Đôi bạn thân Swati Sehgal và Riddhi Jain có triệu USD ở tuổi 30 nhờ tuân thủ nguyên tắc “trả tiền cho bản thân trước” mỗi khi có lương.
Swati Sehgal và Riddhi Jain là dân nhập cư vào Mỹ, gặp nhau vào năm thứ nhất đại học và trở thành bạn cùng phòng ngay năm sau đó. Cả hai đã chia sẻ với nhau rất nhiều điều từ tài chính, mục tiêu, sự nghiệp và cách họ có thể thành công trong những lĩnh vực này. Tình bạn keo sơn này kéo dài 10 năm. Đến nay, hai người còn chia sẻ nhiều hơn về sự nghiệp trong công ty, cộng đồng tài chính cá nhân và cùng nhau phát triển trang web về cách tự thân quản lý dòng tiền. Cả hai đều trở thành triệu phú khi bước sang tuổi 30.
Sehgal và Jain cho rằng, trở thành triệu phú không phải là một mục tiêu khó. Hiểu đơn giản đây chỉ là mục tiêu có một số tiền nhất định ở một độ tuổi nhất định. Đây là kết quả của nhiều năm quản lý tài chính nhất quán và có chủ đích.
Sehgal nói: “Tôi ghét việc bản thân luôn cảm thấy không thể làm hoặc mua thứ gì đó mình mong muốn. Tôi thà cắt giảm chi tiêu ở những hoạt động có thể và dồn sức làm việc để hướng tới mục tiêu đó”.
Cách suy nghĩ này bao trùm gần như toàn bộ chiến lược tài chính của đôi bạn thân. Họ nhất quán trong việc phải “trả tiền cho bản thân trước” – tức tự động trích một khoản tiết kiệm từ tiền lương tại thời điểm nhận được. Vì các khoản này sẽ được chuyển sang tài khoản tiết kiệm hoặc đầu tư của bản thân, nên “bản thân được trả tiền trước”.
Sau đây là những nguyên tắc giúp hai người phụ nữ 30 tuổi gia tăng giá trị tài sản ròng của họ lên hơn một triệu USD.
Xây dựng quỹ khẩn cấp
Kể từ thời điểm nhận khoản tiền lương đầu tiên, Sehgal và Jain luôn dành phần lớn để tiết kiệm hoặc đầu tư cho tương lai. Chiến lược “trả tiền cho bản thân trước” khá phổ biến trong lĩnh vực tài chính cá nhân. Một số người thậm chí còn mặc định việc bỏ tiền vào quỹ khẩn cấp giống như phải trả một hóa đơn hoặc bất kỳ khoản chi phí nào khác.
Dựa trên thu nhập của mình, cả hai sẽ dành ra một khoản phù hợp mà họ cảm thấy thoải mái. Khoản này có tính đến các mục tiêu của bản thân và các chi phí khác. Ban đầu, hầu như toàn bộ số tiền này được dùng để xây dựng quỹ khẩn cấp.
Việc xây dựng nguồn tiết kiệm này rất quan trọng với cả hai người phụ nữ trong việc tiến đến sự thịnh vượng bền vững. Quỹ khẩn cấp sẽ đảm bảo họ không bao giờ rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất nếu xảy ra điều gì cực đoan, chẳng hạn như mất việc.
Sehgal nói: “Về cơ bản tôi đã tiết kiệm được 12 tháng, và nếu tôi phải sử dụng nó, tôi sẽ nạp tiền lại đúng mức đã dùng”. Cô ấy giữ các khoản chi tiêu trị giá 6 tháng trong một tài khoản tiết kiệm và nửa còn lại đầu tư, vì bản thân Sehgal không bao giờ cần khoản tiết kiệm có giá trị hơn nửa năm cùng một lúc.
Đầu tư liên tục kể từ khi đi làm
Sehgal giải thích: “Khi tôi mới bắt đầu kiếm tiền, số tiền ‘trả cho bản thân trước’ sẽ gần như hoàn toàn dành cho quỹ khẩn cấp, chỉ một tỷ lệ nhỏ cho các khoản đầu tư. Và khi quỹ khẩn cấp của tôi đạt đến hạn mức đề ra, tất cả khoản tiền về sau được chuyển sang đầu tư”.
