TTO – Từng đồng sáng lập một trang mạng xã hội có tiếng cho giới trẻ và là gương mặt có nhiều ý kiến phản biện thú vị, Vũ Minh Trường hiện là nghiên cứu sinh ngành lãnh đạo chiến lược, ĐH James Madison (Mỹ).
Bạn Vũ Minh Trường – Ảnh: T.VŨ
Chúng ta cần tạo một môi trường thảo luận thân thiện, tôn trọng nhau. Chẳng hạn tư thế ngồi thoải mái, cách nói từ tốn… thay vì nhoài người ra, đập bàn.
VŨ MINH TRƯỜNG
Chia sẻ với Tuổi Trẻ những góc nhìn về câu chuyện tư duy phản biện, Vũ Minh Trường bắt đầu bằng câu chuyện ngày nhỏ: “Tôi nhớ từ nhỏ đã đọc sách rất nhiều dù lúc đó chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của điều này, chỉ biết nó ít nhiều mài sắc tư duy, nâng cao khả năng ngôn ngữ của bản thân.
Còn nhớ những năm cấp II, tôi đã mê mẩn với các bộ Tiếu ngạo giang hồ, Thiên long bát bộ… Khi lớn hơn chút nữa tôi đọc Harry Porter. Cấp III thì tôi đọc những cuốn có tầm cao hơn như Đông Chu liệt quốc, Sử ký Tư Mã Thiên, Tam quốc diễn nghĩa… và nhận thấy việc đọc liên tục và ‘nâng tầm’ từ từ giúp nhận thức có sự chuyển biến rõ rệt. Tất cả là do sở thích chứ cha mẹ tôi không ép buộc”.
* Bạn nghĩ gì về sự chuyển biến trong tư duy của giới trẻ hiện nay?
– Ở một số quốc gia Á Đông nói chung, Việt Nam nói riêng thì đạo Khổng được phổ biến vì đạo Khổng phân chia tầng bậc, hướng dẫn hành vi rõ ràng, giúp tạo trật tự và ổn định xã hội. Khi mọi thứ đều vào khuôn khổ thì quản lý dễ dàng, thuận tiện, trong tư duy quản trị cũ thì đây là điều tốt do sự hiệu quả và tốc độ.
Tuy nhiên, xã hội hiện nay đã nâng tầm nhận thức tư duy do sự phát triển của tri thức và các giá trị xã hội thay đổi. Người trẻ cũng vậy.
Đầu tiên, giới trẻ có nhiều kênh để cập nhật kiến thức mới. Trong khi đó những kiến thức từ cha mẹ, nhà trường giảng dạy có thể đã không còn phù hợp với hiện tại. Thứ hai, giá trị sống của giới trẻ thay đổi, đề cao sự trải nghiệm hơn.
* Bạn có nghĩ việc đọc nhiều sẽ giúp tư duy của giới trẻ được nâng tầm?
– Để xây dựng tư duy phản biện thì việc đọc đúng, đọc sâu quan trọng hơn việc đọc nhiều. Đọc sâu có thể hiểu là dạng đọc buộc chúng ta phải tư duy nhiều, giúp kiến thức của mình được hoàn thiện, lên bậc chứ không đơn thuần chỉ là thông tin dạng đọc hay không cũng được.
Tuy nhiên rất nhiều bạn trẻ hiện nay khá lười đọc, lười đọc sâu và lười nghĩ. Các bạn thường chọn nghe và ủng hộ ý kiến của thần tượng, người nổi tiếng… mà ít khi chịu tự tư duy, phân tích và có chính kiến cá nhân. Điều này rất nguy hiểm vì các bạn trẻ sẽ dễ bị người khác dẫn dắt.
* Trong quá trình đi dạy, bạn thấy việc truyền đạt kiến thức đến đối tượng học viên nào là thử thách nhất?
– Mỗi đối tượng giảng dạy đều có những khó khăn riêng. Với người lớn tuổi, nhiều người còn nặng chủ nghĩa kinh nghiệm, đại loại “trứng mà đòi khôn hơn vịt”.
Thực ra, họ không sai vì có thể chính kinh nghiệm cá nhân đã giúp họ thành công như hôm nay. Tuy nhiên khi xã hội thay đổi, những kinh nghiệm, kiến thức của họ đôi khi không phải phù hợp hoàn toàn.
Ngược lại, ở người trẻ lại thiếu tư duy, trải nghiệm sống nên không ít hệ lụy phát sinh. Có một bạn sinh viên Mỹ nói với tôi khi ra đời bạn chỉ chọn những công ty tầm cỡ và phù hợp với tính cách của bạn.
Lúc đó, tôi cười và hỏi liệu năng lực của bạn có đủ vượt trội để công ty phải chọn bạn? Với những bạn trẻ suy nghĩ “màu hồng” như vậy thì cuộc sống sẽ điều chỉnh họ.
* Bạn có thể dẫn chứng gần gũi hơn, liên quan đến giới trẻ Việt?
– Đợt vừa rồi, mạng xã hội có một cuộc tranh luận thú vị về khởi nghiệp. Trong một chương trình truyền hình thực tế, hai vị giám khảo đưa ra quan điểm trái ngược nhau.
Một người nói khi khởi nghiệp đừng nghĩ đến thất bại. Người còn lại nói phải nghĩ đến thất bại đầu tiên khi khởi nghiệp.
Các bạn trẻ tranh luận mà chỉ bấu víu vào địa vị, danh tiếng, tài chính… của người nói để “bảo vệ” quan điểm thay vì tìm hiểu hoàn cảnh và ý nghĩa từng câu nói.
Chính vì kiến thức ít, lại lười tư duy nên các bạn trẻ thường chọn hình mẫu nhất định để sao chép, chạy theo. Việc dạy các bạn tư duy rất khó nếu các bạn thiếu kiến thức nền, giống như dạy nấu ăn mà không có nguyên liệu vậy.
Học bổng toàn phần ở Mỹ
Vũ Minh Trường (28 tuổi) hiện là nghiên cứu sinh tại Mỹ với học bổng toàn phần, trước đó bạn đã hoàn thành chương trình cử nhân và thạc sĩ ở Mỹ. Bạn từng tham gia tái cấu trúc nhiều tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ, tư vấn chiến lược, đào tạo cho nhiều doanh nghiệp và là diễn giả khách mời ở một số trường như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương…
“Trước các cuộc thảo luận, các giảng viên nước ngoài nói chung, cá nhân tôi nói riêng thường nhấn mạnh sẽ không có đúng sai tuyệt đối, và việc chứng minh ai đúng không quan trọng bằng góc nhìn, lập luận của ai hợp lý, có cơ sở vững chắc hơn.
Chúng ta sẽ không thể thay đổi bất kỳ ai nếu không thay đổi được chính mình. Và dĩ nhiên đọc nhiều, học nhiều, trải nghiệm nhiều sẽ giúp tư duy cởi mở, sắc bén hơn” – Minh Trường chia sẻ.