Các chuyên gia dự báo VND có khả năng mạnh lên so với USD do NHNN hạn chế mua ròng ngoại tệ, qua đó khiến tỷ giá giảm.
Bản tin trái phiếu hàng tuần vừa công bố của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, trong tuần từ 24-28/8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục không thực hiện hoạt động bơm/hút ròng trên thị trường mở. Thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang dồi dào, NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục không can thiệp hoạt động thị trường mở trong thời gian tới.
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm không thay đổi trong tuần qua khi duy trì ở mức 0,19%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 1 tuần tăng nhẹ 0,06% lên mức 0,3%/năm và lãi suất kỳ hạn 2 tuần giảm nhẹ 0,06% xuống mức 0,43%/năm. Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang tương đối dồi dào.
Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá trung tâm trong tuần giảm nhẹ 5 đồng, xuống mức 23.205 VND/USD. Tỷ giá tại NHTM cũng giảm nhẹ 1 đồng, xuống mức 23.165 VND/USD. Tỷ giá tiếp tục ổn định trong những tuần gần đây khi chỉ số DXY suy yếu và nguồn cung ngoại tệ dồi dào.
Cụ thể 8 tháng đầu năm Việt Nam đã xuất siêu ước đạt 11,9 tỷ USD, riêng trong tháng 8 xuất siêu đạt khoảng 4,4 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đến ngày 20/8 cũng đạt 11,4 tỷ USD, tuy giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn là mức tương đối lớn. BVSC dự báo trong thời gian tới, tỷ giá VND/USD có thể tiếp tục giảm.
Chỉ số DXY đo sức mạnh của đồng USD tiếp tục suy yếu do FED sẽ chuyển mục tiêu điều hành ch nh sách tiền tệ từ việc dựa trên một mục tiêu “cứng” về lạm phát 2% sang một cơ chế linh hoạt hơn là dựa vào “mức lạm phát trung bình”. Điều này có thể khiến FED sẽ tiếp tục duy trì trạng thái nới lỏng tiền tệ trong một thời gian dài dù lạm phát vượt lên trên 2%. Bên cạnh đó, nhằm tránh rủi ro Việt Nam bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ, rất có thể NHNN sẽ hạn chế các hoạt động mua ròng ngoại tệ trong thời gian tới. Diễn biến này nhiều khả năng sẽ khiến VND mạnh lên so với USD, qua đó khiến tỷ giá VND/USD giảm.
Trên quốc tế, chỉ số DXY đóng cửa tuần vừa qua ở mức 92,37 điểm, giảm 0,93% so với tuần trước đó. Đồng USD mất giá đối với tất cả các đồng ngoại tệ khác trong rổ. Cụ thể, USD mất giá lần lượt 0,41%; 2,01%; 0,9%; 1,98%; 0,59% và 0,82% so với JPY, GBP, EUR, SEK, CAD và CHF. Đồng USD mất giá trong tuần qua trong bối cảnh FED công bố khung chiến lược mới về điều hành chính sách tiền tệ và các mục tiêu dài hạn. Theo đó, FED sẽ ưu tiên mục tiêu về thị trường lao động. Điểm quan trọng nhất là FED chuyển từ mục tiêu lạm phát “cứng” tại mức 2% về mức lạm phát mục tiêu trung bình 2%. Theo các chuyên gia của BVSC, điều này có thể khiến đồng USD tiếp tục xu hướng suy yếu so với các đồng tiền khác khi lãi suất ở mức thấp hơn và lạm phát duy trì ở mức cao hơn các nước khác.
Cùng chung góc nhìn về tỷ giá, theo TS. Cấn Văn Lực, thời gian qua tỷ giá cơ bản ổn định, chỉ giảm khoảng 0,12% so với USD kể từ đầu năm tới nay trong khi các đồng tiền trong khu vực mất giá 1,5 – 4,5%. Nguyên nhân của thực trạng trên do quan hệ cung cầu ngoại tệ của Việt Nam tương đối ổn định. Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 10 tỷ USD, giải ngân FDI vẫn tích cực.
Theo ông Lực, việc găm giữ, đầu cơ ngoại tệ không còn xảy ra như trước đây bởi khả năng sinh lời của USD so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán thấp. Việt Nam kiểm soát lạm phát tương đối tốt, theo xu hướng giảm dần. Dự báo, lạm phát năm 2020 khoảng 3,5-3,8%. Như vậy, tỷ giá ổn định tương đối phù hợp với thực tế của nền kinh tế. Chuyên gia dự báo từ giờ đến cuối năm 2020, dịch bệnh còn phức tạp, tỷ giá còn biến động nhưng cơ bản sẽ tương đối ổn định và có xu hướng giảm. Đồng VND nếu có mất giá so với USD chỉ ở mức 1-1,5%.