Tại sự kiện kỷ niệm một năm Việt Nam – Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện tối ngày 22/9 (giờ Mỹ), tại New York, trong phát biểu của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh đưa hợp tác khoa học – công nghệ cao (bán dẫn, AI), đào tạo nhân lực chất lượng cao trở thành đột phá chiến lược trong quan hệ hai nước.
Trước đó, trưa cùng ngày, tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai trong Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc, người đứng đầu Đảng, Nhà nước Việt Nam đã kêu gọi các nước lớn hành xử có trách nhiệm, chia sẻ thành tựu nghiên cứu khoa học – công nghệ để cùng phát triển. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận định khoa học – công nghệ, giữa giai đoạn phát triển như vũ bão, cần đặt mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người ở vị trí trung tâm và mục tiêu cao nhất.
Thực chất, những thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là cụ thể hóa các cam kết từ trong văn kiện Đối tác Chiến lược toàn diện mà phát triển công nghệ bán dẫn được xem là lợi thế mới của mối quan hệ “cũ” giữa hai quốc gia có nhiều duyên nợ lịch sử này.
Thực tế, thì nhiều “ông lớn” công nghệ của Hoa Kỳ đã và đang đẩy mạnh các cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam. Và vẫn như mọi khi, TP.HCM vẫn luôn là điểm đến đầu tiên.
Cụ thể, ngày 29-8 vừa qua, Reuters đưa nguồn tin riêng cho rằng, Google được cho là đang lên kế hoạch xây trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam, dự kiến ở gần TP.HCM. Các vấn đề liên quan đến trung tâm dữ liệu vẫn đang trong quá trình thảo luận, thời gian dự kiến vận hành là năm 2027. Với “số lượng lớn khách hàng dịch vụ đám mây trong và ngoài Việt Nam cũng như nền kinh tế số đang phát triển của quốc gia này” và là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của nền tảng chia sẻ video YouTube nên Google sẽ có khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Hiện hãng này đang tuyển dụng nhiều vị trí công việc tại đây, liên quan đến lĩnh vực như Google Cloud, Ứng dụng và Game. Một văn phòng “chứa nhiều dấu hiệu của Google” đang được thiết lập tại quận 1, TP.HCM. Giám đốc điều hành Google phụ trách thị trường Việt Nam và châu Á – Thái Bình Dương, Marc Woo hé lộ đã chuyển từ Singapore đến sống tại TP.HCM.
Trước đó, từ ngày 1 đến ngày 3-7, một phái đoàn của Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) do TS. Ettikan Karuppiah, Giám đốc công nghệ vùng châu Á – Thái Bình Dương làm Trưởng đoàn tiếp tục đến TP.HCM để khảo sát việc đầu tư tại đây. Trong cuộc khảo sát này, Tập đoàn NVIDIA làm việc với Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM); Công ty Phát triển công viên phần mềm Quang Trung và Công ty VNG để khảo sát thực tế và trao đổi khả năng hợp tác vào ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới. Đoàn cũng gặp Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi để trao đổi các vấn đề như đào tạo phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) cho Thành phố, hỗ trợ phát triển start-up (doanh nghiệp AI); thành lập AI Center of Excellence.
Việc NVIDIA liên tục cử các phái đoàn đến TP.HCM khảo sát cho thấy, Tập đoàn đang có động thái đẩy nhanh quá trình đầu tư vào TP.HCM.
Một ông lớn công nghệ khác của Hoa Kỳ là Tập đoàn Marvell cũng đang tăng tốc mở rộng các trung tâm thiết kế chip tại Việt Nam. Vào giữa tháng 5/2024, Marvell công bố mở thêm một trung tâm thiết kế chip tại Đà Nẵng, sau khi đã đầu tư 2 trung tâm tại TP.HCM.
Marvell Việt Nam đặt mục tiêu trong 2-3 năm tới sẽ trở thành trung tâm thiết kế vi mạch lớn thứ 3 của Marvell toàn cầu, sau các trung tâm chính tại Hoa Kỳ và chi nhánh Ấn Độ.
Cả Meta – tập đoàn sở hữu Facebook – là một trong hơn 50 doanh nghiệp lớn của Mỹ đã đến Việt Nam theo chương trình của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh mới đây tuyên bố tập đoàn công nghệ Mỹ hướng đến mục tiêu hỗ trợ đào tạo 1 triệu người Việt, và tính tới đầu tư công cụ vũ trụ ảo (metaverse) tại Việt Nam.
Được biết, trong năm 2024, tập đoàn Meta sẽ tổ chức nhiều khóa học về AI tại khắp các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Việt Nam nằm trong danh sách này. Doanh nghiệp hàng đầu thế giới về AI này hỗ trợ tăng cường kỹ năng kinh tế số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, tham gia đào tạo hơn 85,000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Về kỹ năng số, sắp tới Meta cam kết tiếp tục hỗ trợ đào tạo cho khoảng 1 triệu người ( là giáo viên và sinh viên; hiện nay đã đào tạo được 100,000 người)
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ. Kim ngạch thương mại hai chiều 8 tháng đầu năm đạt gần 88 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa TPHCM và Hoa Kỳ đã phục hồi trở lại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 6.76 tỷ USD, trong đó: kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ đạt 5.06 tỷ, tăng 35.9% và kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 1.7 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Điều đáng nói là, riêng tại TP.HCM, ở giai đoạn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nói chung, thành phố nói riêng đều sụt giảm thì các ngành thuộc máy móc, thiết bị quang học, đo lường y tế; Máy xử lý dữ liệu tự động, mã hóa; các loại máy văn phòng, máy in; dụng cụ thiết bị cầm tay, khí nén thủy lực,… lại có con số tăng trưởng khá tốt.
Và như đã nêu ở trên, sự hiện diện và động thái liên tục thúc đẩy các cơ hội đầu tư của các “ông lớn” công nghệ là đòn bẩy cho nguồn vốn FDI phục hồi và phục hồi một cách có chọn lọc, chọn lọc bằng tiềm năng và tính dự phóng khá rộng, dài, bền vững.
Vấn đề quan trọng còn lại đó là Việt Nam phải sớm có chiến lược để cân bằng độ lệch pha giữa hai quốc gia trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn; tức Hoa Kỳ với lợi thế dẫn đầu về hoạt động nghiên cứu và thiết kế và bán dẫn, trong khi Việt Nam lại có lợi thế về lắp ráp và kiểm thử bán dẫn. Chúng ta cũng cần hoàn thiện khung pháp lý trong hợp tác – đầu tư công nghệ, liên kết mạnh mẽ hơn giữa các đại học Việt Nam với các cơ sở đào tạo nước ngoài về lĩnh vực bán dẫn để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao.
Và tất nhiên không thể thiếu quỹ đất sạch để đầu tư hạ tầng và nhất là một nguồn năng lượng điện dồi dào, ổn định để làm “lõi” cho sự vận hành, phát triển của công nghệ bán dẫn – một hướng phát triển tất yếu trong mối quan hệ hợp tác chiến lược, toàn diện mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là người mở ra cơ hội thực thi lịch sử.