Thành lập ngày 04/09/1998 trong một gara ôtô, Google đã trải qua 13 năm hoạt động tích cực không ngừng để vươn tới vị trí hiện nay – công ty công nghệ hàng đầu thế giới với giá trị vốn hóa hơn 100 tỷ USD.
Cách đây 13 năm, vào ngày 04/09/1998, 2 chàng sinh viên của trường Đại học Stanford (Mỹ) là Larry Page và Sergey Brin đã nộp đơn xin mở công ty Google (Google, Inc.) và đến ngày 07/09 năm đó, công ty Google được thành lập, đánh dấu sự ra đời của một gã tìm kiếm khổng lồ trên Internet sau này. Thật ra, ý tưởng tạo nên một công cụ tìm kiếm trên Internet đã được họ thực hiện từ năm 1996 với tên gọi là BackRub. Tên miền www.google.com được đăng ký vào ngày 15/09/1997 và đến năm 1998, công ty Google chính thức được thành lập trong một ga-ra xe hơi. Hiện nay, Google có trụ sở tại Moutain View, bang California (Mỹ), có hơn 24.000 nhân viên và giá trị thị trường đạt hơn 100 tỷ USD.
Giờ chúng ta hãy cùng nhau điểm ra những cột mốc lịch sử trong thời gian hoạt động của Google.
1996-1997: BackRub
Trước khi có tên Google, công cụ tìm kiếm này có tên là BackRub. Sau đó 2 nhà sáng lập quyết định đổi tên cho nó thành Google như hiện nay. Google là cách chơi chữ của từ “googol”, trong Toán học nó tương đương với con số 10100(con số 1 và 100 số 0 phía sau), hàm ý muốn nói sứ mệnh của nó là tạo ra số lượng thông tin khổng lồ trên mạng.
1998: Google có trang chủ đầu tiên của mình
Trang chủ Google xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1998. Trước đó, 2 nhà sáng lập nhận được tờ séc 100.000$ từ nhà đầu tư Andy Bechtolsheim gửi cho công ty Google, Inc., lúc đó vẫn chưa được thành lập. Tháng 09/1998, trụ sở đầu tiên của Google được xây dựng và đặt trong một ga-ra để xe của cô Susan Wojcicki ở Menlo Park, bang California. Sau đó họ gửi tờ séc vào ngân hàng và thuê nhân viên đầu tiên của mình, Craig Silverstein.
1999: Bổ sung chức năng “Uncle Sam”
Chức năng “Uncle Sam” cho phép người dùng tìm kiếm các văn bản tài liệu của chính phủ Mỹ lúc đó. Thời gian này cũng là lúc Google chuyển trụ sở đến Mountain View, bang California và thông báo tổng giá trị tài sản của công ty đã đạt 25 triệu USD, có được từ nguồn vốn của Sequoia Capital và Kleiner Perkins.
2000: Google trở thành nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm mặc định cho Yahoo!
Không những trở thành đối tác của Yahoo, Google còn cho biết họ đã tạo chỉ mục tìm kiếm đến 1 tỷ địa chỉ URL và trở thành bộ máy tìm kiếm lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, Google còn ra mắt dịch vụ Adword cho phép người dùng có thể mua từ khóa để đặt các quảng cáo trong kết quả tìm kiếm.
2001: Chức năng tìm kiếm hình ảnh ra đời
Chức năng tìm hình ảnh ra mắt vào tháng 07/2001 với cơ sở dữ liệu bao gồm 250 triệu hình ảnh. Cùng năm đó, Google mua lại công ty Deja Usenet và tiến hành lưu trữ các chỉ mục tìm kiếm của mình theo từng chủ đề riêng biệt, từ đó xây dựng nên dịch vụ Google Groups.
2002: Ra mắt phần cứng Google Search Appliance
Đầu năm 2002, Google giới thiệu sản phẩm phần cứng đầu tiên của mình là Google Search Appliance. Một loại thiết bị có thể gắn vào máy tính và cung cấp các chức năng tìm kiếm nâng cao để tìm các tài liệu bên trong máy. Tháng 05/2002, Google giới thiệu chức năng Labs để người dùng có thể thử nghiệm trước các phần mềm mà phòng Nghiên cứu và Phát triển của hãng đang phát triển. Cuối năm đó, Google tiếp tục cho ra mắt dịch vụ xem tin tứcGoogle Newsvới 4000 nguồn tin.
