Nhịn ăn sáng tốt hay hại, ảnh hưởng thế nào đến đường huyết? Chuyên gia có câu trả lời gây bất ngờ

Cuộc sống và công việc bận rộn có thể khiến nhiều người bỏ qua việc ăn sáng mà không biết thói quen này gây hại cho sức khỏe.

TIN MỚI

Tầm quan trọng của bữa sáng

Theo chuyên gia nghiên cứu về tuổi thọ Dan Buettner, người đặt ra khái niệm “Vùng Xanh” – nơi người dân có tuổi thọ cao, bữa sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày, giúp cung cấp năng lượng hoạt động suốt nhiều giờ đồng hồ. Chính vì vậy bạn nên bắt đầu ngày mới với những thực phẩm lành mạnh.

Dan Buettner cho biết ở các vùng sống thọ nhất thế giới, bữa sáng là ưu tiên hàng đầu, đúng như câu nói “bữa sáng ăn như vua”. “Người dân Vùng Xanh tránh các đồ ăn nhiều đường như bánh ngọt, sữa chua và ngũ cốc vào bữa sáng. Thay vào đó họ ăn những thực phẩm lành mạnh như đậu, rau, trái cây, yến mạch hoặc cơm, tương miso”, chuyên gia Buettner nói.

Nhịn ăn sáng tốt hay hại, ảnh hưởng thế nào đến đường huyết? Chuyên gia có câu trả lời gây bất ngờ- Ảnh 1.

Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Marcie Vaske nhận định việc bỏ bữa sáng khiến cả ngày của bạn mệt mỏi và uể oải, khó tập trung và hoạt động kém hiệu quả. Các nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa việc bỏ bữa sáng với chất lượng giấc ngủ và tâm trạng. Một nghiên cứu năm 2023 ở sinh viên đại học đã phát hiện ra không ăn sáng ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ và làm tăng các triệu chứng trầm cảm.

Trong khi đó một nghiên cứu quy mô nhỏ ở thanh niên ở độ tuổi 20 cho thấy tần suất ăn sáng có liên quan đến những thay đổi về chất lượng giấc ngủ, tâm trạng và thậm chí cả thói quen ăn uống. Nghiên cứu kết luận những người ăn sáng thường xuyên có “chất lượng giấc ngủ, tâm trạng tốt hơn khi thức dậy và sự tỉnh táo khi thức dậy so với những người bỏ bữa sáng”.

Bỏ bữa sáng có thể dẫn đến bệnh gì?

Một đánh giá năm 2018 từ nhiều nghiên cứu cho thấy bỏ bữa sáng còn khiến tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Các nhà nghiên cứu Đức phát hiện rằng bỏ bữa sáng chỉ một ngày trong tuần có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 6% và nếu bỏ đến 4-5 ngày/tuần thì nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn 55%.

Nhịn ăn sáng tốt hay hại, ảnh hưởng thế nào đến đường huyết? Chuyên gia có câu trả lời gây bất ngờ- Ảnh 2.

Trả lời phỏng vấn ABC News, chuyên gia dinh dưỡng Dalina Soto cho biết khi ăn sáng, quá trình trao đổi chất của cơ thể sẽ khởi động và sử dụng đường làm năng lượng, khi đó tuyến tụy sẽ tiết ra hormone insulin giúp điều hòa đường huyết. Bệnh nhân tiểu đường không ăn sáng còn khiến lượng đường trong máu cả ngày cao hơn mức bình thường.

Theo nghiên cứu trước đây, bỏ bữa sáng còn liên quan đến việc tăng mức cholesterol và viêm trong máu, có thể khiến cơ thể kháng insulin nhiều hơn và làm mất khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu.

Bỏ bữa có thể nguy hiểm về lâu dài, thậm chí đến mức gây hại cho tim của bạn và nhiều nghiên cứu đã chứng minh điều này. Một phân tích tổng hợp năm 2019 trên Tạp chí Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy việc bỏ bữa sáng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, khiến cholesterol “xấu” tăng cao – yếu tố gây đau tim và nguy cơ đột quỵ.

Nhịn ăn sáng tốt hay hại, ảnh hưởng thế nào đến đường huyết? Chuyên gia có câu trả lời gây bất ngờ- Ảnh 3.

Thói quen không ăn đủ bữa còn khiến dạ dày tiết ra axit ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày dẫn đến trào ngược axit, loét và đau dạ dày. Chuyên gia, tác giả viết sách chăm sóc sức khỏe Maggie Berghoff cảnh báo: “Thường xuyên bỏ bữa sáng liên quan đến béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường và các hậu quả sức khỏe khác”.

Bên cạnh việc duy trì thói quen ăn sáng, các chuyên gia cũng khuyến cáo bữa ăn đầu ngày nên đầy đủ chất béo lành mạnh, chất xơ và protein, giúp cơ thể có thêm năng lượng mà vẫn giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định. Các thực phẩm tinh bột nguyên cám, rau xanh, trái cây ít ngọt có thể là sự lựa chọn tuyệt vời cho bữa sáng.

Theo CNBC, Eatingwell

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin