Các nhà phân tích đánh giá rằng, khi sự biến động ngắn hạn qua đi, với lịch sử thành công trong việc thích ứng với các điều kiện bên ngoài và cam kết nội bộ trong việc hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam có nền tảng vững chắc để thị trường hoạt động tốt.
Tại kỳ báo cáo cập nhật hoạt động tháng 10/2024, các nhà quản lý và nhà phân tích của VEIL (quỹ đầu tư đang quản lý 1.8 tỷ USD tài sản, thuộc Dragon Capital) đưa ra lời nhắc về nguy cơ biến động thị trường, xuất phát từ các động thái tương lai của Tổng thống Mỹ vừa mới đắc cử Donald Trump.
Trước mắt, đồng USD nhanh chóng mạnh lên vào tháng 10, do kỳ vọng vào những thay đổi chính sách dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Điều này đã gây thêm áp lực lên tiền tệ của các thị trường mới nổi.
Đồng bạc xanh mạnh lên, thể hiện qua chỉ số DXY tăng vọt, đã khiến dòng vốn nước ngoài tiếp tục rút khỏi thị trường cổ phiếu Việt Nam.
Trong tháng 10/2024, VN-Index đã giảm 4.5% và đà giảm tiếp nối sang nửa đầu tháng 11. Với nhà đầu tư ngoại, những thua lỗ nếu quy đổi sang đồng USD sẽ còn lớn hơn, do sự mất giá gần đây của VNĐ.
VEIL đánh giá rằng, tỷ giá sẽ tiếp tục biến động trong thời gian tới, và xu hướng này sẽ hạn chế dư địa của các nhà điều hành tại Việt Nam trong việc nới lỏng hơn chính sách tiền tệ. Quỹ nhấn mạnh, tình thế đó đặt ra sự cần thiết phải thực thi mạnh mẽ hơn nữa các chính sách tài khóa để khuyến khích kinh tế.
Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump ẩn chứa nguy cơ biến động cả về tiền tệ lẫn thương mại đối với Việt Nam
|
Chống đỡ tỷ giá
Tổng số dư tiền gửi USD trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đã giảm từ xấp xỉ 42 tỷ USD vào năm 2022 xuống còn 39.5 tỷ USD vào năm 2024, tương đương với mức giảm từ mức 12.1% GDP xuống 8.6%. Sự giảm sút này, cùng với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán ra hơn 20 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối (từ mức đỉnh 110 tỷ USD), đã làm tăng tính nhạy cảm của VNĐ đối với những biến động của đồng USD.
Theo VEIL, kỳ đáo hạn sắp tới của lượng trái phiếu Chính phủ (1.1 tỷ USD) theo mệnh giá đồng bạc xanh, cùng với sự ưa chuộng USD gia tăng của khối doanh nghiệp và người dân trong nước cũng tạo thêm áp lực ngắn hạn lên tỷ giá.
Để ổn định thị trường, NHNN đã phản ứng nhanh chóng, thông qua phát hành tín phiếu và cam kết thực hiện can thiệp ngoại hối trực tiếp từ dự trữ khi cần thiết.
Điểm sáng là dòng vốn FDI vào Việt Nam duy trì ổn định, cho thấy những biến động gần đây của tỷ giá phần nào xuất phát từ hoạt động đầu cơ trong nước. Các nhà phân tích tại VEIL cho rằng, xu hướng này dự kiến vẫn tiếp tục trong ngắn hạn.
2 ngã rẽ của thương mại
Trong báo cáo cập nhật mới nhất, về vấn đề thương mại, VEIL đề cập đến 2 hướng kịch bản mà nhiệm kỳ Trump 2.0 có thể tác động đến Việt Nam.
Kịch bản đầu tiên liên quan đến các biện pháp bảo hộ với mức thuế rộng rãi áp lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Điều này có thể làm giảm khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu, ảnh hưởng đến 400 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó gần 100 tỷ USD là xuất khẩu sang Mỹ.
Viễn cảnh nói trên có nguy cơ khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm từ 0.9-1.1%, xuống mức 6% trong năm 2025. Đồng thời, môi trường đó cũng hãm lại tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp xuống mức một con số, từ mức tăng trưởng dự báo hiện tại là 16-18%.
Kịch bản thứ hai, và có khả năng xảy ra hơn theo VEIL, liên quan đến việc Mỹ áp thuế có tính chọn lọc đối với các quốc gia hoặc sản phẩm cụ thể. Tình thế này có khả năng mang lại lợi ích cho Việt Nam thông qua sự chênh lệch thuế quan với Trung Quốc, và các công ty nước ngoài sẽ tìm cách dịch chuyển chuỗi cung ứng. Đây là kịch bản mang tính hỗ trợ để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 7%.
Tổng thể, triển vọng kinh tế và thương mại của Việt Nam vẫn tương đối khả quan, được củng cố bởi một chính quyền thúc đẩy tăng trưởng. “Điều này hàm ý rằng có nhiều cơ hội hơn là rủi ro” – VEIL nhận định.