Ngày nay, ở các khu vực đô thị, thành phố, nhà cửa cao tầng mọc lên san sát, những nhà ống trong ngõ hẻm không phải lúc nào cũng có điều kiện sống hài hòa với ánh sáng tự nhiên, khiến các gia đình có cảm giác tù túng, ảm đạm vì thiếu sáng, thiếu gió. Hãy cùng Báo điện tử Xây dựng tham khảo những giải pháp dưới đây để mang ánh sáng lung linh tự nhiên cho ngôi nhà.
Sử dụng gạch kính lấy sáng
Là loại vật liệu khá mới trên thị tường, gạch kính lấy sáng không chỉ đóng vai trò quan trọng vào việc lấy ánh sáng tự nhiên cho những không gian nhà ở mà còn được ưa chuộng bởi tính thẩm mỹ của nó. Gạch kính lấy sáng thường được dùng để tạo điểm nhấn cho không gian nội thất cũng như đi kèm với chức năng lấy sáng tự nhiên vào nhà đem lại nguồn sáng vừa đủ, hài hòa, không quá gay gắt.
Gạch kính lấy sáng là dòng sản phẩm được làm từ khối thủy tinh có đặc tính cách âm, cách nhiệt, chống thấm nước và trở thành một sản phẩm gạch trang trí tường thân thiện với môi trường. Gạch kính lấy sáng là một trong những giải pháp cho nhà thiếu ánh sáng thường được sử dụng tạo vách ngăn nhà tắm, vách ngăn văn phòng, tường phòng spa, các quán bar, cửa giúp lấy sáng tốt mà vẫn đảm bảo độ an toàn vật liệu, sang trọng, đẹp cho không gian.
Vật liệu này đảm bảo cho lớp ánh sáng có thể xuyên qua tường kính, khắc phục nhà thiếu sáng hiệu quả mà vẫn có được sự riêng tư nếu sử dụng các bức rèm.
Tạo giếng trời để lấy ánh sáng tự nhiên
Giếng trời là một giải pháp cho nhà thiếu ánh sáng, là yếu tố kiến trúc mang tính kỹ thuật nhằm lấy sáng và thông thoáng tự nhiên. Những mẫu nhà ống hay nhà phố cao tầng hiện nay hầu hết đều sử dụng khoảng giếng trời để khắc phục tình trạng thiếu ánh sáng.
Kích thước của khoảng giếng trời phụ thuộc vào diện tích mặt bằng cũng như kiến trúc ngôi nhà sao cho phù hợp với không gian nội thất. Thường thì giếng trời được bố trí ở giữa nhà kết hợp luôn với cầu thang để đỡ tốn diện tích hoặc ở phía cuối ngôi nhà ống.
Theo tiêu chuẩn xây dựng thì diện tích giếng trời phải chiếm 10% diện tích nhà ở. Ngoài ra tỷ lệ này còn tùy thuộc vào hình dạng ngôi nhà như chiều cao, chiều sâu, chiều rộng, điều quan trọng là cần tạo diện tích tương ứng cho lưu thông khí. Nếu nhà cao hay rộng mà làm giếng quá nhỏ thì sẽ không có tác dụng. Lưu ý sử dụng mái che giếng trời có độ bền cao và có thể dễ dàng lấy sáng từ mái nhà xuống, nên sử dụng mái kính cường lực hoặc mái kính trượt.
Phần chân giếng trời chúng ta có thể bố trí tiểu cảnh mang lại không gian xanh và vẻ đẹp thiên nhiên cho không gian nội thất. Có thể đặt chậu cảnh, hòn non bộ, gạch ốp lát bằng đá… từ đó không gian phòng khách trở nên vừa tươi sáng vừa sinh động hơn.
Sử dụng gạch bông gió
Trong thiết kế kiến trúc có nhiều loại gạch được ra đời như là một vị cứu tinh của không gian chật chội nhỏ hẹp và thiếu ánh sáng như các kiến trúc nhà phố cao tầng. Bên cạnh gạch kính lấy sáng thì gạch bông gió cũng là một trong số các giải pháp cho nhà thiếu ánh sáng và là vật liệu ngày nay rất được ưa chuộng bởi tính thẩm mỹ của nó. Các bức tường được bịt kín mít có thể thay bằng gạch bông gió họa tiết đơn giản để tránh sự nhàm chán, đơn điệu trong kiến trúc nội thất cũng như tăng sự sang trọng, mang đến ánh sáng lung linh tự nhiên cho ngôi nhà.
Với đặc điểm tạo nên các ô thông gió, ánh sáng sẽ xuyên qua các ô chiếu vào nhà tạo nên những “bông hoa nắng” cực kỳ sinh động cho không gian nội thất, nếu 3 mặt giáp công trình khác, chúng ta có thể sử dụng gạch bông gió để trang trí cho mặt tiền nhà thu hút ánh sáng. Nếu như muốn điều chỉnh ánh sáng, chúng ta có thể sử dụng rèm mỏng cho các không gian đó để trong nhà cảm thấy dễ chịu hơn vào những trưa hè.