2003: AdSense
Google ra mắt chương trình quảng cáo hướng nội dung lớn nhất thế giới, sau này được đặt tên là AdSense sau khi hãng mua lại công ty Applied Semantics. Đầu năm 2003, Google còn mua lại Pyra Labs, cha đẻ của dịch vụ blog.
2004: Gmail
Google chính thức cho ra đời dịch vụ email mang tên Gmail vào đúng ngày Cá tháng Tư năm 2004, phiên bản thử nghiệm lúc đó đòi hỏi người dùng phải có thư mời mới có thể truy cập và sử dụng. Tháng Giêng năm đó, mạng xã hội Orkut cũng được ra đời. Tháng 8, Google phát hành cổ phiếu lần đầu tiên với 19.605.052 cổ phiếu loại A với giá 85$/CP.
2005: Google Maps
Google Maps ra đời vào tháng 02/2005 và có mặt trên iPhone vào năm 2007. Trang code.google.com cũng được ra mắt để cung cấp cho các lập trình viên bộ thư viện các tập lệnh, API phục vụ cho công việc phát triển phần mềm có liên quan đến Google. Hãng cũng tiến hành mua lại Urchin để có được dịch vụ tối ưu hóa nội dung, nhờ đó xây dựng nên dịch vụ Google Analytics và ra mắt nó vào năm kế tiếp. Tháng 06/2005, Google còn ra mắt dịch vụ bản đồ vệ tinh Google Earth. 10/2005, dịch vụ Google Reader ra đời với chức năng giúp người dùng đọc tin tức RSS.
2006: YouTube
Google mua lại toàn bộ cổ phiếu của YouTube vào tháng 10/2006 với giá 1,65 tỷ USD. Google cũng tiết lộ một công cụ mới có tên là Trends, giúp người dùng theo dõi các từ khóa phổ biến vào những thời điểm cụ thể. Trước đó, Google còn ra mắt dịch vụ chat trên nền Gmail là Gchat. Dịch vụ thanh toán mua hàng trực tuyến Google Checkout cũng được ra đời sau đó.
2007: Android
Tháng 11/2007, gã khổng lồ chính thức giới thiệu hệ điều hành Android và được hãng gọi là “nền tảng mở đầu tiên dành cho các thiết bị di động“.
2008: Google Chrome
Tháng 09/2008, Google giới thiệu trình duyệt web mã nguồn mở đầu tiên của mình, Chrome. Tuy nhiên, người dùng lúc đó không quá ngạc nhiên bởi trước đó một ngày, thông tin này đã bị rò rỉ. Cũng trong tháng đó, T-mobile giới thiệu chiếc điện thoại chạy hệ điều hành Android đầu tiên của Google mang tên G1. Cũng trong năm 2008, Google còn bổ sung tính năng gợi ý Google Suggest cho trang tìm kiếm của mình.
2009: Google Wave
Trước khi Google+ ra đời, nó từng có một người anh là Google Wave, một dịch vụ giao tiếp theo thời gian thực. Tuy nhiên sau đó hãng đã “khai tử” dịch vụ này. Năm này cũng là lúc Google ra mắt phần mềm quản lý ảnh nền Mac, Picasa.
2010: Google Apps Marketplace
Ra mắt cửa hàng ứng dụng trực tuyến Apps Marketplace, cho phép những nhà phát triển phần mềm có thể bán các ý tưởng của mình. Google còn cho ra mắt Google Buzz, một dịch vụ chia sẻ có nguồn gốc từ Gmail. Ngoài ra còn phải kể đến sản phẩm Google TV là thành quả hợp tác giữa Google, Intel, Sony và Logitech.
2011: Google+
Mạng xã hội Google+ xuất hiện vào tháng 06/2011 và cũng đòi phải có lời mời mới sử dụng được. Năm 2011 còn chứng kiến thương vụ mua lại đắt đỏ nhất của Google đó là mua lại mảng di động của Motorola với giá 12,5 tỷ USD.