Nhật Bản nỗ lực hút khách bằng mì ramen

Các thành phố nhỏ ở Nhật Bản dùng mì ramen làm trọng tâm quảng bá du lịch nhằm thu hút khách, mang lại sức sống mới cho nền kinh tế địa phương.

Nằm ở vùng biển đông bắc Tohoku, thành phố Yamagata từ lâu đã nổi tiếng với món mì soba làm từ kiều mạch. Nhưng ramen cũng là một phần văn hóa ẩm thực của địa phương, với nhiều nhà hàng soba phục vụ cả hai món.

Thành phố Nanyo, phía nam Yamagata, hiện có cơ quan chuyên trách về ramen. Dân số dưới 30.000 người, nhưng Nanyo có hơn 50 cửa hàng ramen, tỷ lệ cửa hàng trên dân cư là 16,67, hơn ba lần tỷ lệ của Yamagata. Lợi thế này khiến chính quyền Nanyo nảy ra ý tưởng đưa ramen trở thành điểm nhấn thu hút du khách, bên cạnh suối nước nóng và rượu vang của vùng.

Món mì ramen được quảng bá ở thành phố Yamagat. Ảnh: Yamagata No1

Món mì ramen được quảng bá ở thành phố Yamagat. Ảnh: Yamagata No1

Tại làng Akayu Onsen, nơi có suối nước nóng lịch sử nghìn năm, khách có thể kết hợp tắm suối nước nóng và thưởng thức loại ramen với soup miso cay nổi tiếng của Nanyo. Chính quyền Nanyo phân phát cho du khách bản đồ các nhà hàng ramen, tổ chức các sự kiện đặc biệt về món mì. Một trong số này là “Cô Koizumi yêu mì Ramen”, sự kiện lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh nổi tiếng, diễn ra từ tháng 11 đến tháng 1/2024. Nanyo khuyến khích du khách thưởng thức ramen ở nhiều cửa hàng khác nhau, thu thập các con dấu cửa các cửa hàng để giành phần thưởng.

Khoảng 27.000 người đã tham gia, lấp đầy cả nhà hàng và khách sạn, giúp thành phố đạt doanh số khoảng 170 triệu yen (1,06 triệu USD). Nanyo cũng tổ chức tour tham quan làm mì ramen cho du khách nước ngoài.

Thị trưởng Takao Shiraiwa của Nanyo cho biết ngày càng có nhiều người đến thành phố để thưởng thức mì ramen. Vì vậy, “chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để giúp du khách có những trải nghiệm tốt đẹp, bên cạnh những điểm tham quan như suối nước nóng”.

Điểm tắm onsen tại làng Akayu, nơi có suối nước nóng nghìn năm và món ramen súp miso cay. Ảnh: Tohoku Kando

Điểm tắm onsen tại làng Akayu, nơi có suối nước nóng nghìn năm và món ramen súp miso cay. Ảnh: Tohoku Kando

Trong khảo sát về mức độ hài lòng với đồ ăn, thức uống dành cho du khách nước ngoài do Cơ quan Du lịch Nhật Bản (JTA) thực hiện, ramen đứng thứ hai sau các món thịt, vượt qua sushi.

Tính đến đầu tháng 6, theo trang danh bạ kinh doanh trực tuyến iTownpage, có khoảng 21.110 nhà hàng ramen trên khắp Nhật Bản. Tỷ lệ nhà hàng ramen trên mỗi 10.000 dân ở Nhật Bản trung bình là 1,68. Thành phố Yamagata ở miền Bắc có tỷ lệ cao nhất với 5,07, tiếp theo là Niigata ở miền Trung Nhật Bản với 3,34. Tokyo xếp thứ 34 với 1,46.

Tại Nhật, bánh bao gyoza từng là món được các hộ gia đình tiêu thụ nhiều nhất, theo khảo sát của Bộ Nội vụ và Truyền thông nước này. Nhưng nay, ramen là sự thu hút mới. Thành phố Yamagata giữ vị trí đầu về chi tiêu dành cho mì ramen hàng năm của hộ gia đình ở mức 14.741 yen (2,4 triệu đồng), theo sau là thành phố Niigata với 13.844 yen (2,2 triệu đồng).

Yamagata đã thành lập một trang web cung cấp thông tin đa ngôn ngữ về khoảng 200 cửa hàng ramen. Thành phố cũng nỗ lực tương tự Nanyo để thu hút những du khách muốn thưởng thức ramen. Trong khi đó, thành phố Sano ở tỉnh Tochigi đã mở một trường dạy người muốn kinh doanh và điều hành một cửa hàng ramen.

Sano cũng giúp các cửa hàng ramen đã đóng cửa mở lại kinh doanh. Với những nỗ lực này, thành phố có thêm 15 hộ gia đình từ nơi khác chuyển đến đây, mở thêm 7 cửa hàng ramen.

Akira Tachibana, Phó giáo sư nghiên cứu về văn hóa ramen tại Đại học Yamato, nói ramen có sức hút lớn, đến nỗi mọi người từ thành phố sẽ đến xếp hàng trước nhà hàng nằm sâu trong hẻm núi để được thưởng thức món mì ngon.

Có nhiều cách để chính quyền địa phương quảng bá món ramen, thu hút du khách nước ngoài và hỗ trợ những người trẻ muốn mở quán mì. “Sử dụng nguyên liệu địa phương cũng là cách quảng bá”, Tachibana nói.

Song Hảo (Theo Nikkei Asia, Tohoku Kando)

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin