Nhà ngoại giao Talleyrand là nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử Pháp. Bằng những bước đi đầy tính thực dụng, ông đã giữ vững ảnh hưởng của Pháp trên trường quốc tế.
Chân dung nhà ngoại giao Talleyrand. Ảnh: History. |
Kể từ thế kỷ thứ 19 cho đến nay, nhà ngoại giao Talleyrand của Pháp luôn là nhân vật gây tranh cãi bởi các học giả. Ngay trong thời khắc một chính quyền chuẩn bị suy tàn, ông đã âm thầm thúc đẩy những cuộc lật đổ để khai sinh ra một bộ máy mới.
Dẫu vậy, không ai có thể phủ nhận những đóng góp của ông đã nâng tầm vị thế của nước Pháp trong bối cảnh châu Âu rơi vào các cuộc chiến khốc liệt.
Ngoại giao cửa sau kiểu Talleyrand
Charles Maurice de Talleyrand-Périgord (1754-1838) là một trong những nhà ngoại giao tài ba của Pháp. Ông nổi bật với khả năng tận dụng các mối quan hệ cá nhân trong việc điều hành chính sách đối ngoại. Mục tiêu của ông nhắm đến chính là những người vợ của các chính khách có ảnh hưởng, để đạt được mục tiêu của Pháp.
Talleyrand dùng nhiều cách để lấy lòng Dorothée, vợ của cháu trai ông, và nữ công tước de Dino, chị gái của bà, người có mối quan hệ thân thiết với Metternich – một nhà ngoại giao nổi tiếng của Áo. Nhờ đó, ông Talleyrand có thể gặp và thương lượng một cách không chính thức với Metternich về vai trò của Pháp tại châu Âu. Từ đó tạo lợi thế cho nước mình trên bàn các cuộc đàm phán sau này.
Ngoài ra, ông Talleyrand còn biết khai thác sự ảnh hưởng của các phụ nữ khác trong xã hội thượng lưu. Ông kết thân với bà Fanny von Arnstein, người tổ chức những buổi tiệc xa hoa cho trí thức tại Vienna, nơi nhiều chính khách châu Âu gặp gỡ và thảo luận. Thông qua bà Fanny von Arnstein, nhà ngoại giao Pháp này đã có các cuộc gặp gỡ không chính thức với nhiều tầng lớp thượng lưu. Điều này tạo điều kiện cho ông thuyết phục các đại biểu từ các quốc gia khác thay đổi quan điểm về Pháp, một quốc gia bại trận sau hàng loạt cuộc chiến tranh giành quyền lực cuối thế kỷ 19.
Cuốn sách Talleyrand – Bậc thầy của nền ngoại giao chính trị. Ảnh: Nhà xuất bản Tri thức. |
Theo các nhà sử học, những nỗ lực trên của ông Talleyrand đều hướng vào Đại hội Vienna (1814-1815), nơi các cường quốc châu Âu quyết định tương lai của lục địa sau sự sụp đổ của Napoleon. Tại sự kiện này, ông Talleyrand đã thành công thuyết phục các cường quốc như Anh, Áo, Phổ và Nga để cho phép Pháp tham gia vào các cuộc thảo luận bí mật, dù ban đầu quốc gia này bị loại khỏi quá trình ra quyết định.
Kết quả là ông bảo vệ quyền lợi của Pháp, không chỉ giữ được ranh giới lãnh thổ trước chiến tranh năm 1792, mà còn tránh cho Pháp phải trả thêm các khoản bồi thường chiến tranh.
“Tại Đại hội Vienna, Talleyrand đã xuất sắc xoay chuyển tình thế để giữ cho Pháp một vị trí quan trọng trong các cuộc đàm phán, ngay cả khi quốc gia này phải đối mặt với sự thất bại quân sự”, tác giả Evgenij Viktorovič Tarle viết trong cuốn sách Talleyrand – Bậc thầy của nền ngoại giao chính trị.
