Vàng đang đốt cháy cả thị trường tài chính, mọi ánh nhìn, mọi hoạt động từ nhà đầu tư chuyên nghiệp đến người dân đều đang chú ý vào quý kim tại thời điểm này. Tuy nhiên theo các chuyên gia tỷ giá mới là nỗi lo trong thời điểm tới.
Tách biệt hẳn với những con sóng lớn từ thị trường vàng, USD vẫn giữ phong độ ổn định. Tại Vietcombank sáng nay, đồng bạc xanh được neo ở mức 22.270-22.340 đồng (mua vào – bán ra). Biến động gần như không đáng kể của tỷ giá như trên cho thấy sự kiện Brexit chưa có tác động lớn tới diễn biến tỷ giá VND/USD trong ngắn hạn.
Có vẻ tỷ giá VND/USD đã tránh được cú sốc tồi tệ nhất mặc dù đồng NDT đã giảm mạnh nhất trong nhiều năm so với đồng USD và các đồng tiền lớn khác cũng tiếp tục biến động mạnh trong năm nay. Có thể nói tỷ giá đã khá ổn định từ đầu năm với dự trữ ngoại hối cũng đang tăng lên.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, dự trữ ngoại hối của Việt Nam kể từ đầu năm tới nay đã đạt mức cao kỷ lục 38 tỷ USD (chưa bao gồm vàng). Trong 5 tháng đầu năm 2016, NHNN đã mua vào gần 8 tỷ USD. Việc mua ngoại tệ khá thuận lợi do nguồn cung trên thị trường dồi dào. Thống đốc NHNN khẳng định dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Đây là lần thứ hai, NHNN công bố về nguồn dự trữ ngoại hối để củng cố niềm tin thị trường rằng NHNN đủ khả năng để quản lý tỷ giá trong những quý tới, khi phải đối mặt với những biến động kinh tế thế giới tác động trực tiếp tới tỷ giá trong nước.
Việc tỷ giá vẫn giữ được ổn định trong cơn bão táp vừa qua cũng không loại trừ khả năng NHNN đã sử dụng nguồn USD dự trữ có được để bán cho các ngân hàng nhằm ổn định thị trường.
Ngoài ra, từ đầu năm 2016, NHNN đã điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm trong đó có neo đồng Việt Nam với 8 loại rổ tiền tệ khác nhau. Về lý thuyết, tác động từ Brexit chỉ là một trong những cấu phần để tính mức tỷ giá trung tâm, Bảng Anh chỉ là một đồng tiền chiếm tỷ trọng nhỏ trong rổ tham chiếu, mức độ rủi ro của các loại ngoại tệ trong rổ tiền tệ này khi biến động cũng dung hòa với nhau.
Thị trường ngoại hối và tỷ giá VND/USD tương đối ổn định còn là do đồng USD giảm giá đáng kể trên thị trường quốc tế do sự trì hoãn tăng lãi suất của FED và nguồn cung ngoại tệ hỗ trợ tích cực đến việc ổn định tỷ giá trong nước (cán cân thanh toán tổng thể quý I/2016 thặng dư; xuất siêu trong 6 tháng đầu năm; FDI giải ngân tăng khá mạnh).
Diễn biến tỷ giá.
Tuy nhiên, theo nhiều tổ chức đánh giá trong nửa cuối năm 2016, tỷ giá sẽ khó ổn định do một số yếu tố không thật sự thuận lợi.
Cả Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia và CTCK Bảo Việt (BVSC), đều chỉ ra 4 áp lực đè lên tỷ giá bao gồm: Cầu ngoại tệ tăng cao do nhu cầu nhập khẩu cuối năm lớn; Khả năng FED tăng lãi suất vào thời điểm cuối Quý 3 hoặc Quý 4; Đồng Nhân dân tệ có nguy cơ tiếp tục mất giá nửa cuối năm nay; Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 chỉ ở mức 5,52% (thấp hơn so với mức 6,28% cùng kỳ 2015) có thể khiến Chính phủ có các biện pháp nới lỏng tiền tệ ở mức độ “vừa phải”, qua đó gây sức ép nhất định tới lạm phát và giá trị tiền Đồng.
Trong khi đó ở một bộ phận không nhỏ trên thị trường tiếc vàng đang để ý sang USD. Một chuyên gia trong ngành dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng tối đa không quá 3% trong năm nay.