Cả hai đều thừa nhận sức mạnh của đầu tư khi nói đến thịnh vượng bền vững và coi đó như một công cụ giúp đẩy nhanh tốc độ để họ có thể đạt được mục tiêu của mình. Jain nói: “Khi tôi hiểu hơn về đầu tư, tôi không thể tin rằng ở trường trung học không ai nói với mình về công cụ này”.
Hai cô gái ưu tiên đổ tiền vào quỹ hưu trí, sau đó chủ yếu đầu tư vào các quỹ chỉ số chi phí thấp. Riêng Sehgal dành khoảng 5% thu nhập của mình cho các cổ phiếu riêng lẻ.
Các khoản đóng góp đầu tư luôn được phân bổ đều đặn, nhưng họ không tập trung vào việc luôn đầu tư một số tiền cụ thể hàng tháng. Ví dụ, nếu một trong hai người phải sử dụng quỹ khẩn cấp của mình, họ có thể đầu tư ít hơn.
“Trong đầu tư, tôi nghĩ rằng sự nhất quán thực sự là một chìa khóa. Điều quan trọng không phải là số tiền bạn bỏ vào, mà bạn luôn tuân thủ việc rót tiền cho đầu tư đều đặn”, Sehgal nhấn mạnh.
Thanh toán hóa đơn đúng hạn và dùng thẻ có chiến lược
Sau khi dành tiền cho đầu tư và tiết kiệm, họ cũng phải trả các hóa đơn và các chi phí khác trong cuộc sống hàng ngày. Để làm điều này theo cách đơn giản nhất, Sehgal và Jain tự động hóa tất cả hóa đơn của mình. Điều này đảm bảo cả hai luôn thanh toán đầy đủ hàng tháng và không phát sinh bất kỳ khoản nợ nào.
Sehgal nói: “Tôi nghĩ rằng cả hai chúng tôi đều may mắn khi bắt đầu với phương châm: tốt nghiệp đại học mà không có bất kỳ khoản nợ nào”. Phương châm này tiếp tục được vận dụng đến nay. Jain khẳng định, họ luôn cố gắng không mắc bất kỳ khoản nợ thẻ tín dụng nào ngay từ đầu.
Nhưng thay vì từ bỏ hoàn toàn thẻ tín dụng, họ sử dụng chúng sao cho có lợi nhất. Để tránh bất kỳ hậu quả tiêu cực nào, Sehgal và Jain luôn trả hết thẻ hàng tháng và chỉ mua những thứ đáng mua. Họ cũng tự động hóa nhiều khoản thanh toán thẻ của mình.
Để tối đa hóa lợi ích, hai cô gái luôn chú ý đến các tin tức và dịch vụ về thẻ tín dụng, đặc biệt là tìm kiếm các thẻ có phần thưởng giới thiệu tốt và các chương trình khuyến mãi để giúp họ tiết kiệm nhiều tiền hơn nữa. Cả hai đặc biệt thích sử dụng thẻ có phần thưởng về du lịch.
Thoải mái tiêu tiền còn dư
Sau khi tiết kiệm, đầu tư và thanh toán tất cả hóa đơn của mình, Sehgal và Jain cho biết họ luôn “tự hào” khi tiêu sạch khoản tiền còn lại một cách thoải mái. “Chúng tôi không lập ngân sách mỗi ngày. Số tiền còn lại sau cùng được cả hai dùng”, Jain nói.
Ví dụ, cô thích đi du lịch với vé máy bay hạng nhất và ở trong những khách sạn sang trọng. Jain không cảm thấy xấu hổ với bản thân sau khi đã dành đủ tiền tiết kiệm, đầu tư, thanh toán hóa đơn và chi phí.
Về việc này, Sehgal lưu ý: “Không chỉ tìm kiếm sự giàu có, chúng tôi còn muốn tận hưởng cuộc sống”.
Tất Đạt (theo Business Insider)