Theo định nghĩa, thế hệ Baby Boomer là những người sinh trong giai đoạn từ 1950 – 1969. Thế hệ X (Generation X hay Gen X) là những người sinh từ 1970 – 1985. Thế hệ Y hay có tên gọi khác là Millennials là những người sinh từ năm 1980 đến 2000 (17 đến 37 tuổi). Nhóm này đang được quan tâm đến rất nhiều vì sẽ là thế hệ chủ chốt trong lực lượng toàn cầu (32% dân số thế giới và 35% dân số Việt Nam).
Đối tượng chính của các nhãn hàng tiêu dùng hướng đến
Khảo sát của Kantar Worldpanel cho biết giá trị đóng góp của thế hệ Millennials cho thị trường hàng tiêu dùng nhanh ở các quốc gia là tương đối lớn. Cụ thể, lượng khách hàng thuộc nhóm này ở Indonesia chiếm 34%, ở Thái Lan và Philippines là 27%, riêng ở Việt Nam là 36%.
Nielsen thì đưa ra khái niệm về người tiêu dùng kết nối với đối tượng là những người trẻ, có thời gian kết nối Internet nhiều, đến 24,7 giờ/tuần, mức chi tiêu cao. Đấy cũng chính là thế hệ Y, chiếm 35% dân số. Theo đó, Nielsen đã dự kiến lớp người này sẽ tăng hơn 70%, mang về con số chi tiêu gần 100 tỷ USD/năm sau 10 năm nữa.
Chính bởi vậy, ngay từ thời điểm hiện tại, nhiều nhãn hàng tiêu dùng đã tập trung sự chú ý vào nhóm khách hàng lứa tuổi từ 17 – 35 này. Trong đó, quan tâm đến nhu cầu, sở thích, trải nghiệm, lối sống, suy nghĩ,… của họ.
Thích khác biệt với lối sống tự do, phóng khoáng, làm chủ bản thân cũng chính là những thông điệp được nhiều nhãn hàng đưa ra trong thời gian gần đây để hướng tới thế hệ Y.
Sự khác biệt trên thị trường lao động
Navigos Search, sau khảo sát 3.150 người thuộc thế hệ Y tại Việt Nam nhận định họ là những người trẻ, có tham vọng phát triển sự nghiệp, tinh thần làm việc cao và cái nhìn tích cực về phát triển nghề nghiệp.
Theo đó, 2/3 người cho biết mong muốn khởi nghiệp trong 3 năm tới. Độ tuổi vàng để khởi nghiệp là từ 31 – 35 tuổi, với tỷ lệ lựa chọn lên đến 53%. Các lĩnh vực được chọn lựa khá đa dạng gồm bán lẻ, du lịch, thương mại điện tử và giáo dục.
Động lực khiến thế hệ này khởi nghiệp là mong muốn được trở nên giàu có với tỷ lệ 66%. Hai ham muốn khác, kế đó, cũng phần nào thể hiện được bản chất của thế hệ này: muốn được làm chủ (46%) và khẳng định thương hiệu cá nhân (44%).
Dù vậy, những người trẻ thường ít gắn bó với tổ chức. Điều này thực tế đang diễn ra phổ biến tại thị trường lao động Việt Nam. Theo Gallup, trong 1 năm, có 21% nhân viên Millennials chuyển việc, gấp 3 lần so với những thế hệ khác. Còn như khảo sát của Navigos thì cho thấy 69% ứng viên được hỏi có cân nhắc muốn chuyển việc. 70% ứng viên làm việc trung bình từ 4 năm trở xuống tại một công ty.
Tỷ lệ này phần nào thể hiện điểm yếu của thế hệ Y trên thị trường lao động. Cụ thể, theo công ty Anphabe phân tích, thế hệ này thường thiếu kiên nhẫn, muốn kết quả nhanh chóng nên hay chọn hướng tiếp cận “được ăn cả ngã về không”. Đi kèm với tâm lý đó, suy nghĩ của các Y generations thường ít tính đường dài, khi gặp khó khăn sẽ thiếu kiên định để trải nghiệp hoặc rút ra bài học cho những thử thách sau. Cạnh đó, việc thiếu kinh nghiệm thực tiễn khiến họ có những ý tưởng bay bổng, thiếu chiều sâu và tính khả thi. Bởi vậy, điều này đặt ra bài toán lớn trên thị trường lao động, nhất là khi thế hệ này được xem là thế hệ bản lề.
Theo bà Nguyễn Phương Mai, CEO Navigos Search, để quản trị tốt các nhân sự thế hệ Y, các chủ doanh nghiệp cần phải lưu ý về cách giao tiếp, làm thế nào để nhân viên cảm thấy mình được lắng nghe, thấu hiểu, cạnh đó, đảm bảo nhân viên nắm rõ được doanh nghiệp đang kỳ vọng gì.
“Đừng bao giờ để nhân viên bị dậm chân tại chỗ. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần lên lộ trình và mở ra cho nhân viên cơ hội học hỏi, trau dồi kỹ năng trong công việc”, bà Phương Mai nhấn mạnh.