Nhờ đâu tỷ giá VND/USD vẫn ổn định ngay cả khi CNY mất giá liên tục?

Tỷ giá duy trì ổn định trong tháng 10 và sụt giảm khá mạnh những ngày đầu tháng 11 bất chấp thị trường tiền tệ thế giới có nhiều biến động…

Bộ phận phân tích của công ty chứng khoán SSI là SSI Retail Research vừa công bố báo cáo thị trường tiền tệ tháng 10/2018.

Theo các chuyên gia cho biết, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) đã mất giá tới 2,1% chỉ trong vòng 2 tháng gần đây trong khi đồng VND mới giảm 0,24%. CNY là 1 trong 8 đồng tiền được dùng tham chiếu để tính tỷ giá trung tâm, và thường có tác động khá mạnh tới tỷ giá VND/USD.

Cụ thể, tỷ giá USD/CNY tăng lên mức 6,9758 vào ngày cuối tháng 10, mức cao nhất từ đầu năm 2017 khi Ngân hàng TW Trung Quốc (PboC) giảm tỷ giá tham chiếu xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ (6,9574). Nếu USD/CNY giảm về mốc 7 sẽ làm gia tăng các kỳ vọng vào sự mất giá sâu hơn của Nhân dân tệ, gia tăng áp lực thoái vốn, gây bất ổn cho thị trường tài chính Trung Quốc. Nhiều tổ chức tài chính dự báo ngưỡng 7 là ngưỡng rất quan trọng và khó có thể phá vỡ trong năm nay của tỷ giá USD/CNY.

Ngày 02/11/2018, thông tin PBoC phát hành tín phiếu và tín hiệu tích cực về chiến tranh thương mại từ tổng thống Donald Trump, đồng CNY ngay lập tức đã lên giá +1,2%, lùi về mức 6,8907.

Trong tháng 10, tỷ giá trung tâm đã được NHNN nâng thêm 12 điểm (từ 22.714 lên 22.726 đồng/USD), tương ứng với tỷ giá trần là 23.408 đồng. Mặc dù vậy, tỷ giá ngân hàng vẫn được duy trì ổn định ở mức 23.300 – 23.390 (mua – bán), tỷ giá tự do dao động nhẹ quanh ngưỡng 23.450 – 23.470, thấp hơn chút ít so với cuối tháng 9.

CNY là 1 trong 8 đồng tiền được dùng tham chiếu để tính tỷ giá trung tâm, và thường có tác động khá mạnh tới tỷ giá VND/USD. Theo nhận định của SSI Retail Research, chênh lệch lãi suất USD – VND nới rộng và NHNN có những động thái kịp thời hỗ trợ tỷ giá là những yếu tố chính giúp ổn định đồng VND trong bối cảnh thị trường tiền tệ thế giới có nhiều biến động.

Trong tháng qua, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng sau một thời gian tương đối bình ổn thì tăng mạnh lên trên 4,5% ở tất cả các kỳ hạn. Trong đó, lãi suất qua đêm tăng mạnh nhất, đạt đỉnh 4,533%, tăng 193 điểm phần trăm so với cuối tháng 9 và gần sát lãi suất OMO hiện tại là 4,75% trước khi hạ nhiệt về 4,4% vào ngày cuối tháng. Trong bối cảnh đó, sự ổn định của lãi suất USD khiến cho chênh lệch lãi suất giữa USD và VND tiếp tục được dãn rộng lên mức 2,37%, qua đó làm giảm áp lực lên tỷ giá.

Thanh khoản cũng được NHNN điều tiết nhịp nhàng khi cho vay qua OMO lên tới 44.544 tỷ đồng – mức cao nhất trong tháng từ đầu năm 2018 đến nay và tập trung vào tuần cuối của tháng 10, bên cạnh đó có 62.691 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn mà NHNN chỉ phát hành có 15.170 tỷ đồng, tức là cơ quan quản lý đã thực hiện bơm ròng ra thị trường 92.065 tỷ đồng.

Tỷ giá sau đợt biến động mạnh hồi tháng 9 đã duy trì ổn định trong tháng 10 và có chiều hướng giảm trong những ngày đầu tháng 11 (nguồn SSI Retail Research)

Ngoài ra, hỗ trợ cho tỷ giá ổn định còn bởi nguồn thu ngoại tệ vẫn khả quan khi cán cân thương mại nửa đầu tháng 10 thặng dư 40 triệu USD sau khi đạt thặng dư lớn 3,6 tỷ USD chỉ trong 2 tháng 8 và 9, đưa tổng cán cân thương mại 10 tháng lên thặng dư 6,33 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân trong tháng 10 đạt 1,85 tỷ USD, nâng tổng vốn FDI đã giải ngân trong 10 tháng đầu năm 2018 lên 15,1 tỷ USD, tăng 6,34% so với cùng kỳ năm trước. Dự trữ ngoại hối, theo báo cáo của Thủ tướng Chính Phủ tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, đã lên tới khoảng 60 tỷ USD tức tương đương 13 tuần nhập khẩu – là mức an toàn.

Những yếu tố nêu trên tiếp tục tác động đến tỷ giá những ngày đầu tháng 11 khi các ngân hàng liên tục điều chỉnh hạ giá mua bán USD, giúp tỷ giá duy trì mặt bằng thấp hơn hẳn so với tháng 10. Đến hôm nay ngày 6/11, tỷ giá tại ngân hàng mua vào ở mức 23.270 – 23.280 đồng và bán ra quanh 23.360 – 23.370 đồng, thấp hơn 30 đồng so với cuối tháng 10.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin