Những gì đã qua, hãy cho nó qua; những gì đến, ắt đến; bất cứ điều gì xảy ra đều là những điều nên xảy ra…
Bất kỳ ai trong chúng ta đều trải qua những ngày không vui, hoặc tệ hơn nữa khi những điều không vui đó xảy ra liên tiếp trong cùng một thời gian ngắn.
Một buổi sáng không đẹp trời nào đó, bạn vội vàng đến công ty để chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng thì xe bạn bị hỏng, đúng lúc trời đổ mưa và gặp thêm cảnh tắc đường. Đã thế lúc đến công ty thì phát hiện ra một số tài liệu cho cuộc họp bị lỗi, khiến đồng nghiệp và cấp trên chỉ trích bạn thậm tệ. Một ngày đen đủi dường như chưa kết thúc với bạn khi bạn mở bảng giá điện tử, ôi thôi, mã chứng khoán mà bạn đặt nhiều hi vọng đang xuống điểm. Lại thêm tin nhắn dỗi hờn từ cô bạn gái đỏng đảnh…
Một ngày vô cùng tồi tệ đúng không? suốt cả ngày hôm đó, hoặc có thể một thời gian sau đó bạn sẽ bị cảm giác chán chường chi phối, chẳng làm được gì ra hồn ngoài việc ngồi oán trách số phận “Sao trời lại bất công với mình như thế?”
Nhưng nếu suy nghĩ theo 4 quy tắc tâm linh sâu sắc được người Ấn Độ luôn xem như kim chỉ nam dưới đây bạn sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn, an nhiên mà tận hưởng cả niềm vui và những nỗi buồn xảy ra trong cuộc đời mình.
Quy tắc số 1:“Bất cứ người nào bạn gặp cũng ĐÚNG là người mà bạn cần gặp”
Không phải ngẫu nhiên mà một ai đó xuất hiện trong cuộc đời của bạn. Bất kỳ ai dù chỉ là người đi ngang qua chúng ta trên đường đời cũng đều mang một ý nghĩa nào đó. Người Ấn Độ tin rằng số phận luôn sắp đặt ĐÚNG người vào ĐÚNG thời điểm.
Do vậy, nếu đồng nghiệp, lãnh đạo công ty không nghiêm khắc phê bình bạn vì lỗi lầm trong công việc thì biết đâu bạn đã không nhận ra, không rút kinh nghiệm để rồi lại phạm phải lỗi nghiêm trọng hơn lần sau thì sao?
Và, nếu thấu hiểu tâm lý này, bạn sẽ vui vẻ, ngẩng cao đầu tiếp thu ý kiến lãnh đạo, vui vẻ tiếp nhận góp ý từ đồng nghiệp để cùng tiến bộ. Và chắc chắn bạn sẽ không chịu ấm ức suốt nửa ngày còn lại, cũng không cần né tránh, giận hờn đồng nghiệp những buổi tiếp theo.
Vậy nên, nếu bạn chỉ biết ơn những người trao cho bạn cơ hội mới, những người đưa lại cho bạn những khoảnh khắc ngọt ngào thì là chưa đủ. Bạn cần trải qua các cung bậc cảm xúc và biết trân quý mọi yếu tố đến với mình, xem mọi thứ là ĐÚNG với ý chí và nguyện vọng của bạn.
Quy tắc số 2: “Bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời bạn đều là những điều nên xảy ra”
Không có điều gì tuyệt đối, không có điều gì chúng ta trải nghiệm lại nên khác đi cả. Thậm chí cả với những điều nhỏ nhặt ít quan trọng nhất. Chữ “NẾU” ai cũng muốn dùng, nhưng thực tế là điều không thể.
Những gì đã xảy ra chính là những gì nên xảy ra và phải xảy ra giúp chúng ta cần tiếp nhận để tiến về phía trước. Bất kỳ tình huống nào trong cuộc đời mà chúng ta đối mặt đều tuyệt đối hoàn hảo, thậm chí cả khi nó thách thức sự hiểu biết và bản ngã của chúng ta.
Có thể, lúc nào đó bạn đang chôn chân trong đoạn đường dài tắc nghẽn giờ tan tầm, trong khi vô số việc đang chờ bạn ỏ nhà; có đôi khi một hợp đồng lớn bạn tưởng như đã ở trong tầm tay lại bị vuột mất…Hãy chấp nhận nó với tâm thế thoải mái nhất.
Quy tắc số 3: “Chuyện gì đến, nó sẽ đến”
Chúng ta không thể ngăn chặn những điều mình không thể đoán trước xảy ra. Do vậy việc lo sợ vẩn vơ sẽ lấy đi của bạn những giây phút hiện tại. Hãy tâm niệm rằng: Việc gì đến, ắt đến, bạn sẽ không cần lo lắng sợ hãi một cách vô ích.
Một cô bé, trong lúc bố mẹ đi vắng, tranh thủ dọn dẹp nhà cửa tạo bất ngờ cho mẹ trong ngày sinh nhật. Cô quyết định tự tay làm mấy món ăn mẹ thích, cô lau dọn từ trên nhà xuống dưới nhà… Bất ngờ, cán chổi trên tay vô tình vướng phải, là vỡ chiếc bình hoa mới mua mà mẹ cô rất thích.
Cô bắt đầu lo sợ, nghĩ ra đủ mọi kịch bản, mọi hình phạt, mọi lời trách mắng mà bố mẹ sẽ dành cho mình. Cô lại bắt đầu nghĩ những lời biện hộ, và quan trọng, cô hối hận vì chính mình đã sắp sửa phá đi buổi tối ấm cúng bên gia đình trong ngày sinh nhật mẹ
NHƯNG TẤT CẢ LO SỢ CỦA CÔ ĐỀU VÔ ÍCH!
Bố mẹ cô trở về, thấy chiếc bình vỡ, thất vọng cất giọng chuẩn bị gọi cô ra hỏi chuyện. Tuy nhiên, chưa kịp lên tiếng gọi thì thấy có điều gì đó khác lạ. Rất nhanh, mẹ cô nhận ra căn nhà đã ngăn nắp, gọn, sạch một cách khác thường. Vào bếp, thấy mâm cơm đã chuẩn bị sẵn, hiểu ra vấn đề. Họ cất giọng gọi cô bé. Song thay vì lời trách mắng, là những lời yêu thương, và, họ chẳng đả động gì đến chiếc bình hoa dù cô bé đã lên tiếng xin lỗi. Đúng là, không cần lo về những gì chưa đến – và có đến thì dù lo lắng bạn cũng không thể tránh khỏi.
Quy tắc số 4: “Những gì đã qua, hãy cho qua”
Nếu bạn cứ mang theo những nỗi buồn, những giận hờn, trách móc, hay thậm chí là hận thù, thì đến lúc nào đó tất cả những điều đó sẽ nhiều lên, thành gánh nặng, và vì cố mang nó, bạn phải mang theo nó suốt cả chặng đường.
Đó là lý do tại sao Phật dạy chúng ta hãy biết buông bỏ, để lại sau lưng những muộn phiền và quá khứ để dành sức tiếp tục cuộc hành trình của đời mình. Để có thể an nhiên, mỗi người nên biết tùy duyên và thuận theo tự nhiên mà sống.
Có một quy tắc sống – quy tắc 90/10 – rằng tất cả những gì xảy đến với chúng ta chỉ là 10%, còn 90% còn lại chính là những cách ứng xử, cách xử lý của chính bạn. Vì vậy, với bất cứ vấn đề nào, hãy cố hướng 90% phần quyết định của bạn theo hướng có lợi: có lợi cho chính bạn và những người xung quanh, thì chắc chắn bạn sẽ nhận lại được chính những niềm vui mà điều đó mang lại.
Không phải ngẫu nhiên mà bạn đọc được bài viết này
Nếu bài viết này đánh động tâm hồn bạn, đó là bởi vì bạn đáp ứng được những yêu cầu và hiểu rằng không một bông tuyết nào lại tình cờ rơi xuống sai chỗ cả…Hãy đối xử tốt với chính bản thân bạn. Hãy yêu thương với tất cả tâm hồn bạn. Hãy luôn hạnh phúc.