Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã phá giá đồng nhân dân tệ tổng cộng 4,6% trong ba ngày liên tiếp. Liệu Việt Nam có dừng lại ở mức chỉ thêm 1% trước tác động phá giá của nhân dân tệ? Trung Quốc đang khiến cả thế giới quay cuồng, choáng váng.
Ngay cả các chuyên gia tài chính hàng đầu cũng lắc đầu cho rằngmọi động thái vừa qua của Trung Quốc vượt ngoài tầm dự đoán của họ. “Chiến tranh tiền tệ” là cụm từ mà các chuyên gia đang nhắc tới. Mỹ cho rằng Trung Quốc đang âm mưu phá nền kinh tế thế giới.
Câu trả lời cho việc “tỉ giá VND/USD có tiếp tục nới biên độ?” có lẽ vẫn còn đang bỏ ngỏ và có lẽ NHNN cũng khó tuyên bố cứng điều gì trong bối cảnh hiện nay.
Trong 3 ngày liên tiếp, PBOC bất ngờ đưa ra ba thông báo điều chỉnh kỷ lục đối với tỉ giá tham chiếu hằng ngày. Đồng nhân dân tệ giảm giá liên tiếp mạnh nhất kể từ năm 1994. Hiện đồng tiền này đã quay về mức chưa từng thấy kể từ tháng 8.2011.
Ngay lập tức, sau tuyên bố điều chỉnh tỉ giá lần thứ hai của PBOC, NHNN tuyên bố biên độ tỉ giá giữa VND và USD được điều chỉnh tăng từ +/-1% lên +/-2%. Với tỉ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.673 VND/USD, biên độ tỉ giá mới sẽ cho phép tỉ giá biến động trong phạm vi mức tỉ giá trần là 22.106 VND/USD và tỉ giá sàn là 21.240 VND/USD. Việc điều chỉnh này theo NHNN là “để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỉ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế nêu trên, đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam”.
Mặc dù một số tổ chức tài chính nước ngoài đã nhiều lần dự báo NHNN sẽ phải điều chỉnh tỉ giá tăng thêm 1% nữa, nhưng cuối tháng 7.2015, Thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn tự tin khẳng định sẽ giữ nguyên cam kết không điều chỉnh tỉ giá quá 2% trong năm nay, vì “Thứ nhất chúng ta có lực ngoại tệ để can thiệp khi cần và sẵn sàng can thiệp. Thứ hai, chúng tôi điều hành tỉ giá trong một lộ trình dài có sử dụng đồng bộ các công cụ như lãi suất, cung tiền, tỉ giá, chứ không tách rời chúng”.
Tuy nhiên, ngày 12.8, theo NHNN, từ đầu năm đến nay, diễn biến kinh tế thế giới đã xuất hiện nhiều yếu tố mang tính đột biến nằm ngoài dự đoán của các tổ chức quốc tế lớn như việc giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây một phần do quan hệ cung-cầu, nhưng chủ yếu vẫn do các yếu tố chính trị tạo ra; sự cộng hưởng của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất, suy thoái của kinh tế Châu Âu và khủng hoảng kinh tế Hy Lạp đã làm cho đồng USD mạnh hơn.
Với việc nhân dân tệ được điều chỉnh giảm 1,1% trong ngày 13.8.2015, là một trong những mức giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua, kéo theo một loạt đồng tiền Châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm. Trung Quốc là đối tác chiếm tỉ trọng thương mại lớn của Việt Nam, việc điều chỉnh tỉ giá đồng nhân dân tệ sẽ có tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam. NHNN buộc phải điều chỉnh tiếp tỉ giá để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỉ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế.
Việc phải điều chỉnh tỉ giá chỉ sau tuyên bố cứng rắn của Thống đốc chưa lâu cho thấy tính khá duy ý chí của NHNN trong điều hành chính sách tỉ giá. Đã từ lâu, khi bình luận không chính thức về các tuyên bố mục tiêu điều chỉnh tỉ giá trước cả năm của NHNN, một số chuyên gia cho rằng đó là những cam kết chính trị. Những cam kết như thế chỉ có thể trấn an thị trường và tạo sự bình ổn trong ngắn hạn. Nếu không có “cú sốc” điều chỉnh tỉ giá của PBOC, nhiều khả năng NHNN sẽ cố kìm giữ tỉ giá tăng không quá 2% đến hết năm 2015 cho dù cái giá phải trả cho việc giữ tỉ giá này không hề nhỏ.
Câu hỏi đặt ra là liệu khi tuyên bố việc không điều chỉnh tỉ giá chỉ cách đây hơn chục ngày, NHNN đã dự báo được những tác động diễn biến thị trường kinh tế thế giới và hướng điều hành tỉ giá của “siêu cường hàng xóm” chưa?
Đúng ra, để chuẩn bị cho nền kinh tế chống các “cú sốc” và phát triển bền vững khi điều hành chính sách, cơ quan quản lý vừa định hướng, nhưng cũng vừa phải theo tín hiệu chứ không phải áp đặt cho thị trường.
Thông cáo báo chí mà NHNN phát đi ngày 12.8 viết khá mập mờ về việc sẽ điều chỉnh “trong biên độ quy định”?! Dư luận đặt câu hỏi về việc “biên độ quy định” của NHNN cho tỉ giá năm 2015 là bao nhiêu khi mức cam kết 2% đã vượt qua?
Bàn về chính sách điều hành tỉ giá, NHNN cho biết sẽ “điều hành chính sách một cách phù hợp”, điều này hé lộ rằng NHNN không thể tuyên bố cứng về tỉ giá cho những tháng còn lại của năm 2015 nữa. Trung Quốc đã phải điều chỉnh 4,6% trong 3 ngày liên tiếp, vậy Việt Nam có dừng lại ở mức chỉ thêm 1% nữa không trước tác động của việc PBOC phá giá đồng nhân dân tệ gây tác động toàn cầu, cả trong thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn?
Câu trả lời đang bỏ ngỏ!