Những công ty chứng khoán còn ít dư địa cho vay sau quý 3/2024
Trong bức tranh cho vay chứng khoán với số liệu tiếp tục lập kỷ lục, không ít công ty chứng khoán đang có dư địa cho vay còn lại ở mức thấp so với mặt bằng chung. Từ đó, tạo ra áp lực bổ sung thêm vốn trong thời gian tới.
Nhóm công ty chứng khoán còn dư địa thấp hơn mặt bằng chung
Theo thống kê, tổng mức cho vay margin và ứng trước từ 33 công ty chứng khoán (CTCK) cuối quý 3/2024 tiếp tục lập kỷ lục (209 ngàn tỷ đồng). Do tốc độ tăng trưởng dư nợ đã chậm lại so với quý trước (đạt 2.75%) trong khi nhiều CTCK đang liên tiếp triển khai tăng vốn, dư địa cho vay của các CTCK đã có sự cải thiện lên 52.5%.
Theo quy định, các CTCK không được phép cho vay ký quỹ quá 2 lần vốn chủ sở hữu
|
Dù vậy, với cuộc đua mở rộng dư nợ, dư địa cho vay còn lại của nhiều CTCK cũng đã xuống dưới mặt bằng chung và thậm chí gần hết khả năng cung cấp margin cho khách hàng.
Nổi bật nhất là CTCK Mirae Asset Vietnam (MAS) sau 3 quý liên tiếp mở rộng dư nợ cho vay lên gần 19,300 tỷ đồng đang có dư nợ từ cho vay và phải thu vượt trên 2 lần vốn chủ sở hữu.
Cùng với đó, một số CTCK có nguồn vốn từ Hàn Quốc như Shinhan, KIS cũng đang nằm trong nhóm có dư dịa thấp.
Đã có những CTCK dùng gần hết dư địa cho vay chứng khoán
|
Với nhóm CTCK trong nước, Chứng khoán HSC (HOSE: HCM) đã liên tục mở rộng thêm dư nợ cho vay sau khi hoàn tất đợt tăng vốn mới trong quý 2/2024. Tổng giá trị từ cho vay margin và ứng trước của HSC đang xấp xỉ các công ty lớn như SSI, MAS.
Theo tính toán, dư địa cho vay còn lại (tính trên 2 lần vốn chủ sở hữu) của HSC hiện chỉ còn khoảng 4%.
Một số CTCK hiện vẫn duy trì dư địa trên 10% như FTS, Kafi nhưng cũng đang chứng kiến đà thu hẹp nhanh chóng sau khi liên tục mở rộng dư nợ.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý tới những công ty còn tương đối dư dả về room cho vay như DNSE, TCBS. Hiện DNSE đã có liên tiếp 4 quý mở rộng quy mô cho vay, lên hơn 4,100 tỷ đồng.
Đã có những CTCK dùng gần hết dư địa cho vay chứng khoán
|
Trong khi đó, TCBS có tới 7 quý liên tiếp mở rộng dư nợ và tiếp tục là CTCK có quy mô cho vay chứng khoán lớn nhất thị trường với giá trị đạt hơn 1 tỷ USD.
Song hành với câu chuyện tăng vốn
Cùng với số liệu dư nợ cho vay liên tục lập kỷ lục, quy mô vốn của các CTCK cũng liên tục mở rộng. Tổng vốn chủ sở hữu của 33 CTCK đã tăng lên trên 220 ngàn tỷ đồng. Xu hướng sẽ còn tiếp diễn khi các CTCK vẫn đang rất quyết tâm triển khai thêm các đợt tăng vốn.
Đã có những CTCK dùng gần hết dư địa cho vay chứng khoán
|
Điển hình như HSC sau khi dùng gần hết dư địa cho vay trong quý 3/2024 đã thông báo triệu ĐHĐCĐ bất thường để xin ý kiến cổ đông về một đợt tăng vốn mới. Công ty dự kiến tổ chức họp trực tuyến vào chiều 04/12 với các nội dung chi tiêt chưa được công bố.
Còn Chứng khoán Vietcap (VCI) chuẩn bị chào bán riêng lẻ 143.63 triệu cổ phiếu, tương đương 25% lượng cổ phiếu đang lưu hành tại mức giá 28,000 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền dự kiến thu về từ đợt chào bán là 4,020 tỷ đồng trong đó hơn 3,500 tỷ đồng được phân bổ cho hoạt động cho vay margin.
VCI cũng để ngỏ kế hoạch phát hành cho các nhà đầu tư chiến lược đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Dù vậy, Công ty có thể chưa hoàn thành kịp trong năm nay do đang trong quá trình đàm phán.
Vốn chủ sở hữu của các CTCK cuối quý 3/2024
|
Trong khi đó, những CTCK có năng lực cho vay dồi dào như SSI, ACBS cũng không kém phần khẩn trương. Gần đây, Ngân hàng ACB (ACB) đã công bố nghị quyết tăng vốn cho ACBS từ 7,000 tỷ đồng lên 10,000 tỷ đồng. Đợt tăng vốn mới sẽ được thực hiện sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Được biết, Chứng khoán ACBS đã triển khai liên tiếp 2 đợt tăng vốn vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Cụ thể, Công ty đã tăng vốn từ 3,000 tỷ đồng lên 4,000 tỷ đồng trong quý 4/2023 và tiếp tục tăng lên 7,000 tỷ đồng trong quý 1/2024.
Còn SSI đang tăng vốn thông qua phát hành 302.22 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành 151.11 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá bán 15,000 đồng/cổ phiếu.
Quân Mai
FILI