Ngoài đôi chân hay một vài triệu chứng bất thường trên cơ thể, bạn cũng có thể đoán biết được mình có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thông qua những tổn thương trên làn da sau đây.
Các chuyên gia y tế thường khuyên người mắc bệnh tiểu đường nên chú ý chăm sóc da thật tốt. Các vấn đề phát sinh trên da thường là do lượng đường trong máu tăng cao, từ đó làm giảm sự nhạy cảm của dây thần kinh và khiến quá trình tuần hoàn máu lưu thông kém. Đặc biệt, việc để cơ thể mất nhiều chất lỏng do lượng đường dư thừa cũng có thể khiến làn da bị khô, mẩn ngứa.
Dưới đây là một số tổn thương trên làn da do bệnh tiểu đường gây ra mà bạn nên nắm rõ để khắc phục từ sớm.
Nổi mụn nước
Những nốt mụn nước có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc mọc thành chùm như vết bỏng. Tuy nhiên, bạn thường không cảm thấy quá đau đớn khi gặp phải tình trạng này. Sở dĩ người mắc bệnh tiểu đường gặp phải mụn nước là do lượng đường trong máu dư thừa, từ đó gây mất kiểm soát và khiến da tay mọc mụn rộp khó chịu.
Khuỷu tay nổi phát ban
Người mắc bệnh tiểu đường ở giai đoạn nặng có thể gặp phải tình trạng nổi phát ban ở mu bàn tay, khuỷu tay, bàn chân, cánh tay và mông (u vàng phát ban). Vết phát ban này sẽ có một quầng sáng màu đỏ xung quanh, kèm theo cảm giác ngứa ngáy.
Ngoài bệnh tiểu đường, những người có lượng cholesterol hay triglyceride cao trong cơ thể cũng có thể gặp phải bệnh u vàng phát ban như trên.
Da nách, cổ bị sạm, nhăn nheo
Rất nhiều trường hợp tiểu đường trên thế giới đã gặp phải tình trạng da ở vùng gáy bị sạm, nhăn nheo. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xuất hiện ở vùng da nách, háng của bạn (thường được gọi là bệnh gai đen).
Tham khảo thêm Cô bé 14 tuổi phát hiện mình mắc bệnh tiểu đường nhờ một dấu hiệu lạ ở quanh vùng cổ
Để ngăn ngừa nguy cơ gặp phải tình trạng này, bạn cần chủ động giảm cân và điều chỉnh lượng đường tiêu thụ hàng ngày.
Khớp ngón tay khó cử động, da tay dày lên
Người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 thường có nguy cơ gặp phải chứng đa xơ cứng. Chứng bệnh này cũng có thể khiến vùng da tay của bạn dày lên, các khớp ngón tay cử động kém linh hoạt. Bên cạnh đó, vùng da ở ngón chân cũng có thể bị ảnh hưởng. Lúc này, bạn cần giữ ẩm cho làn da để hạn chế nguy cơ gặp phải tình trạng trên.
Một vài lời khuyên giúp chăm sóc da cho người mắc bệnh tiểu đường:
– Lau khô các vùng da giữa ngón chân, ngón tay, dưới cánh tay hay bất kỳ vị trí nào có nếp gấp sau khi tắm, rửa chân tay…
– Bôi kem dưỡng ẩm sau khi tắm để bảo vệ làn da.
– Uống đủ từ 2 – 2,5 lít nước hàng ngày.
– Mặc đồ thoáng mát, tránh mặc đồ chật, bó, cọ sát lên các vùng da.
– Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, giảm bớt lượng đường tiêu thụ mỗi ngày.
– Tập luyện đều đặn hàng ngày.
– Tránh làm xước da, nhất là khi da bị khô vì rất dễ gây tổn thương và nhiễm trùng.
– Tránh tắm nước quá nóng vì có thể gây khô da.
Nguồn: Top10Health