Những khoản chi bất thường của FTX dưới thời SBF

Sam Bankman-Fried (SBF), nhà sáng lập FTX, và nhân viên đã phung phí hàng triệu USD của người dùng vào phim hoạt hình, sách hay ngôi nhà dứa.

Ngày 26/6, CEO John Ray, người đang phụ trách tái cấu trúc sàn tiền số FTX, chỉ ra nhiều khoản chi tiêu kỳ lạ của cựu CEO Sam Bankman-Fried (SBF). Ông Ray cáo buộc SBF ném hàng triệu USD của người dùng vào những dự án không liên quan gì đến tiền điện tử hoặc Web3.

Theo báo cáo, nhà sáng lập FTX trao 400.000 USD cho một tài khoản YouTube chuyên đăng những video hoạt hình có nội dung ủng hộ chủ nghĩa duy lý. Một khoản tài trợ 300.000 USD khác được SBF gửi cho một người để viết sách với chủ đề hiểu về con người.

John Ray cho biết toàn bộ số tiền này đều là tiền của khách hàng gửi vào FTX. Nó được luân chuyển qua các tài khoản ngân hàng do FTX, quỹ đầu tư Alameda và nhiều tổ chức do SBF kiểm soát.

Ban lãnh đạo FTX cũng chi 1,8 triệu USD để mua bất động sản có tên “ngôi nhà dứa”. Đây là một trong nhiều danh mục đầu tư bất động sản với tổng trị giá 243 triệu USD của công ty ở Bahamian. Sàn này cũng đầu tư 20 triệu USD cho tổ chức phi lợi nhuận Guarding Against Pandemics, do em trai SBF điều hành, nhằm chống dịch Covid-19.

Các báo cáo xác nhận tài sản trên đều được mua bằng tiền của khách hàng.

Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập sàn giao dịch FTX. Ảnh: Coindesk

Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập sàn giao dịch FTX. Ảnh: Coindesk

Bloomberg dẫn các báo cáo cho biết FTX hiện đã thu hồi được 7 tỷ USD. Tuy nhiên, sàn vẫn đang nợ khách hàng khoảng 8,7 tỷ USD.

CEO John Ray nói hình ảnh mà đội ngũ lãnh đạo cũ của FTX cố gắng trưng ra trước công chúng chỉ là một bức tranh huyễn hoặc. “Tiền gửi của khách hàng đã bị lạm dụng bởi cựu CEO SBF và các lãnh đạo khác. Họ cố tình làm nhiễu nhiều khoản tiền của khách hàng, che giấu hoạt động với sự hỗ trợ của những luật sư cao cấp”, Ray nói. Do đó, các chuyên gia kiểm toán, phân tích tài sản trên chuỗi khối và nhiều tài năng trong lĩnh vực đã cố gắng theo dõi dòng tiền của FTX nhưng vẫn bị qua mặt.

Trước đó vào tháng 11/2022, CNBC dẫn lời luật sư của FTX: “Chiếu theo luật phá sản của Mỹ, sàn giao dịch tiền số FTX đang có hơn một triệu chủ nợ”. Đến cuối tháng 3, khách hàng của FTX ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới đồng loạt nhận được mail xác nhận số dư tài sản trước khi sàn phá sản và sẽ hoàn tiền sau khi thu hồi được công nợ.

Ngày 11/11/2022, FTX tuyên bố phá sản sau những báo cáo về lỗ hổng tài chính được công bố. Trước khi sụp đổ, FTX từng được định giá 32 tỷ USD, là sàn tiền số lớn thứ ba thế giới và có hơn một triệu người dùng. Sam Bankman-Fried hiện đối mặt 8 tội danh, chủ yếu liên quan đến gian lận và các âm mưu tài chính, với mức án cao nhất là tù chung thân. Ông hiện được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 250 triệu USD.

Con đường sụp đổ của đế chế FTX

Khương Nha (theo CoinTelegraph, Bloomberg)

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin