Nhìn lại sau 20 năm ra mắt của ‘trùm lừa đảo’ Theranos: Cái giá khi niềm tin đặt sai chỗ và bài học từ việc ‘bán lời hứa’

Một nhà lãnh đạo trẻ, có phong cách đầy lôi cuốn, sở hữu startup được định giá chục tỷ USD và công nghệ hứa hẹn sẽ thay đổi cả thế giới nhưng thực ra lại là sự thất bại. Đó là câu chuyện về công ty công nghệ y tế Theranos, được nhiều người coi đó là “bản cáo trạng” cho sự cường điệu hóa ở Phố Wall.

TIN MỚI

Gần 20 năm sau khi Theranos ra mắt, CEO Elizabeth Holmes sẽ chính thức hầu tòa vào ngày 31/8, với cáo buộc lừa đảo khách hàng và nhà đầu tư. Giờ đây, Thung lũng Silicon đang phải đối mặt với thái độ đầy cảnh giác từ công chúng với những kế hoạch của họ. Tuy nhiên, văn hóa startup vẫn chưa có sự thay đổi nào.

John Carreyrou – một nhà báo đưa tin về Theranos trong 6 năm, cho biết: “Mọi người đang cẩn trọng hơn với những vụ lừa đảo. Có thể hiểu, đó là sự khác biệt giữa thời kỳ trước và sau Theranos. Tuy nhiên, theo nhiều cách, sự bùng nổ của các startup vẫn chưa sụt giảm. Tôi cho rằng nhận thức đúng đắn vẫn chưa có.”

Khoảnh khắc đặc biệt trong lịch sử Thung lũng Silicon

Theranos được thành lập năm 2003 bởi Elizabeth Holmes – một sinh viên Đại học Stanford khi đó mới 19 tuổi. Holmes hứa hẹn sẽ nâng cấp ngành xét nghiệm bằng một công nghệ đặc biệt, đưa ra kết quả chỉ nhờ vào một giọt máu nhỏ. Công ty này nhanh chóng đạt đến đỉnh cao vào 10 năm sau đó, được định giá 10 tỷ USD trước khi sụp đổ.

Margaret O’Mara – nhà sử học tại Đại học Washington, nhận định: “Sự trỗi dậy và sụp đổ của Theranos phản ánh thời điểm rất đặc biệt trong lịch sử của Thung lũng Silicon.”

Khi đó, bong bóng công nghệ ở Thung lũng Silicon đang được thổi phồng bởi những nhà sáng lập trẻ tuổi, chào đón sự thành công của các startup với khởi đầu “khiêm tốn” nhưng có thể thay đổi cả thế giới. Ví dụ, Mark Zuckerberg sáng lập Facebook ở phòng ký túc xá hay Jeff Bezos tạo ra Amazon trong gara ô tô.

Cùng thời điểm đó, một số nhà đầu tư lại trở nên chán nản vì những sự thành công lại chỉ tập trung vào các nền tảng xã hội. Nhà đầu tư tỷ phú Peter Thiel từng có một câu nói đáng nhớ vào năm 2013: “Chúng tôi muốn có những chiếc ô tô bay, nhưng lại có một nền tảng cho phép chia sẻ với 140 ký tự (Twitter).”

O’Mara cho hay: “Sau đó, chúng ta có Theranos. Họ không tạo ra một nền tảng mà là ‘bán lời hứa hẹn’ sẽ thay đổi ngành y tế. Holmes khi đó nhắm đến một trải nghiệm mà nhiều người không mấy ưa thích, đó là xét nghiệm máu. Điều này đã khiến rất nhiều người bị thu hút.”

Ngoài ra, một câu chuyện khác khiến Theranos trở nên đặc biệt. Khi những tỷ phú nổi tiếng hơn như Bezos, Zuckerberg hay Bill Gates có độ nhận diện lớn, thì phụ nữ lại hầu như hiếm khi xuất hiện.

Nói một cách khách, đó là thời điểm chín muồi để một nữ lãnh đạo trẻ trở thành tâm điểm của sự chú ý. O’Mara nhận định: “Đây là một phụ nữ trẻ tài năng, xinh đẹp, được mệnh danh là Steve Jobs phiên bản nữ. Đó là một câu chuyện vô cùng hấp dẫn mà mọi người đều muốn tin.”

Thung lũng Silicon có thay đổi sau vụ việc của Theranos?

Theo O’Mara, khi Holmes nắm trong tay nhiều quyền lực hơn, thì các công ty công nghệ vẫn được coi là những công ty đổi mới, mang lại lợi ích lớn cho xã hội. Sau các sự kiện như mùa xuân Ả Rập và Chiếm lấy Phố Wall, nhiều công ty đã tuyên bố rằng họ đang làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn và hầu hết ai cũng tin tưởng lời hứa đó.

Một thập kỷ sau vụ sụp đổ của Theranos, môi trường startup đã thay đổi rõ rệt. Những tiết lộ từ vụ bê bối Cambridge Analytica đã khiến niềm tin đối với các công ty công nghệ lớn sụt giảm nghiêm trọng. Các nhà lập pháp và công chúng đang đặt ra câu hỏi về sự độc quyền mà những doanh nghiệp này đang có. 

David Grenache – cựu chủ tịch Hiệp hội Hóa học Lâm sàng Mỹ và hiện là giám đốc khoa học Phòng Thí nghiệm TriCore, nhận định: “Theranos đã giúp mọi người nâng cao nhận thức về việc cân nhắc kỹ càng hơn về những tuyên bố viển vông và là lời nhắc nhở trước khi tin tưởng vào một công nghệ không thực sự tồn tại.”

Dù sự giám sát là điều cần thiết đối với các startup thuộc lĩnh vực này, nhưng sự sụp đổ của Theranos đã ảnh hưởng đến nhiều công ty công nghệ y tế. Grenache cho hay, nhiều công ty tiềm năng đang phát triển công nghệ chẩn đoán nhanh chóng lại đối mặt với sự nghi ngại của nhà đầu tư.

Song, theo John Ioannidis – giáo sư y khoa tại Đại học Stanford, một trong những người đầu tiên bày tỏ quan điểm nghi ngờ Theranos, ngay cả trong bối cảnh hiện tại, nhiều công ty xét nghiệm y tế ở Thung lũng Silicon vẫn mắc phải sai lầm tương tự.

Giống như Theranos, nhiều công ty vẫn hoạt động “ẩn danh”, tiếp tục gọi vốn mà không đưa ra bằng chứng hợp pháp về sản phẩm của họ, theo nghiên cứu năm 2019 của Ioannidis. Trong số 18 kỳ lân trong lĩnh vực này, hơn 1 nửa không có “tài liệu trích dẫn đáng tin cậy” về các sản phẩm họ đang nghiên cứu.

Ioannidis nói, khi bản chất hoạt động bí mật của Thung lũng Silicon kết hợp với lĩnh vực y tế, thì các startup công khai rất ít thông tin liên quan đến nghiên cứu thực tế. Ông cho hay: “Hoạt động ‘ngầm’, đưa ra những tuyên bố ngông cuồng và cuối cùng khiến mọi người đưa ra những quyết định dù thiếu thông tin về sức khỏe là điều rất đáng sợ. Đây không phải là laptop hay điện thoại, đây là sự sống và cái chết.”

Ioannidis chỉ ra, một vấn đề khác là nhiều trong số các công ty thuộc lĩnh vực này lại hoạt động trong “vùng xám”, vì công nghệ họ bán không được phân loại là y tế. Dù vắc-xin hoặc thuốc sẽ yêu cầu quy trình phê duyệt nghiêm ngặt từ FDA, thì các công nghệ như Theranos cung cấp lại có thể tiếp cận công chúng mà không cần sự giám sát của pháp luật.

Tham khảo Guardian

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin