Bình Dương có quỹ đất lớn, giá cạnh tranh, pháp lý thông thoáng và chi phí triển khai thấp đã thu hút nhiều doanh nghiệp ngoại đến phát triển nhà vừa túi tiền.
Ghi nhận từ VnExpress cho thấy nửa đầu năm nay, nhiều thương vụ rót vốn từ nhà đầu tư Nhật Bản, Singapore, Malaysia… vào Bình Dương phần lớn tập trung vào các dự án nhà ở giá rẻ, hay còn gọi là nhà vừa túi tiền (affordable housing). Khái niệm nhà ở vừa túi tiền từng được Công ty Nam Long chia sẻlà phân khúc nhà ở có tổng giá trị tài sản được chi trả bằng thu nhập tích lũy từ 7 năm trở lên của một hộ gia đình, tức tầm 25-35 triệu mỗi m2 với các thị trường tỉnh và trên dưới 40 triệu mỗi m2 với TP HCM. Đặc điểm của affordable housing là thu hút nhu cầu ở thật.
Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư TT Capital cùng hai đối tác đến từ Nhật Bản là Cosmos Initia (thành viên của Daiwa House Group) và Koterasu hợp tác phát triển dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền tại Bình Dương và các tỉnh lân cận.
Liên doanh này tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 150 triệu USD trong 5 năm tới, mục tiêu mỗi năm đưa ra thị trường hàng nghìn căn hộ giá rẻ. Hiện tại, liên doanh này cũng đã hoàn tất việc góp vốn cho một dự án gần Vincom Dĩ An, TP Dĩ An với quy mô gần 2.000 căn hộ, giá bán dưới 2 tỷ đồng mỗi căn, nhiều khả năng sẽ ra mắt vào quý III năm nay.
Kim Oanh Group cũng mới bắt tay với 3 tập đoàn hàng đầu đến từ Nhật Bản gồm Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi và Công ty Phát triển đô thị NTT để lên kế hoạch triển khai một dự án đô thị quy mô 1 tỷ USD tại Bình Dương. Không chỉ vậy, thời gian tới liên doanh này còn hướng đến phát triển thêm hàng loạt dự án khác với giá bán thuộc phân khúc trung cấp và bình dân.
Hay tập đoàn Bcons đang bắt tay với đối tác quốc tế là Asset Limited đến từ Thái Lan, sẽ làm 11 dự án nhà ở với tổng cộng gần 9.000 căn hộ thuộc phân khúc vừa túi tiền tại thị trường Bình Dương. Gần đây nhất, chủ đầu tư này cho ra mắt kế hoạch triển khai hơn 2.000 căn nhà ở xã hội trên khu vực đường Thống Nhất, TP Dĩ An trong năm 2025.
Trước đó không lâu, CapitaLand cũng động thổ dự án nhà ở diện tích 19 ha, cung ứng ra thị trường 3.500 sản phẩm tại Bình Dương. Được biết đây là dự án quy mô lớn nhất và có mức giá “vừa túi tiền” nhất trong loạt sản phẩm chủ đầu tư này đang triển khai tại Việt Nam.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh này đã thu hút thêm 96 dự án mới, 60 dự án điều chỉnh tăng vốn và 62 dự án góp vốn mua cổ phần, tổng vốn đầu tư FDI ước đạt 825 triệu USD, đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh này hiện có 4.322 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 41 tỷ USD. Dòng vốn FDI không chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, mà còn đổ vào bất động sản nhà ở, thương mại, dịch vụ.
Nghiên cứu của Dat Xanh Services cũng ghi nhận dòng vốn ngoại đổ vào Bình Dương thông qua hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) thời gian qua đang rơi vào các dự án thuộc phân khúc bất động sản công nghiệp và nhà ở vừa túi tiền với quy mô lớn.
Lý giải xu hướng dòng vốn ngoại đổ vào nhà giá rẻ, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman&Wakefield Việt Nam, cho rằng khối ngoại vẫn luôn “nhạy” trong việc quan sát những chuyển động tiếp theo của thị trường Việt Nam, nhất là sau khi ba bộ luật (Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản) có hiệu lực.
Theo bà, hướng đi của dòng vốn này cũng chịu ảnh hưởng theo những thay đổi trực tiếp của thị trường, nhưng năm qua chính phủ đang khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp bất động sản làm nhà giá rẻ. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi ngày càng nhiều quỹ đầu tư, “ông lớn” quốc tế nhắm đến loại này. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Trung Quốc là nhóm quan tâm nhiều nhất đến phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực.
Về lý do họ chọn Bình Dương, bà Trang cho rằng bên cạnh vị trí thuận lợi, quỹ đất lớn, được phép xây dựng các khu nhà cao tầng mà không bị hạn chế chỉ tiêu dân số, tỉnh này còn có môi trường đầu tư thông thoáng, thủ tục pháp lý nhanh gọn.
