Đám cưới Hàn thường chỉ tổ chức tại nhà cô dâu. Từ 7 tuổi trở lên, nam nữ không được phép ngồi cùng bàn ăn. Những đám cưới bình dân trị giá hàng tỷ đồng. Bởi vậy mới nói, dù là một đất nước Châu Á nhưng Hàn Quốc vẫn có những phong tục cưới hỏi khác hẳn với Việt Nam.
Quan niệm “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” dần bị xóa bỏ
Từ xưa đến nay, phần lớn các nước Châu Á đều có quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Văn hóa này không ngoại lệ với Hàn Quốc, đặc biệt là thời Choson. Phần lớn các công tử quyền quý thời đó đều kết hôn từ năm mười hai tuổi. Nữ thường lớn hơn nam một đến hai tuổi. Độ tuổi vừa vặn để kết hôn của nữ dao động từ 14-16 tuổi, nam từ 12-14 tuổi. Những chàng trai xuất thân nghèo hèn hoặc không gia thế thường kết hôn muộn hơn. Tuy nhiên, tất cả đều không có quyền chọn lựa người bạn đời cho mình. Thậm chí, lễ cưới chính là ngày đầu tiên cả hai gặp nhau.
Việc sắp đặt trong chuyện cưới xin này dường như đã là một điều an bài từ trước. Bởi từ năm 7 tuổi trở lên, nam nữ không được ngồi cùng bàn ăn. Điều này khiến cho tình yêu đôi lứa có rất ít cơ hội nảy nở và nếu có tồn tại một tình cảm lãng mạn nào đó thì tình cảm này cũng không được phép thể hiện ra. Trong một xã hội Nho giáo, khả năng kiềm chế cảm xúc được coi là một biểu hiện của việc được nuôi dưỡng và giáo dục tốt.
Thời nay, xã hội Hàn Quốc đã tiến bộ với nhà cửa cao tầng và nhiều nền văn minh từ khắp thế giới đến du nhập. Độ tuổi kết hôn trung bình của người Hàn đã thay đổi. Họ lập gia đình khá muộn so với người Việt: nam 28,6 tuổi và nữ 25,7 tuổi. Năm 2017, thì độ tuổi kết hôn của người Hàn Quốc ngày càng tăng lên là: nam 31,1 tuổi và nữ 28,1 tuổi.
Quan niệm “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” vẫn còn tồn tại trong những gia đình bảo thủ và phong kiến. Ngoài ra, phần lớn “nhân vật chính” trong các lễ kết hôn đến với nhau bằng hai cách: yonea và chungmae.
Yonea được hiểu là mối quan hệ yêu đương lành mạnh và đặt cảm xúc của con người lên hàng đầu. Hai người gặp nhau, tán tỉnh, hò hẹn và đến với nhau một cách tự nguyện. Chungmae nghĩa là “mối lái”, hiểu nôm na là “xem mặt”. Hai người nam nữ hoặc không có thời gian dành cho tình yêu tuổi trẻ, hoặc chưa tìm ra ý chung nhân, sẽ được những người quen (hầu hết là bố mẹ và người thân, họ hàng) giới thiệu cho một buổi gặp mặt. Nếu cảm thấy có tình ý, cả hai sẽ tiến đến hôn nhân.
Trong các bộ phim Hàn Quốc thời hiện đại, ta có thể thấy rõ hai cách thức đến với nhau này của các cặp vợ chồng. Phần lớn mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ có tư tưởng tiến bộ và quan niệm tin vào một tình yêu sét đánh, vẫn “sùng bái” yonea (kết hôn vì yêu) hơn cả.
Hôn lễ Hàn Quốc theo phong cách Choson
Như các nước châu Á khác, Hàn Quốc sở hữu một hệ thống các phong tục trước và sau khi cử hành hôn lễ rất phức tạp và đầy tính nghi lễ. Theo quan niệm của nhiều người, nếu bất cứ cặp vợ chồng nào không làm đủ các bước cưới hỏi theo truyền thống, họ sẽ khó có được hạnh phúc. Các nghi lễ dài dòng cho thấy, xứ sở kim chi là một đất nước có nền văn hóa phong phú và ưa chuộng hạnh phúc bền lâu.
Lễ cưới thời Choson có tên là Taerye, được tiến hành theo 5 bước bài bản. Đầu tiên, nhà trai sắm sửa và mang lễ vật để đặt vấn đề hỏi cưới với nhà gái. Nếu được chấp nhận, cả hai gia đình cùng chọn ngày lành tháng tốt để gặp nhau bàn chuyện hôn nhân. Sau đó, nhà trai thông qua bà mối hỏi nhà gái ấn định ngày cử hành hôn lễ. Tiếp đến, nhà trai mang sính lễ tới nhà gái. Cuối cùng, chú rể tới nhà gái đón cô dâu về làm vợ.
Trước lễ cưới ít ngày, gia đình nhà trai thường gửi một cái hộp đựng quà tặng hay còn gọi là yemul cho cô dâu. Những quà tặng này thông thường là những thước vải đỏ và xanh để may y phục truyền thống cùng đồ trang sức. Trước đây, chiếc hộp này thường do một người hầu cầm đến, nhưng ngày nay người đảm nhận công việc đó thường là bạn bè của cô dâu, chú rể.
Chiếc hộp này được giao cho cô dâu vào ban đêm và khi đến gần nhà cô dâu thì người mang quà, với bộ mặt vui vẻ cười nói, có thể kêu to “Mua hộp đi! Hộp để bán đây!”. Chiếc hộp đó sẽ chỉ đưa cho bố mẹ cô dâu khi nào người mang hộp được tặng đồ ăn, rượu và nhận được một khoản tiền. Khi nhận tiền, người đó sẽ đưa chiếc hộp cho mẹ cô dâu. Để trả công, người mang hộp được mời ăn một bữa thịnh soạn, trong lúc đó, mẹ cô dâu mở hộp ra và kiểm tra những thứ bên trong.
Không giống với Việt Nam, lễ cưới truyền thống Hàn Quốc thường chỉ được tổ chức ở nhà cô dâu, ở phòng ngoài hoặc ở trong sân. Buổi lễ bắt đầu bằng việc cô dâu và chú rể cúi chào nhau và làm lễ giao bôi. Họ đứng đối diện nhau trước bàn cưới. Trong suốt lễ giao bôi, cô dâu thường được một người hầu gái lớn tuổi hoặc một hay hai người phụ nữ thông thạo về thủ tục cưới xin giúp đỡ.
Khi chú rể đến nhà cô dâu, đại lễ chưa được tiến hành và chú rể cũng chưa được vào nhà cô dâu ngay. Trước tiên, chú rể phải nghỉ tạm tại một ngôi nhà hàng xóm ở gần nhà cô dâu. Chờ đến giờ tốt, chú rể phải sửa soạn lại trang phục cho chỉnh tề: đầu đội khăn sa, mình mặc lễ phục, lưng buộc dải đai bước vào sân nhà cô dâu.
Trong sân, nhà gái đã trải sẵn một chiếc chiếu trên đó có đặt bàn thờ. Những lễ vật để thờ cúng như một đôi gà sống, hai đài nến, hai vò rượu, xôi, bánh trứng, táo đã được bày biện tươm tất. Chú rể mang theo một con chim nhạn có màu sắc sặc sỡ tiến lên trước bàn thờ và đặt con nhạn lên đó, sau đó quỳ vái. Nghi lễ này ý chỉ chúc phúc cho chú rể và cô dâu cùng yêu thương, kính trọng nhau và không bao giờ chia lìa giống như những con chim nhạn. Sau đó, cô dâu chú rể vái nhau, trao chén và nhập tiệc mừng.
Đám cưới thời nay: Các lễ nghi được giản lược bớt
Tuy nhiên, ở thế kỷ 21, người ta càng ngày càng thấy vắng bóng những lễ cưới truyền thống theo nghi lễ Hàn Quốc. Bạn bè của cô dâu chú rể cũng không gói gọn trong gia đình, họ hàng và bạn học nữa mà còn có đồng nghiệp, người quen. Chính vì vậy, đám cưới tại Hàn – dù vẫn duy trì phần nào phong tục xưa – nhưng đã đổi mới nhiều về cả hình thức lẫn nội dung.
Trong bộ phim “Những nàng công chúa nổi tiếng”, mẹ của bốn cô con gái đã phải thuê địa điểm tổ chức và sắm của hồi môn cho lần lượt từng “nàng công chúa”. Thời nay, nhà gái phụ trách thuê địa điểm tại nơi tổ chức tiệc cưới với ánh đèn lung linh và những kệ hoa trang trí khéo léo theo phong cách phương Tây.
Khi người chủ trì hôn lễ (thường là bạn của cô dâu hoặc chú rể) ra hiệu, tiếng nhạc ngân lên, ánh đèn rực sáng và cánh cửa mở ra, cô dâu sẽ được bố mình dắt vào lễ đường. Bố cô dâu sẽ “giao” con gái mình cho chàng rể mình tin tưởng sau nhiều năm dưỡng dục con gái trong không khí nghẹn ngào ở lễ đường. Chú rể – trong trang phục comple lịch lãm và bảnh bao – sẽ đưa tay ra đón cô dâu xinh đẹp. Cả hai sẽ trao nhau những cái gật đầu và lời hẹn ước trăm năm.
Sau hôn lễ, rất nhiều cặp đôi đã kịp xin nghỉ phép để tận hưởng tuần trăng mật ngay vài ngày đến 1-2 tuần. Địa điểm lý tưởng cho đêm đầu tiên của họ là hòn đảo xinh đẹp nổi tiếng Jeju (Hàn Quốc). Sau kỳ nghỉ trăng mật, cả hai sẽ về nhà gái trước để làm lễ với những người lớn tuổi và nhận lời chúc từ họ. Đám cưới kết thúc bằng việc cả hai trở về nhà chú rể.
Chi phí cưới xin ở Hàn Quốc vô cùng tốn kém
Cũng không phải tự nhiên mà các chàng trai có xuất thân nghèo hèn ở thời Choson lại phải chịu “chậm chân” trong chuyện kết hôn so với các công tử quyền quý. Lý do là bởi để cưới một nàng dâu xinh đẹp, nhiều công tử đã phải chi rất nhiều tiền cho sính lễ. Ở thời nay, nếu chịu để ý các bộ phim Hàn Quốc, bạn cũng sẽ thấy vấn đề tiền nong cho lễ kết hôn không phải là chuyện nhỏ.
Ở Việt Nam, tục “thách cưới” chỉ là nghi thức, số tiền thách cũng chỉ dao động từ 5-10 triệu cho những gia đình nông thôn và 20-40 triệu cho những gia đình thành phố. Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, số tiền mua sính lễ và chuẩn bị cuộc sống mới của tân lang và tân nương có thể ngốn đến hàng chục triệu won.
Theo số liệu của chính phủ Hàn Quốc, chi phí trung bình cho một đám cưới vào năm 2011 tăng khoảng 270% so với năm 1999, trong khi lạm phát cùng giai đoạn này tăng 45,5%. Tổng chi vượt xa thu nhập bình quân hàng năm hộ gia đình (48,3 triệu won, tương đương gần một tỷ đồng).
Một người phụ nữ 27 tuổi, làm việc trong ngành tài chính, giống nhiều người được phỏng vấn khác yêu cầu dấu danh tính, nói rằng cha mẹ cô đã trả gần 90% trong số 144 triệu won (gần 2 tỷ 800 triệu đồng) chi phí đám cưới. Cô nói: “Chúng tôi phải dùng tiền của cha mẹ mình, khoản tiền từ tiết kiệm nghỉ hưu của họ”.
Điều này có lẽ xuất phát từ bản tính lo lắng trước cho tương lai quá nhiều của người Châu Á. Bởi theo nhiều nguồn tin cho hay, giá của một cuộc hôn nhân tăng vọt trong những năm gần đây là bởi giá nhà tăng cao đột biến. Người dân Hàn Quốc không chỉ muốn dừng lại ở một cuộc hôn nhân “một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Họ muốn có nhà cửa và “của để” cho con cháu đời sau.