Những lưu ý khi tới Mù Cang Chải mùa vàng 2024

Yên BáiDu khách lên Mù Cang Chải mùa lúa năm nay có nhiều lựa chọn về chỗ ở, trải nghiệm do ít khách nhưng cần lựa chọn phương tiện phù hợp khi vào điểm ngắm lúa.

Mù Cang Chải đang vào mùa lúa chín, thời tiết thuận lợi, dịch vụ đầy đủ và khách du lịch lên ngắm lúa vàng ít hơn mọi năm.

Theo Giàng A Chay, hướng dẫn viên ở Mù Cang Chải, từ 15/9 bắt đầu có khách tham quan, check in ở huyện sau một tuần gián đoạn vì ảnh hưởng của bão Yagi. Tại đồi Móng Ngựa và Mâm Xôi, trong tuần qua du khách là những nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước đến săn ảnh mùa vàng. Cuối tuần, khách đông hơn, chủ yếu di chuyển từ Hà Nội và các tỉnh phía bắc.

“Một trong những lợi thế thời điểm này so với mọi năm là vắng vẻ hơn, nên có thể dễ sáng tác được nhiều bức ảnh đẹp”, anh Giàng nói.

Đồi Mâm Xôi, Mù Cang Chải, ngày 22/9. Ảnh: Giàng A Chay

Đồi Mâm Xôi, Mù Cang Chải, ngày 22/9. Ảnh: Giàng A Chay

Mù Cang Chải mưa hai ngày cuối tuần. “Mưa buổi tối, ban ngày nắng nên không ảnh hưởng đến chuyến tham quan”, A Chay nói và cho biết một vài đường vào điểm ngắm lúa là đường đất, trơn trượt, di chuyển khó.

Theo Nguyên Trang, du khách từ Hà Nội, đi Mù Cang Chải cuối tuần (20-22/9), thời tiết điểm đến nắng mưa đan xen. Do mưa hôm trước nên hôm sau di chuyển đến các điểm tham quan sẽ khá khó khăn, đường đất lầy lội.

“Có vài điểm sạt lở nhỏ, không đáng kể, một số đoạn di chuyển chậm và khó khăn hơn”, chị Trang cho hay.

Trên diễn đàn về du lịch Mù Cang Chải những người làm du lịch tư vấn khách “giữ lịch trình như cũ”, nên đi 3-4 ngày và “đi với tinh thần thoải mái” vì có thể một vài điểm khó di chuyển sẽ khiến trải nghiệm không được trọn vẹn. Các du khách miền Bắc, có thể không cần vội khởi hành, cơ hội ngắm mùa lúa chín vẫn còn trong một tuần hoặc 10 ngày tới.

Dịch vụ bay dù lượn

Sự kiện “Bay trên miền danh thắng – Mùa vàng 2024” kéo dài từ đầu tháng 9 đến hết tháng 10. Điểm xuất phát dù lượn là đỉnh đèo Khau Phạ – một trong tứ đại đỉnh đèo ở miền Bắc, nằm ở độ cao khoảng 1.200 m so với mực nước biển, nhìn xuống thung lũng Lìm Mông. Thời gian: 9h đến 16h hàng ngày.

Giá bay dù: 2.190.000 đồng một khách (ngày thường) và 2.590.000 đồng một khách (cuối tuần).

Du khách sẽ bay với một phi công dù lượn chuyên nghiệp. Thời gian bay 10-25 phút tuỳ thuộc vào điều kiện gió và thời tiết. Vào những ngày mây mù hoặc thời tiết không đảm bảo, dịch vụ bay dù lượn sẽ không hoạt động.

Lưu trú

Qũy phòng ở Mù Cang Chải số lượng lớn và còn trống nhiều do lượng khách giảm. Du khách có thể dễ dàng tìm được chỗ ở tại các homestay, nhà nghỉ với giá từ 300.000 đồng đến khoảng 1,5 triệu đồng một đêm; khu resort có giá từ 3 triệu đồng một đêm.

Một số gợi ý: Sống Khủng Long Homestay, Pu Nhu Homstay, Mu Cang Chai Ecolodge, Ngoc Chien Pearl, Mu Cang Chai Ecohome…

Một góc ruộng bậc thang Mù Cang Chải ngày 21/4 nhìn từ homestay Sống Lưng Khủng Long. Ảnh: Homestay cung cấp

Một góc ruộng bậc thang Mù Cang Chải ngày 21/9 nhìn từ homestay Sống Lưng Khủng Long. Ảnh: Homestay cung cấp

Di chuyển

Có nhiều hình thức đi lại tại Mù Cang Chải. Du khách tự lái xe ôtô tới gần các điểm tham quan, sau đó thuê xe ôm từng chặng. Du khách cũng có thể thuê xe ôm địa phương trọn gói theo ngày đến những điểm tham quan phổ biến. Hình thức thuê xe máy tự lái được khuyên dành cho những khách đã có kinh nghiệm, tay lái vững.

Xe ôm đến các điểm trọn gói theo ngày khoảng 500.000 đến 600.000 đồng một người. Du khách có thể trả giá, tùy trường hợp. Ngoài ra, giá trung bình mỗi lượt đi và về với từng điểm gồm đồi Móng Ngựa, đồi Mâm Xôi, sống khủng long, rừng trúc từ 100.000 đến 150.000 đồng.

Du khách mang theo tiền mặt để trả cho xe ôm chở đến các điểm ngắm lúa. Một số người không nhận chuyển khoản.

Giá vé vào một số điểm tham quan kể trên dao động từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng.

Di chuyển từ Hà Nội lên Mù Cang Chải, ngoài xe cá nhân, du khách có thể chọn các tuyến xe khách, khởi hành từ Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội). Thời gian di chuyển tới Mù Cang Chải khoảng 8 tiếng.

Tâm Anh

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin