Nhiều người tiếc nuối vì bán ‘coin top’ để bắt đáy Luna

Lê Đại (TP HCM) quyết định bán 10 BNB, tương đương 3.000 USD, để mua Luna với hy vọng kiếm lời nhanh, nhưng tài khoản của anh giờ chia ba.

“Tôi từng bỏ ra hơn 20.000 USD cuối năm ngoái để chơi tiền số, trong đó có 10 đồng Binance Coin (BNB), nhưng thị trường đi xuống khiến tài khoản liên tục chia năm xẻ bảy”, anh Đại kể. “Khi thấy bạn bè kiếm được nhiều tiền sau biến động của Luna, tôi quyết định bán hết số coin top BNB và chuyển qua Luna với hy vọng sẽ hoàn vốn và thoát khỏi thị trường”.

Coin top chỉ các tiền số đứng đầu thị trường và ít biến động về giá. Anh cho biết đã đặt cược vào Luna khi giá token này đạt 0,00035 USD hôm 15/5. Tuy nhiên, tính toán của anh biến thành sai lầm, bởi token này tiếp tục sụt mạnh sau đó, khiến tài khoản của anh hiện còn chưa đến 1.000 USD. Tính đến trưa nay, token này có giá 0,00016 USD mỗi đồng.

Một số người thừa nhận từ bắt đáy thành bắt dao Luna khi token này biến động. Ảnh: Medium

Một số người thừa nhận từ “bắt đáy” thành “bắt dao” Luna khi token này biến động. Ảnh: Medium

Trong khi đó, anh Trần Trung (Bình Phước) cũng bán một phần tiền số Carnado (ADA) để lấy 1.000 USD mua UST khi stablecoin này đạt 0,1 USD mỗi đồng. “Theo các tin tức đọc được, đội ngũ đứng sau đang nỗ lực cứu UST và tôi tin điều này. Theo suy tính, chỉ cần nó về lại mốc giá neo một USD như trước, tài khoản của tôi sẽ tăng gấp 10 lần”, anh cho biết.

Thế nhưng, tương tự Luna, UST cũng không cho thấy dấu hiệu hồi phục, thậm chí về mức 0,037 USD mỗi đồng. Đến nay, giá của token này dao động ở mức 0,065 USD, khiến tài khoản anh Trung giảm một nửa.

Sau cú sập của Luna và UST ngày 12/5, đã xuất hiện làn sóng người chơi tiền số lao vào “bắt đáy” hai token với hy vọng kiếm lời. Nhiều trong số đó khoe trên mạng xã hội rằng họ đã thu được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn USD chỉ với vài chục hoặc vài trăm USD đổ vào. Thế nhưng, số người mất tiền cũng không hề nhỏ sau đợt biến động này.

“Mọi người thường có tâm lý sợ bỏ lỡ (FOMO) khi một token biến động nên lao vào bắt đáy, nhưng đây là hành động sai lầm. Họ thường trở thành người thanh khoản cho những người chơi trước”, Anh Bằng, quản trị viên nhóm Facebook về tiền số với hơn 150.000 thành viên và có 5 năm tham gia thị trường tiền số, nhận định. “Số tiền đổ vào càng nhiều, thiệt hại càng lớn. Do đó, chỉ nên dùng ít tiền nếu muốn’thử vận may”.

Cũng theo người này, người chơi không nên bán các “coin top” để đổ vào các loại tiền khác vốn có biên độ giá dao động lớn hơn. “Đây là danh mục đầu tư ổn định, nên được giữ nguyên”, anh nói.

Trước đó, cú sập của Luna được đánh giá gây bất ngờ vì tiền điện tử này vốn được xếp vào hàng “coin top”, nằm trong số 20 đồng mạnh nhất tính theo giá trị vốn hóa, có lộ trình phát triển rõ ràng, được các quỹ lớn đầu tư nên rất nhiều người tin tưởng. Tuy không có thống kê cụ thể, một chuyên gia tiền số cho biết lượng người đầu tư vào Luna tại Việt Nam không hề nhỏ.

Trong khi đội ngũ Terraform Labs – công ty đứng sau Luna và UST – đang tìm cách giải quyết khủng hoảng, nhiều người chơi cũng rủ nhau “đốt coin” với kỳ vọng chúng tăng giá trở lại. Phong trào này bắt đầu nổi lên từ 21/5, sau khi một người dùng có tên Roncin Antoine đề nghị hỗ trợ nhà sáng lập Terraform Labs Do Kwon trong việc “đốt” các token.

Theo số liệu từ hệ thống Bitquery tính đến chiều 23/5, gần 2,5 nghìn lượt giao dịch chuyển Luna đến ví đốt với số token hơn 276 triệu. Nhiều người chia sẻ ảnh màn hình cho thấy đã đốt từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn token này, tương đương số tiền từ vài chục đến vài trăm USD. Hành động này khiến giá Luna tăng gần gấp đôi lên 0,0002 USD mỗi đồng sau đó, nhưng hiện đã giảm trở lại.

Trong khi đó, phía Do Kwon tỏ ra bối rối. Dù công khai địa chỉ ví đốt token, ông vẫn cho rằng điều đó không mang lại tác dụng gì. “Tại sao các bạn lại làm điều đó, theo nghĩa đen đúng là ‘đốt tiền'”, ông tweet.

Bảo Lâm

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin