NHNN giảm dần lượng thanh khoản hỗ trợ hệ thống trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng lao dốc mạnh những phiên gần dây.
Ảnh minh họa
Sau khi liên tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng trong tháng 11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chuyển sang trạng thái hút ròng trong những phiên gần đây.
Cụ thể, trong phiên giao dịch 3/12, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với kỳ hạn 07 ngày và lãi suất ở mức 4,0%. Kết quả, toàn bộ 10.000 tỷ đồng trúng thầu, trong khi có 20.000 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này.
Nguồn: SBV
Trên kênh tín phiếu, NHNN chào thầu ở hai kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Kết quả có 1.300 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 14 ngày, lãi suất ở mức 3,95% và 3.500 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu ở kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 4,0%. Trong khi đó, có 600 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Tính chung, NHNN đã hút ròng 14.200 tỷ đồng từ thị trường thông qua kênh thị trường mở trong phiên 3/12. Trước đó, Nhà điều hành cũng đã hút ròng lần lượt gần 11.200 tỷ đồng và 28.480 tỷ đồng trong phiên giao dịch 2/12 và 29/11.
Tổng cộng trong 3 phiên gần nhất, NHNN đã rút khỏi hệ thống ngân hàng gần 53.900 tỷ đồng. Phần lớn thông qua lượng cho vay OMO đáo hạn. Tính đến cuối ngày 3/12, lượng OMO lưu hành đã giảm về còn gần 34.000 tỷ đồng, trong khi tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 25.480 tỷ đồng. Như vậy, NHNN đang hỗ trợ ròng hơn 8.500 tỷ cho hệ thống ngân hàng, giảm mạnh so với mức cao điểm gần 50.000 – 70.000 tỷ đồng duy trì trong giai đoạn cuối tháng 11.
NHNN giảm dần lượng thanh khoản hỗ trợ hệ thống trong bối cảnh lãi suất liên VND trên thị trường ngân hàng đã lao dốc mạnh những phiên gần dây.
Theo số liệu được NHNN công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 29/11 đã giảm về còn 3,11%/năm. So với mức trên 6%/năm ghi nhận hồi đầu tháng 11, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm gần một nửa. Cùng với kỳ hạn qua đêm, lãi suất hầu hết kỳ hạn chủ chốt khác đều giảm mạnh so với hồi đầu tháng 11.
Trước diễn biến giảm sâu của lãi suất liên ngân hàng, từ phiên 2/12, NHNN đã chào thầu trở lại tín phiếu 14 ngày cùng với kỳ hạn 28 ngày vẫn được duy trì. Phản ứng sau động thái trên, lãi suất VND liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm đã tăng trở lại lên mức trên 4%/năm. Việc chào thầu trở lại tín phiếu 14 ngày được cho là nhằm kiểm soát chặt hơn diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng; tránh trường hợp lãi suất VND trên thị trường 2 giảm sâu, gây áp lực lên tỷ giá.
Thực tế, dù không có nhiều biến động mạnh trong những phiên gần đây, song tỷ giá USD/VND vẫn đang duy trì ở vùng cao lịch sử.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên 3/12 với mức 25.405 VND/USD, chỉ thấp hơn giá bán can thiệp của NHNN 45 đồng. Thông thường, khi tỷ giá liên ngân hàng vượt giá bán can thiệp, các nhà băng sẽ bắt đầu mua USD từ Nhà điều hành.
Trên thị trường giữa ngân hàng và người dân, tỷ giá USD/VND tiếp tục được các nhà băng tiếp tục tăng sát trần trong phiên sáng hôm nay. Theo khảo sát lúc 10h, tất cả ngân hàng lớn hiện đều niêm yết giá bán USD tại 25.475 VND/USD, kịch trần được phép giao dịch.
Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng đã liên tục niêm yết ở mức sát, thậm chí kịch trần cho phép trong hơn 6 tuần qua. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng tăng hơn 1.000 đồng, tương đương mức tăng 4,3%. Riêng trong tháng 10 và tháng 11, VND đã mất hơn 3% giá trị so với USD.
Hiện, NHNN đã và đang phối hợp triển khai đồng bộ các công cụ của mình để kiềm chế đà tăng của tỷ giá.
Biện pháp đầu tiên được NHNN sử dụng là việc duy trì kênh phát hành tín phiếu trong suốt 1,5 tháng qua. Theo đó, từ ngày 18/10, NHNN đã bắt đầu chào thầu tín phiếu trở lại. Việc mở lại hoạt động chào bán tín phiếu cho thấy định hướng hút bớt thanh khoản VND trong hệ thống ngân hàng và có chiều hướng làm tăng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng.
Với các ngân hàng cần nguồn hỗ trợ, NHNN vẫn sẵn sàng cho vay qua kênh OMO nhưng các nhà băng này phải chấp nhận mức lãi suất không rẻ, ở mức 4%/năm.
Việc sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, vừa giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD – VND trên thị trường liên ngân hàng.
Bên cạnh đó, từ chiều ngày 24/10, NHNN đã tăng giá bán USD can thiệp niêm yết tại Sở Giao dịch lên 25.450 VND/USD. Đồng thời, theo một số nguồn tin trên thị trường liên ngân hàng, Nhà điều hành đã có thông báo tới các ngân hàng về việc nối lại hoạt động bán ngoại tệ can thiệp ngoại tệ theo hình thức giao ngay, tại mức tỷ giá 25.450 VND/USD – bằng mức giá can thiệp được NHNN đưa ra hồi tháng 4/2024. Đây được coi là biện pháp can thiệp mạnh tay của NHNN nhằm ổn định thị trường ngoại tệ.