Lừa đảo trên không gian mạng đang diễn ra khá phức tạp. Mới đây, Bộ Thông tin truyền thông đã đưa ra cảnh báo nhận diện 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng mà người dân cần cảnh giác.
24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng
Theo Cục An toàn thông tin, thời gian vừa qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.
Các hình thức lừa đảo diễn ra chủ yếu trên không gian mạng với thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao khiến người dân mất cảnh giác và rơi vào bẫy.
Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi với 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên/thanh niên có 13 hình thức; các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo…
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Cục An toàn thông tin cho rằng, một trong những nguyên nhân chính đến từ nhận thức của người sử dụng.
Do đó, việc tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong thời đại số hóa.
Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Cẩm nang nhận diện và phòng chống 24 hình thức lừa đảo trực tuyến đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Theo Cục An toàn thông tin, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được các đối tượng lừa đảo thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi, trong đó nhắm vào nhiều nhóm đối tượng. Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, nhằm lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Nổi bật nhất trong số này là lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”. Các nhóm lợi dụng các công cụ liên lạc OTT như Telegram để lập group có số lượng người đông, không bị giới hạn trong nhóm nhỏ, không chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý tại Việt Nam. Với công nghệ deepfake, giả mạo hình ảnh và âm thanh của người khác, nạn nhân dễ bị mắc lừa hơn vì mắt thấy tai nghe trực tiếp bằng hình ảnh, âm thanh. Không chỉ giả mạo người thân, bạn bè, kẻ lừa đảo còn đóng vai cả công an khiến nạn nhân không biết đâu là thật, là giả.
Mạo danh công an Phòng an ninh mạng để lừa đảo
Hiện nay, tình trạng gọi điện thoại nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng phổ biến. Trong đó, thủ đoạn sử dụng điện thoại tự xưng là người trong ngành công an để đe dọa những người dân có tâm lý yếu, nhẹ dạ cả tin, sau đó “dắt mũi” họ chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt. Trước tình trạng đó, Bộ Công an cũng như công an các địa phương liên tục đưa ra cảnh báo đến người dân để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo.
Mới đây nhất, thêm một thủ đoạn mạo danh cơ quan công an được các đối tượng sử dụng nhằm mục đích lừa đảo. Đáng nói thủ đoạn lừa đảo nào cực tinh vi khi các đối tượng mạo danh chính cán bộ công an phòng an ninh mạng. Qua đó càng làm người dân dễ dàng sập bẫy.
Theo đó gần đây, một số cán bộ và người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội nhận được cuộc gọi từ các số thuê bao tự xưng là cán bộ – hiện đang công tác tại Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội. Nội dung cuộc gọi thông báo người dân đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người ở thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Đồng thời, yêu cầu người được gọi cung cấp thêm thông tin cá nhân, các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng.
Đây là thủ đoạn giả danh cán bộ Công an nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc chiếm đoạt thông tin cá nhân sử dụng cho các hành vi vi phạm pháp luật khác. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân đề cao cảnh giác trước các số điện thoại lạ, không cung cấp thông tin cá nhân, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ các cuộc gọi giả danh cơ quan thực thi pháp luật.
Khi có yêu cầu làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu hoặc hỗ trợ đấu tranh phòng, chống tội phạm, cơ quan Công an nói chung hoặc Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội nói riêng đều thực hiện bằng việc gửi Giấy mời hoặc Giấy triệu tập trực tiếp cho người dân đến trụ sở làm việc chứ không cử cán bộ gọi điện liên hệ với người dân yêu cầu cung cấp thông tin như trên.