Vai trò của chính trị gia Talleyrand trong giai đoạn này không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ lợi ích quốc gia, mà còn tạo ra một hình mẫu về ngoại giao linh hoạt và khôn khéo trong bối cảnh châu Âu đầu thế kỷ 19. Mặc dù sự nghiệp chính trị của ông gặp nhiều sóng gió, đặc biệt sau sự trở lại ngắn ngủi của Napoleon vào năm 1815, Talleyrand vẫn duy trì tầm ảnh hưởng của mình cho đến tận những năm 1830.
Những ảnh hưởng lâu dài của Talleyrand
Những năm cuối trong sự nghiệp ngoại giao của ông Talleyrand đã chứng kiến những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm củng cố vị thế của Pháp trên trường quốc tế. Sau khi bị buộc phải từ chức dưới triều đại vua Louis XVIII vào năm 1815, Talleyrand sống trong sự im lặng một thời gian dài. Nhưng ông vẫn không ngừng theo dõi và can thiệp vào các sự kiện quốc gia. Đến năm 1829, với bản năng chính trị sắc bén, ông dẫn đầu phong trào lật đổ vua Charles X và đưa vị chỉ huy Louis-Philippe lên ngôi, mở ra thời kỳ quân chủ mới vào tháng 7/1830.
Một trong những thành công lớn của chính trị gia Talleyrand trong giai đoạn này là đàm phán với Anh về vấn đề thành lập Vương quốc Bỉ trung lập, đánh dấu sự thay đổi quyền lực quan trọng ở châu Âu. Sự xuất hiện của một vương quốc trung lập nằm giữa hai cường quốc là Pháp và Anh đã giúp duy trì cân bằng quyền lực, đồng thời làm giảm nguy cơ chiến tranh giữa các quốc gia lân cận.
Khách sạn Talleyrand là nơi được nhà ngoại giao Talleyrand tiếp các chính khách lớn đầu thế kỷ 19. Nơi đây từng được gia tộc Rothschild mua lại vào thế kỷ 20. Ảnh: WMF. |
Nhà ngoại giao Talleyrand đă đặt nền móng cho Hiệp ước Liên minh Bốn nước (Quadruple Alliance) vào ngày 22/4/1834, giữa Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Hiệp ước này không chỉ là sự củng cố mối quan hệ giữa các nước lớn ở Tây Âu, mà còn là nỗ lực của Talleyrand trong việc giữ vững hòa bình và ổn định cho khu vực.
Ý nghĩa của Hiệp ước Liên minh Bốn nước rất sâu sắc, vì nó đánh dấu sự đoàn kết giữa các cường quốc châu Âu nhằm duy trì trật tự đã được thiết lập sau Đại hội Vienna và đối phó với những phong trào cấp tiến đe dọa hệ thống quân chủ. Ngoài ra, việc ký kết hiệp ước này còn khẳng định vị thế của Talleyrand như một nhà ngoại giao bậc thầy, người luôn biết cách điều hướng các mối quan hệ quốc tế phức tạp để mang lại lợi ích tối đa cho quốc gia mình.
Có thể thấy cuộc đời và sự nghiệp của nhà ngoại giao Talleyrand là những năm tháng nước Pháp phải đối mặt với nhiều biến cố. Theo tác giả Evgenij Viktorovič Tarle, Talleyrand là người “ngồi bên giường bệnh của mỗi thời đại, mỗi chính phủ, luôn luôn bắt mạch của họ và nhận thấy sớm hơn tất cả bất kỳ ai khác là khi nào thì trái tim họ ngừng đập”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
Sự ‘trái ngang’ của phong cách Pháp và người dân MỹTrải qua giai đoạn chịu ảnh hưởng của thời trang Pháp, một nhóm người có tầm nhìn táo bạo ở New York đã phát triển hướng đi thời trang mới: “sự thanh lịch không cầu kỳ”. |
Chuyện của một Phật tử người PhápKhi đến Làng Mai, chàng trai người Pháp này có rất nhiều cảm giác giận, thậm chí là thù hận cha mình. Qua trao đổi với Sư Ông, anh hiểu bản thân anh chính là sự tiếp nối của cha. Dù có giận cha, giận mẹ đến mức nào, chúng ta cũng không thể lấy cha mẹ ra khỏi cơ thể của mình được. – Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách! |