Hoạt động rửa tiền phổ biến không chỉ tạo ra nạn tham nhũng, hối lộ mà còn tác động xấu đến mối quan hệ quốc tế, làm suy yếu tổ chức tài chính, khiến nền kinh tế tư nhân tổn thương…
Tại Việt Nam, kể từ khi Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ đầu năm 2013, công tác phòng, chống rửa tiền đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm rửa tiền , tài trợ khủng bố nói riêng; cũng như góp phần làm minh bạch hệ thống tài chính, thúc đẩy hoạt động thanh toán và thương mại quốc tế phát triển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, vấn nạn rửa tiền không những chưa được kiềm chế mà có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Đánh giá về nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, hành lang pháp lý về phòng, chống rửa tiền đã bộc lộ một số hạn chế, chưa cập nhật và đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế mới cũng như yêu cầu quản lý trước sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn, đặt ra yêu cầu cần thiết phải rà soát, tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN.
Luật còn hạn chế
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho biết, hành vi rửa tiền trong nền kinh tế số càng trở nên tinh vi hơn khiến hệ thống pháp luật chưa đủ toàn diện khi kiểm soát, xử lý hành vi này.
“Luật Phòng chống rửa tiền tập trung vào phòng chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng; trong khi hành vi rửa tiền có thể thực hiện thông qua rất nhiều kênh khác nhau như: khách sạn, kinh doanh, bất động sản, chứng khoán… Thậm chí, hình thức rửa tiền sử dụng công nghệ cao nở rộ qua cả kênh thương mại điện tử” – Luật sư Hiệp dẫn chứng.
Cũng theo giám đốc Công ty Luật HPVN, pháp luật về phòng chống rửa tiền thiếu vắng quy định điều chỉnh những giao dịch liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo. Pháp luật hình sự cũng chưa có điều khoản quy định về hành vi rửa tiền sử dụng công nghệ cao mà chỉ xem tình tiết này là tình tiết tăng nặng khi thực hiện hành vi rửa tiền. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành đang tạo ra lỗ hổng khá lớn, kéo theo những quan hệ pháp lý mới khó xử lý về sau cùng nguy cơ mất mát tài sản. Cơ quan pháp luật chưa có cơ chế tịch thu tài sản khẩn cấp không thông qua hoạt động tố tụng.
Nhận diện những “chiêu thức” rửa tiền – Bài 4: “Phù phép” bằng cờ bạc trực tuyến
Từ quan sát thực tế, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp lưu ý giao dịch rửa tiền qua ngân hàng số diễn ra trực tuyến, mau chóng. Đặc thù đó đặt ra trọng trách cho Cục Phòng chống rửa tiền với tư cách cơ quan chủ lực giám sát, kiểm tra. Vì thế, theo luật sư Hiệp, pháp luật cần trao cơ quan trên quyền áp dụng biện pháp tạm thời “như một công cụ bảo vệ tài sản” khi nghi ngờ có hiện tượng rửa tiền qua ngân hàng số, thay vì chờ động thái từ cơ quan thanh tra, công an. Mở rộng vấn đề, cơ chế pháp lý cần cho phép áp dụng biện pháp thu giữ khẩn cấp tài sản trái luật liên quan đến giao dịch rửa tiền (không thông qua hoạt động tố tụng điều tra hình sự), luật sư Hiệp khẳng định: “Giải pháp này góp phần răn đe cũng như thu hồi kịp thời, đầy đủ khoản tiền phạm pháp”.
Cũng theo Giám đốc Công ty Luật HPVN, Luật Phòng chống rửa tiền cần sửa đổi, bổ sung theo hướng bao quát tất cả lĩnh vực có thể diễn ra hoạt động rửa tiền gồm: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trò chơi có thưởng và casino, bất động sản, thương mại điện tử, giao dịch tiền ảo, tài sản ảo… Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền cần đưa hoạt động “cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, nền tảng công nghệ số, cung ứng dịch vụ liên quan tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tài sản ảo” vào Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012.
Tương tự, Bộ Luật Hình sự cần ghi nhận rõ hành vi rửa tiền thông qua công nghệ, sử dụng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là một tội danh. Nếu chỉ dừng lại ở tình tiết tăng nặng thì pháp luật chưa đủ sức ngăn chặn, răn đe hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, pháp luật nước ta cũng cần bổ sung luật về tịch thu dân sự, có cả tịch thu tài sản ảo, tiền ảo để răn đe, ngăn ngừa và xử lý thích đáng mọi hành vi rửa tiền.
“Nhằm nâng cao trách nhiệm tổ chức tín dụng trong hoạt động phòng chống rửa tiền, cần luật hóa trách nhiệm nhân viên tổ chức tín dụng. Theo đó, nhân viên tổ chức tín dụng vô ý hay cố ý tiếp tay cho hành vi rửa tiền thông qua tổ chức tín dụng đều chịu trách nhiệm trước pháp luật”, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp nói.
Luật gia Trần Hồng Tình – Trưởng Văn phòng Luật Nguyễn Thái Bình (Hội Luật gia TP Hà Nội).
4 bài học kinh nghiệm từ quốc tế
Đồng quan điểm và bổ sung thêm ý kiến khi phân tích pháp luật về phòng, chống rửa tiền từ thực tiễn tại một số quốc gia, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật gia Trần Hồng tình – Trưởng Văn phòng Luật Nguyễn Thái Bình (Hội Luật gia TP Hà Nội) cho rằng, có 4 vấn đề Việt Nam cần quan tâm khi sửa Luật.
Cụ thể theo luật gia Trần Hồng tình, vấn đề đầu tiên là cần đề cao vai trò và nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân, trong đó chủ yếu là ngân hàng (giống như pháp luật về phòng chống rửa tiền của Mỹ, Anh, Úc và kể cả Nhật Bản). Theo đó, để làm tốt vai trò của mình, các Ngân hàng buộc phải chủ động phối hợp với các cơ quan có chức năng tổ chức tập huấn về kỹ năng nhận diện, nhận biết về các hành động rửa tiền. Đồng thời đầu tư cơ cở vật chất cải thiện hệ thống lưu giữ chứng từ; xây dựng cơ chế sàng lọc các giao dịch tiền mặt lớn và giao dịch tiền mặt nhiều lần liên tục; xây dựng báo cáo tự động để có thể báo cáo kịp thời những hành động đáng ngờ cho cơ quan có thẩm quyền
Vấn đề thứ hai theo luật gia này là phải xây dựng bộ nhận diện về hành vi rửa tiền phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong đó quy định cụ thể số tiền giao dịch phải báo cáo phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Trường hợp các tổ chức và cá nhân không tuân theo những hướng dẫn của luật và quy định về phòng, chống rửa tiền sẽ bị chế tài nghiêm khắc giống như chế tài của Luật BSA của Mỹ ban hành (về mặt dân sự, người vi phạm sẽ bị phạt nặng, số tiền phạt có thể lên đến 250.000 USD hoặc bị xử lý về mặt hình sự có thể phạt tù đến 5 năm tù giam)
Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan để phòng chống rửa tiền nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của việc phòng chống rửa tiền, các cơ quan nhà nước như Ngân hàng Nhà nước, Hải quan, Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng. Trường hợp cần thiết các cơ quan chức năng được quyền hạ chuẩn giá trị giao dịch để phục vụ điều tra (giống như Luật BSA của Mỹ). Cơ quan công an có quyền điều tra những tài sản đáng ngờ có liên quan đến ma túy, phong tỏa và khi có chứng cứ sẽ tịch thu những tài sản này.
Vấn đề cuối cùng cần chú trọng theo vị luật gia này là việc tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân về các rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, giúp các tổ chức, cá nhân hiểu rõ tác hại của rửa tiền, từ đó thúc đẩy một nền văn hóa tuân thủ pháp luật giống như cách làm của Singapose.