảy ra đối với doanh thu quảng cáo do suy thoái kinh tế.
Twitter đang mắc nợ nặng nề sau khoản vay gần 13 tỷ USD, tiêu tốn hơn 1 tỷ USD một năm cho nhân viên và từ đó gây sức ép lên chi phí. Ông Musk thừa nhận rằng những lo ngại về việc quản lý công ty của ông ấy đã gây ra sự sụt giảm lớn về quảng cáo doanh thu.
Theo Guardian