Bà cho biết rất nhiều nhà đầu tư ngoại rời Việt Nam vì không thể kiên trì chờ đợi thủ tục cấp phép phát triển dự án kéo dài, có khi lên đến 5-6 năm. Xét trên một khía cạnh nào đó, Bình Dương đang làm rất tốt việc thu hút và tạo điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư và phát triển. Khâu thủ tục pháp lý để triển khai dự án ở Bình Dương có thể nói là “dễ chịu”, luôn tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết nhanh chóng, giảm được rất nhiều chi phí so với những địa phương khác.
Ông Thiện Dương, Tổng giám đốc Group GSA, cũng nhận định tỉnh này vẫn là thủ phủ công nghiệp thu hút nhiều “đại bàng” về làm tổ. Bất động sản công nghiệp phát triển kéo theo nhu cầu về nhà ở dồi dào. Trước đó nhiều ông lớn quốc tế như Tokyu, Sembcorp, AEON, Central Retail… đã gặt hái thành công khi phát triển các dự án đô thị nhà ở, thương mại, công nghiệp tại Bình Dương. Nhờ vậy khối ngoại càng mạnh dạn tham gia vào thị trường này hơn.
Theo ông, khoảng 80% nhu cầu mua nhà tại Việt Nam là sản phẩm giá trung cấp, bình dân. Nhu cầu thị trường nghiên về đâu thì nhà phát triển dự án sẽ hướng đến đó, không riêng gì chủ đầu tư trong nước mà cả dòng vốn ngoại cũng nắm bắt rất tốt xu hướng này. Dù vậy “gu” của khối ngoại là làm những dự án với quy mô lớn, cần quỹ đất rộng. Với quỹ đất và giá đất tại TP HCM hiện nay rất khó để doanh nghiệp làm nhà giá rẻ. Xét về yếu tố địa lý, hạ tầng và kinh tế, địa phương vừa cận kề TP HCM, thông thoáng di chuyển, có quỹ đất đa dạng, chi phí triển khai dự án cạnh tranh, Bình Dương là lựa chọn phù hợp nhất cho các khối ngoại lúc này.
“Tới đây, không chỉ với mảng bất động sản công nghiệp, hậu cần mà dấu ấn của khối ngoại sẽ đậm nét hơn ở cả mảng thương mại, dịch vụ và nhà ở”, ông Thiện dự đoán.
Nhu cầu nhà ở tại Bình Dương được đánh giá là còn dồi dào do sự phát triển công nghiệp cùng tỷ lệ lao động nhập cư tăng. Tỉnh này hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp. Mỗi năm, dân số Bình Dương tăng hơn 100.000 người, là địa phương có tỷ lệ tăng dân số cơ học và thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước. Năm 2024, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ở Bình Dương từ 60.000-80.000 công nhân lao động. Sự ổn định về nguồn cầu, các yếu tố cơ sở hạ tầng (đặc biệt là hạ tầng giao thông và logistics) tạo cơ hội cho phát triển bất động sản.
Không chỉ nhu cầu tại địa phương, Bình Dương cũng đang là thị trường chính đón làn sóng dãn dân của TP HCM. Báo cáo mới đây của Savills chỉ ra, 80% người mua các dự án căn hộ mới ở Bình Dương trong 6 tháng đầu năm nay đến từ TP HCM. Bên cạnh nhu cầu đầu tư, lượng khách mua để ở, học tập và làm việc có sự cải thiện rõ rệt. Phần lớn tập trung vào dòng sản phẩm có giá trên dưới 30 triệu đồng mỗi m2.
Bà Giang Huỳnh, Giám đốc Nghiên cứu và S22M của Savills Việt Nam, cho biết thị trường này thu hút sức mua từ TP HCM nhờ giữ được mức giá bán cạnh tranh. Nếu ở thành phố, căn hộ có giá dưới 3 tỷ đồng được xem là bình dân thì với tầm giá này tại Bình Dương hoàn toàn có thể mua được dự án theo tiêu chuẩn cao cấp. Lợi nhuận đầu tư cho thuê căn hộ Bình Dương khá tốt, từ 6-8%, cao hơn mức 4-4,5% của TP HCM. Ngoài ra, giao thông đi lại giữa hai địa phương này thuận lợi, người lao động đang làm việc tại các vùng giáp ranh có thể dễ dàng mua nhà Bình Dương để ở, đầu tư hoặc cho thuê.
Thống kê từ Savills, Bình Dương và Đồng Nai có thể đóng góp gần 24.000 căn hộ bình dân mới trong 3 năm tới. Đơn vị này dự báo quỹ đất tại TP HCM ngày càng khan hiếm, nhiều chủ đầu tư trong nước và quốc tế sẽ đẩy mạnh việc mở rộng tìm kiếm quỹ đất ra các tỉnh lân cận để triển khai các dự án lớn và Bình Dương vẫn sẽ là điểm đến được quan tâm nhiều hơn nữa.
Phương Uyên