Thị trường đang trải qua cú sốc lớn về tỷ giá khi NHNN liên tiếp “hành động” với tần suất khá gần. Về bản chất, tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng 5%, trong khi cam kết của NHNN là chỉ điều chỉnh 2% trong năm nay.
VND đã mất giá 5%
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa bất ngờ công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng cho ngày 19/8/2015 từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD (mức điều chỉnh tăng 1%), đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ + /-2% lên +/-3%.
Như vậy, với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.890 VND/USD và biên độ tỷ giá +/-3%, thì tỷ giá trần là 22.547 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.233 VND/USD.
Trước đó ngày 12/8, NHNN đã nới biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2%. Đây là một quyết định điều chỉnh kép hết sức bất ngờ đồng thời với mức độ điều chỉnh lớn.
Cộng với hai lần điều chỉnh trước vào tháng 1 và tháng 5 thì tính đến nay, NHNN đã chính thức phá giá tiền đồng 3% và nới biên độ thêm 2%. Về bản chất là tỷ giá USD/VND đã tăng 5%, trong khi cam kết của NHNN là chỉ điều chỉnh 2% trong năm nay.
Theo tuyên bố của NHNN, sau điều chỉnh lần này, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi về động thái của NHNN lần này, TS. Nguyễn Trí Hiếu chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng NHNN điều chỉnh là đúng. Nếu không tăng tỷ giá thì NHNN sẽ rơi vào tình thế khó khăn đầu tiên và bán ngoại tệ can thiệp thị trường nhiều lần sẽ khiến NHNN hụt hơi và mất dự trữ quốc gia rất nhanh.
“Tỷ giá của chúng ta thấp vì đang theo chính sách đồng tiền mạnh. Ngoài thị trường, giá trị của tiền đồng đâu đó vào khoảng 40.000 VND/USD, trong khi NHNN niêm yết ở mức 22.106 đồng. Nếu giá rẻ như vậy, những kẻ đầu cơ tha hồ kiếm hời, ăn ngay trên sống lưng của NHNN”, ông nhận định.
NHNN điều chỉnh lần này khác nhiều với lần trước, bởi mức độ thay đổi rất mạnh và khoảng cách với lần trước (ngày 12/8) chỉ cách nhau 1 tuần, tần suất khá gần.
Ông Hiếu bình luận thêm: “Rõ ràng chúng ta đang bị chi phối bởi đồng Nhân dân tệ và chính sách đồng tiền mạnh đang có vấn đề chính vì vậy NHNN phải điều chỉnh thật nhanh và mạnh mới có thể ổn định thị trường”.
Áp dụng “cho” hay “từ” ngày 19/8?
Một điểm đáng chú ý từ thông báo tử NHNN công bố, NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng cho ngày 19/8/2015 từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD, chứ không phải từ ngày 19/8/2015 đã khiến nhiều người băn khoăn rằng có khi nào quyết định chỉ dành cho ngày hôm nay.
Bình luận về việc này, theo ông Hiếu, quyết định không phải chỉ áp dụng riêng trong ngày hôm nay, vì thị trường ngoại hối biến động rất mạnh và như vậy sẽ không thể làm nguôi nhiệt độ thị trường ngoại hối trong vòng một ngày được.
Cũng đồng tình quan điểm này, theo TS. Cấn Văn Lực, lần điều chỉnh này không thể áp dụng cho mỗi ngày hôm nay vì nếu thế NHNN chỉ cần bán ngoại tệ là xong.
Ông Lực cho rằng, quyết định của NHNN là cần thiết phải làm và nằm trong dự đoán tiếp sau sự kiện phá giá mạnh của đồng Nhân dân tệ và chuẩn bị tâm lý đón đầu các tác động bất lợi của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có khả năng tăng lãi suất vào quý IV/2015.
Tuy nhiên, quyết định lần này lại xảy ra sớm hơn kỳ vọng của thị trường. Hai lần điều chỉnh gần đây khá sát nhau trong bối cảnh Trung Quốc điều chỉnh giảm mạnh đồng Nhân dân tệ, một số ngoại tệ trong khu vực có quan hệ thương mại Việt Nam cũng liên tục giảm giá.
Ông cũng cho rằng NHNN đã phải xem xét tổng thế về các chỉ số kinh tế vĩ mô: lạm phát, xuất nhập khẩu mới đưa ra quyết định sớm hơn kỳ vọng.
“Từ nay đến cuối năm, thị trường vẫn kỳ vọng NHNN điều chỉnh tiếp để đảm bảo cạnh tranh hơn. Còn việc tỷ giá có tiếp tục điều chỉnh nữa hay không thì phụ thuộc vào thị trường tiền tệ Trung Quốc và FED”, ông Lực cho hay.
Ngay sau khi tỷ giá tăng mạnh, thị trường vàng trong nước cũng ngay lập tức phản ứng. Theo thống kê, chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ, giá vàng SJC đã tăng 1 triệu đồng/lượng, sát mốc 35 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, đầu tư vào vàng hiện vẫn rủi ro, nếu FED đánh đòn tăng lãi suất và biến động chính trị quân sự ở Đông Âu và Trung Đông có thể đẩy giá vàng đi xuống. Theo ông, nếu cá nhân và tổ chức kinh tế được phép kinh doanh ngoại tệ, thì nên mua USD lúc này.
Sáng nay, một số ngân hàng như Techcombank, Eximbank điều chỉnh giá bán ra tăng lên tới 22.450-22.480 đồng/USD, tương ứng tăng 344-374 đồng/USD. Trên thị trường tự do, giá USD cũng được lập tức tăng lên ở mức 22.300 – 22.350 đồng/USD với giá mua vào. Giá bán ra phổ biến ở mức 22.500 đồng/USD.