Không khí nhộn nhịp, đông đúc của chợ phiên vùng cao khiến những người khách phương xa hào hứng. Giáp Tết, chợ phiên Mèo Vạc càng thêm tấp nập kẻ bán người mua.
Tranh vẽ chợ phiên Mèo Vạc nhộn nhịp ngày giáp Tết của họa sĩ Phương Quỳnh. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Những ngày cuối năm, Bắp được cùng mẹ theo xe chú Lộc đi thăm Hà Giang, đến phiên chợ cuối cùng của năm cũ. Hà Giang những ngày cuối đông đầu xuân lất phất mưa phùn. Con đường buổi sớm mờ trong sương giá. Còn buổi chiều ở đây, chỉ khoảng bốn giờ, trời đã tối sầm. Cả cao nguyên đá phía sau cổng trời Quản Bạ chìm trong giá lạnh, sầm sì.
Không hiểu sao mẹ Bắp mê chợ phiên đến thế. Chả biết mẹ thích các phong tục thú vị ở nơi này, hay vì say đắm những chiếc váy xanh váy đỏ bồng bềnh trong mây. Lần nào mẹ cũng mê mẩn đi theo những chiếc váy H’Mông xúng xính, cả buổi không chán, rồi ngồi lê la từ quán mèn mén đến quán bánh rán, chén đẫy nào phở nào thắng cố, mua lỉnh kỉnh từ khăn vấn đầu đến mấy cái gùi.
Hà Giang có rất nhiều chợ phiên. Những chợ lớn như Đồng Văn, Mèo Vạc họp vào chủ nhật. Các chợ Ma Lé, Sủng Là họp vào thứ Bảy. Ngoài những chợ họp cố định một tuần một lần như vậy, Hà Giang còn có những phiên chợ họp sáu ngày một lần, gọi là chợ lùi. Chẳng hạn tuần này chợ họp vào Chủ nhật, thì tuần sau sẽ họp vào thứ Bảy, tuần tiếp theo sẽ họp vào thứ Sáu, tuần sau nữa sẽ họp vào thứ Năm… cứ thế lùi dần.
Những chợ lùi như chợ Lũng Phìn, Sà Phìn, Phó Bảng và Phố Cáo đều rất đông vui và náo nhiệt, lại chưa bị tác động của các dịch vụ du lịch nên vẫn còn nguyên sơ, đơn giản. Nếu muốn đi những phiên chợ thuần túy như vậy của người dân địa phương, phải để ý ngày kẻo lỡ dịp lại tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Ấn phẩm Nhâm nhi Tết Giáp Thìn 2024 với nhiều bài viết mang phong vị Tết. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Chợ Mèo Vạc nằm trong trung tâm thị trấn, với hai khu vực phía trong nhà và ngoài trời. Từ đêm trước, người bán hàng đã lục tục dọn đồ, chuẩn bị. Các hàng vải và quán ăn hầu hết nằm trong khu nhà, bên ngoài dành cho các hàng rau củ quả, gia súc gia cầm.
Đêm trước, chợ phiên vui thật vui. Bên nồi thắng cố bốc khói, nghe tiếng bà con nói đủ thứ chuyện, nghe tiếng hát, tiếng khèn vang vang ở một góc nào đó vọng lại. Trời thật lạnh, sương mờ mịt, người đi chợ ngồi ríu lại với nhau, khề khà cả đêm.
Nhà của chú Lộc nằm trong bản Lô Lô, sát chợ Mèo Vạc nên có thể đi bộ. Tờ mờ sáng, Bắp còn ngái ngủ đã bị mẹ lôi dậy, đùm đùm áo xống, xuống chợ. Trời vẫn còn tối như bưng và lạnh. Xuyên qua màn sương nặng, ánh đèn đường đỏ quạch từ xa, mờ mờ ảo ảo trong sương. Cứ tưởng chỉ mới có mình đi, hóa ra không phải.
Trong màn sương phải đứng cạnh nhau mới thấy rõ mặt, rúc rích bên phải là tiếng nói cười, bên trái là tiếng xe máy, tiếng ôtô. Rồi hóa ra mình đang đi giữa một dòng người náo nức. Chợ Mèo Vạc vốn là chợ lớn nhất ở Hà Giang, hôm nay đông vui và nhiều đồ bán hơn hẳn mọi bận.
Nhà nào khá giả thì hai vợ chồng gùi theo đứa con nhỏ sau lưng, chạy xe máy xuống chợ. Nhà nào có ngựa thì dắt theo con ngựa thồ đủ thứ hàng. Có người còn đi xe khách. Còn lại thì đi bộ. Tốp năm, tốp ba, cứ thế xúng xính váy áo xuống chợ.
Ở vùng núi cao hiểm trở, các bản làng xa xôi, chợ phiên vừa là nơi buôn bán vừa là điểm giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đi xuống chợ chẳng cần mang theo tiền. Trong nhà có gì là mang xuống chợ để bán hay đổi lấy những món đồ thiết yếu.
Mớ rau cải ngồng trong vườn, con gà mái mới đẻ một lứa, đỗ tương vừa dỡ trên nương, vài trái ớt, dăm quả trứng, để cả vào trong gùi cùng chai nước, rồi cứ thế đi bộ từ sớm, vượt hàng cây số đường núi xuống chợ.
Cái chợ rộng thế mà đã chật kín những người với người. Bà con dân tộc H’Mông, Lô Lô, Dao Đỏ xúm xít, váy áo đủ sắc màu sặc sỡ. Các bà các mẹ, các cô gái đều mặc những chiếc váy áo đẹp nhất của mình. Ai cũng muốn được khoe những chiếc váy áo do chính đôi bàn tay khéo léo của mình làm ra.
Các anh thanh niên thì mặc áo màu chàm sẫm nhưng quàng một chiếc khăn đủ màu, ngồi uống rượu vui vẻ với nhau. Đám trẻ nhỏ lon ton theo sau lưng gùi của mẹ, của chị, má đỏ hây hây vì lạnh.
Trời sương nặng hạt hóa mưa phùn bay bay. Ngựa phi lẩn khuất trong mây sớm. Những chiếc váy màu sắc sặc sỡ xòe múa trong mây. Tiếng cười giòn tan vang xa theo lànmây. Cả khu chợ biến thành một vườn hoa rực rỡ.
Phiên chợ đông dần, trời cũng bắt đầu tan sương. Hai mẹ con sà vào hàng bún ăn sáng rồi rẽ sang hàng bánh rán ăn thêm một chiếc no căng bụng. Lúc đầu Bắp còn bám mẹ, sau em tự đi. Những chiếc váy xúng xính sắc màu thu hút em.
Bắp cứ len lỏi trong chợ, theo đuôi những chiếc váy hoa, lang thang khắp chợ với niềm vui reo vang trong lòng. Khu bán các loài gia cầm với gà vịt chó mèo là khu Bắp mê tít. Bắp sinh ra ở thành phố, không có nhiều cơ hội biết đến con gà, con vịt, giờ được tận tay bắt, tận mắt nhìn ngắm những chú vịt đáng yêu, làm sao có thể rời đi được.
Những chú vịt lông vàng óng ả, cái miệng kêu không ngừng, ầm ĩ cả một góc chợ. Lúc đầu em không dám sờ, nhưng một lát em đã mạnh dạn bế một chú vịt lên, vuốt ve, đôi mắt lấp lánh niềm vui thích.Bình thường, chợ Mèo Vạc họp từ khoảng sáu giờ sáng đến hai giờ chiều thì dần tan, nhưng hôm nay phải đến tận chiều muộn mới tan hẳn.
Khi chiếc gùi sau lưng đã chất nặng những món đồ cần mua, những chiếc váy H’Mông lại thủng thẳng ra về. Mùa xuân đã về với những bó cải nở hoa vàng, với nếp váy mới được xếp gọn trong gùi và nụ cười rạng rỡ. Có anh chàng người H’Mông say ngật ngưỡng nằm vắt trên con ngựa già, người vợ lầm lũi theo sau đuôi ngựa, tay vẫn không ngừng xe đay.
Chợ vãn, hai mẹ con Bắp cũng đủng đỉnh ra về. Trên tay túi to, túi nhỏ. Bắp vui sướng ôm chiếc thùng cacton nhỏ, bên trong là hai chú vịt xinh xinh. Hai chú vịt được thả trong khu vườn ở nhà nghỉ. Bắp muốn mang về Hà Nội mà không thể, đành gửi lại nhờ chú Lộc chăm hộ, hẹn lần sau trở lại Mèo Vạc sẽ tới thăm.
Những cây mận cây đào hai bên đường đã bắt đầu trổ những nụ hoa phớt hồng chúm chím. Bên hàng rào đá cũng nở trắng những cành hoa lê. Mùa xuân đã về với đất trời Hà Giang, về với Mèo Vạc, về sau chiếc gùi chở nặng những món đồ mùa xuân. Mọi thứ đã sẵn sàng cho một năm mới đủ đầy và bình an.