Hình ảnh kẻ sát nhân ẩn nấp trên các trang truyện luôn ám ảnh người đọc. Chân dung của những kẻ biến thái nhân cách đã trở thành tâm điểm của nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng.
Một trong những chức năng của văn học là mở rộng sự hiểu biết và khả năng đồng cảm của chúng ta về người khác. Những cuốn tiểu thuyết sau đây đưa độc giả trực tiếp tiến vào tâm trí của những nhân vật đầy sự tan vỡ, độc ác hoặc tâm thần. Tất cả đều có một điểm chung: đã giết người và sẽ giết nữa. Một số kẻ hối hận, trong khi những kẻ khác say sưa với việc phá vỡ điều cấm kỵ cuối cùng…
Dưới đây là chân dung tiêu biểu của những kẻ sát nhân rùng rợn nhất trong văn học thế giới.
Annie Wilkes – “Misery” – chiếc máy đánh chữ đẫm máu ở vùng núi tuyết của Stephen King
Anne Marie Wilkes, hay còn được biết đến với cái tên Annie Wilkes, là nhân vật phản diện chính trong tiểu thuyết Misery năm 1987 của Stephen King. New York Times nhận xét rằng đây là: “Một bức chân dung ngột ngạt, trong đó một nhà văn nổi tiếng đã bị một ả điên, người tự xưng là fan hâm mộ số một của anh đẩy đến bờ vực cuồng loạn bởi đau đớn, thuốc men, sự giam cầm. Một tác phẩm ám ảnh đến từng con chữ”.
Mở đầu câu chuyện, Annie Wilkes có vẻ là một người tốt bụng, chu đáo khi cứu tiểu thuyết gia nổi tiếng Paul Sheldon trong một vụ tai nạn ôtô kinh hoàng. Thế nhưng, cô bắt đầu bộc lộ bản chất thật của mình: một y tá bị mất trí nhớ, bệnh tâm thần và ám ảnh nặng. Annie có xu hướng tàn bạo giết chóc rõ rệt, không chỉ tra tấn Paul vì không vâng lời cô mà còn sát hại vô số trẻ sơ sinh và người già trong thời gian cô làm y tá.
Năm 1990, nữ diễn viên Kathy Bates giành tượng vàng Oscar Nữ chính xuất sắc nhất với vai diễn Annie Wilkes trong bộ phim điện ảnh chuyển thể cùng tên.
Mersault trong “Người xa lạ” của Albert Camus
Mersault là nhân vật đã truyền cảm hứng cho hàng nghìn nhà hiện sinh, là kẻ giết người vì Mặt Trời chiếu vào mắt anh ta. Trong tiểu thuyết Người xa lạ của Albert Camus, Meursault tách biệt khỏi thế giới xung quanh. Những sự kiện có thể rất quan trọng đối với hầu hết mọi người, chẳng hạn như lời cầu hôn hay cái chết của cha mẹ, không quan trọng đối với anh ta.
Khi thể hiện sự thờ ơ của mình, Meursault ngầm thách thức các tiêu chuẩn đạo đức được chấp nhận của xã hội, vốn quy định rằng con người phải đau buồn trước cái chết. Vì Meursault không đau buồn nên xã hội coi anh như một kẻ ngoài cuộc, một mối đe dọa, thậm chí là một con quái vật. Tại phiên tòa xét xử, việc Meursault không có phản ứng gì trước cái chết của mẹ mình đã làm tổn hại đến danh tiếng của anh ta nhiều hơn việc anh ta cướp đi mạng sống của người khác.
Raskolnikov – “Tội ác và hình phạt’”của Fyodor Dostoyevsky
Raskolnikov là nhân vật chính của tiểu thuyết Tội ác và hình phạt của Fyodor Dostoyevsky. Cái tên bắt nguồn từ “raskolnik” trong tiếng Nga, nghĩa là “chia rẽ”, điều này phù hợp vì đặc điểm tính cách cơ bản nhất của anh ta là sự xa lánh xã hội loài người.
Sự tự tôn và chủ nghĩa trí tuệ đã khiến Raskolnikov coi thường phần còn lại của nhân loại, tin rằng mình là một phần của tầng lớp “siêu nhân” ưu tú và do đó có thể vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức được chấp nhận vì những mục đích cao cả. Tuy nhiên, cảm giác tội lỗi dày vò sau khi hắn lạnh lùng lấy búa đập chết mụ cầm đồ Alyona Ivanovna giàu nứt đố đổ vách và em gái mụ cầm đồ Elizabet.
Quái vật trong “Frankenstein” của Mary Shelley
Con quái vật là sự sáng tạo của Victor Frankenstein, được lắp ráp từ các bộ phận cơ thể cũ và các chất hóa học kỳ lạ bằng một tia lửa bí ẩn. Nó bước vào cuộc sống với một cơ thể mạnh mẽ nhưng với tâm trí của đứa trẻ sơ sinh. Bị người sáng tạo bỏ rơi, nó gắng hòa nhập vào xã hội nhưng bị xa lánh. Để trả thù người tạo ra mình, con quái vật giết em trai, bạn thân nhất và vợ của Victor.
Con quái vật cũng không phải là một sinh vật hoàn toàn tàn ác, nó giúp đỡ một nhóm nông dân nghèo và cứu một cô gái khỏi chết đuối, nhưng vì bề ngoài của mình nên nó chỉ được thưởng bằng những trận đòn và sự ghê tởm. Bị giằng xé giữa sự trả thù và lòng trắc ẩn, con quái vật cuối cùng trở nên cô đơn và bị dày vò bởi sự hối hận.
Tom Ripley trong “Quý ngài Tài năng” của Patricia Highsmith
Hơn nửa thế kỷ trước, Patricia Highsmith đã giới thiệu đến độc giả một trong những nhân vật phản anh hùng ấn tượng nhất, Tom Ripley. Cuốn sách kể lại hành trình của Tom từ một thanh niên hiền lành, rụt rè trở thành kẻ giết người tâm thần, lạnh lùng. Câu hỏi đặt ra cho người đọc sau khi khép lại câu chuyện là: ta nên chấp nhận một cuộc sống tầm thường hay đánh đổi bản thân để có cuộc sống đáng mơ ước?
Cuốn sách từng được chuyển thể thành phim, ra mắt năm 1999, đem về 5 đề cử giải Oscar và nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim danh giá.
Anton Chigurh – “Không chốn nương thân” của Cormac McCarthy
Chigurh là nhân vật phản diện trong tiểu thuyết Không chốn nương thân của Cormac McCarthy. Là một sát thủ tàn nhẫn, Chigurh không hề tỏ ra đồng cảm với nạn nhân của mình hay bất kỳ sự do dự nào khi giết người. Hành vi của Chigurh cho thấy anh ta là người mạnh mẽ, kiên quyết, giữ lời và gần như thờ ơ với nỗi đau thể xác.
Nếu hắn định giết ai đó thì đó là lỗi của chính người đó và Chigurh không thể làm gì để thay đổi số phận của họ. Chigurh thực sự là một con người đáng sợ và bí ẩn. Người đọc không bao giờ biết chắc bằng cách nào hắn biết được số tiền bị mất, Chigurh đến từ đâu hoặc điều gì xảy ra sau khi hắn thoát khỏi vụ tai nạn xe tải.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.