Tuy nhiên, giải pháp cho nhà thiếu ánh sáng bằng gạch bông gió chỉ nên sử dụng cho một hoặc một số các mảng tường trong nhà hoặc sử dụng làm vách ngăn giữa các phòng chứ không nên xây cả ngôi nhà bằng loại gạch này vì nội thất sẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết như mưa gió. Đặc biệt là không gian phòng ngủ nếu bị bí bách thì nên sử dụng gạch bông gió để lấy sáng, lấy gió.
Thiết kế cửa sổ để lấy sáng
Cửa sổ là một trong những kiến trúc vô cùng quan trọng trong không gian sống và đặc biệt là nhà thiếu sáng. Vì vậy, nhà phố, cao tầng, trong ngõ hẻm hãy tận dụng các vị trí có thể mở được cửa sổ để lấy sáng. Nếu không thể mở được dạng cửa cánh mở, cửa đẩy ra ngoài hãy tận dụng dạng cửa kính chớp, cửa lùa để lấy sáng và gió. Hãy mở cửa sổ càng lớn càng tốt, nó sẽ giúp lấy sáng và gió để tạo sự thông thoáng cho không gian căn nhà.
Ngoài việc mở cửa sổ kích thước rộng lớn, bạn có thể tận dụng thiết kế kiến trúc nhà có nhiều cửa sổ ở bất cứ vị trí nào có thể lấy sáng và có thể trở thành điểm nhấn để trang trí. Có thể xây các ô cửa sổ gần sát nền nhà lúc này diện tích mở cửa sổ với bên ngoài cũng tăng lên, lấy sáng tốt hơn và thường thích hợp với không gian phòng khách, tạo điểm nhấn độc đáo cho nhà ở.
Nếu không thể mở cửa sổ ở các bức tường xung quanh, bạn có mở cửa sổ ngay phía trên trần nhà để lấy sáng cho không gian, vừa có ánh sáng tự nhiên, vừa tiết kiệm điện chiếu sáng. Hoặc dùng cửa kính trượt vừa không ảnh hưởng tới kết cấu phòng lại có ánh sáng tốt cho không gian, không lo tác động mưa gió và điều chỉnh ánh sáng bằng rèm, mành cửa.
Hạn chế tường ngăn
Với một số không gian nhà phố khó có thể mở cửa sổ, bạn có thể áp dụng phương án hạn chế các tường, vách ngăn hoặc có thể phá tường ngăn và sử dụng các vách ngăn di động, vách ngăn kính, kệ mở để giúp không gian liền mạch, rộng và sáng hơn.
Phối màu sơn nội thất hợp lý
Việc sử dụng màu sắc có tác dụng rất lớn trong việc tạo cho không gian sáng hơn đối với những không gian thiếu sáng. Vì vậy, nên tránh sử dụng màu trung tính, màu tối cho trần nhà. Màu trắng luôn là sự lựa chọn an toàn nhưng bạn cũng có thể lựa chọn những tông màu khác từ màu xanh lá cây đến màu vàng kim. Tuy nhiên, nếu bạn ngần ngại vì màu trắng sẽ mang đến cảm giác lạnh lẽo vào mùa đông thì bạn có thể chọn màu xanh da trời hay màu xanh dương nhạt giúp bạn có cảm giác tươi mới hơn. Hoặc bạn có thể kết hợp màu trắng của sơn tường với rèm cửa hay màu ga giường, các vật dụng nội thất… giúp cho không gian vừa sáng lại vừa ấn tượng.
Chọn gương bóng, sàn bóng
Không gian nhà thiếu sáng nên lắp đặt gương kính để tăng độ rộng cho nhà ở. Đồng thời, có thể thay đổi tông màu của sàn nhà bằng cách lựa chọn sàn gỗ hay gạch với các tông màu sáng, bóng sẽ giúp phản xạ ánh sáng tốt hơn. Hoặc có thể sử dụng gạch, sàn gỗ, sàn nhựa, các vật liệu như arcylic có bề mặt bóng cũng đem lại hiệu ứng tương tự như gương kính.
Sử dụng đèn chiếu hợp lý
Không gian nhà ở không thể thiếu đèn và đặc biệt là nhà thiếu ánh sáng sẽ cần đèn hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, việc lựa chọn và bố trí các loại đèn ở các vị trí không gian khác nhau sẽ thực sự mang lại hiệu quả lấy sáng khác biệt.
Nhà thiếu sáng nên tránh xa các loại đèn trần chùm cầu kỳ nó khiến căn nhà trở nên phức tạp và rối hơn, mất đi chiều cao cần thiết. Hãy thay thế đèn trần lớn bằng những loại đèn bóng nhỏ, hoặc đèn âm trần để giúp trần cao hơn, sáng hơn.