Những ngày đẹp trời của chính sách tỷ giá

Dễ thấy, một vài “ngày mưa gió”, nó tạm nghỉ hoặc lùi một chút, còn lại là cứ đều đều bước…

Suốt đầu năm đến nay, một số trang tin kinh tế thu hút sự chú ý của bạn đọc với những tiêu đề đại ý, tỷ giá trung tâm tăng kỷ lục, hoặc lên mức kỷ lục, nhưng riết rồi chuyện này cũng nhàm.

Ra đời từ đầu 2016, đến nay, cơ chế và tỷ giá trung tâm mới được hơn một tuổi. Và từ đầu năm đến nay, nó cứ tăng đều đều, nên hầu như tuần nào nó cũng tạo kỷ lục.

Đều đều, tỷ giá trung tâm giữa VND với USD cứ bước vậy, bên cạnh tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại khá ổn định. Đến ngày 9/5, nó đã tăng 0,92% so với đầu năm một cách khá “nuột”.

Đều đều, vì chính sách điều hành tỷ giá đang tranh thủ những “ngày đẹp trời”, thị trường ngoại hối và tỷ giá giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng, cả tỷ giá trên thị trường tự do không mấy biến động.

Dễ thấy, một vài “ngày mưa gió”, nó tạm nghỉ hoặc lùi một chút, còn lại là cứ đều đều bước.

Vì sao vậy? VnEconomy tham vấn một số chuyên gia về tỷ giá. Có những góc nhìn và dự báo khác nhau về cơ sở và các khía cạnh, nhưng cùng chung một nhận định: chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đang chủ động đi đến một mục tiêu đã định, thậm chí mục tiêu đó có thể lượng hóa.

Một chuyên gia chỉ nói ngắn gọn với VnEconomy rằng, ngay từ đầu năm ông đã đề cập đến sự đều đều theo mục tiêu này, và với yêu cầu kiểm soát lạm phát năm nay khoảng 4%, với diễn biến tỷ giá trung tâm thời gian qua thì có thể “đoán” nó sẽ tăng rải đều đến 3-3,5%.

Còn theo góc nhìn của TS. Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn kinh tế Việt Nam, sự đều đều này có ít nhất bốn lý do liên quan.

Thứ nhất, nửa cuối 2016 (từ tháng 5-10), các sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ rồi đến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra lộ trình dự kiến tăng lãi suất cơ bản, tỷ giá USD/VND biến động khá mạnh. Ngân hàng Nhà nước bán ra can thiệp, cùng các công cụ khác để hóa giải. Chung cuộc, tỷ giá 2016 ổn định.

Tuy nhiên, TS. Quang Anh cho rằng, một phần áp lực từ biến động cuối 2016 vẫn chưa được giải phóng hết, và nó chuyển tiếp sang 2017, tỷ giá trung tâm tăng lên được xem như một cách giải phóng áp lực lưu cữu lại đó.

Thứ hai, như diễn giải trên, Ngân hàng Nhà nước đã thấy trước con đường, chủ động định trước đoạn đường, rồi tranh thủ những ngày đẹp trời khô ráo mà đều đều đi.

Con đường đó gần như “cùng mặt bằng” với con đường trên thị trường thế giới. FED đã dự kiến sẽ tăng lãi suất 2-3 lần trong năm nay, tiếp tục tăng thêm khoảng 3 lần nữa trong 2018. Dự kiến là những bước nhỏ, cũng đều đều như dáng đi của tỷ giá trung tâm USD/VND mà Ngân hàng Nhà nước đang giữ tay ga.

Mối liên hệ ở đây được TS. Trịnh Quang Anh phân tích: FED bước trên lộ trình tăng lãi suất, các lãi suất khác như Libor, Sibor, lợi suất trái phiếu quốc tế … cũng tăng theo. Với Việt Nam còn phải làm nhẹ nguy cơ vốn ngoại đảo chiều.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đang đều tay ga tỷ giá trung tâm để cân đối mối liên hệ đó, một cách chủ động.

Thứ ba, có thể xem đường đi của chính sách tỷ giá từ đầu năm đến nay là một cách nối dây cho diều.

Con diều tỷ giá USD/VND đang khá ổn định, trời gió nhẹ. Nhưng không vì thế mà chủ quan sợi dây đang gắn với nó đã đủ dùng hoặc đã phù hợp. Trời nổi gió, thậm chí bão thì sao? Khi đó cần chủ động trước một sợi dây dài hơn, phòng tình huống căng dây hiện có mà đứt. Với thị trường, đứt là xáo trộn.

Thế nên, cứ mỗi bước đi lên của tỷ giá trung tâm, mức trần theo biên độ 3% lại cao hơn. Như đến ngày 9/5, nó đã ở tầm 23.035 VND. So với tỷ giá bán của các ngân hàng khoảng 22.760 – 22.770 VND, sợi dây nối từ đầu năm đến nay đã dài đáng kể.

Vì, các thành viên thị trường sẽ phải tính toán chi phí và rủi ro biến động, để có với được đến tầm tăng khoảng 300 VND (đã nối đến thời điểm hiện nay) hay không. Hay nói cách khác, áp lực và sức gió thị trường trước khi có thể làm đứt sợi dây đang nối, thì cần phải thổi được diều lên tầm đó đã.

Mà nếu gió không đẩy được lên tầm đó, khi hụt sức đi, tỷ giá giảm thì Ngân hàng Nhà nước lại có điều kiện để mua vào gia tăng dự trữ ngoại hối, qua xem xét nâng giá mua vào.

Cũng đáng chú ý, sau đợt bình ổn đầu năm, gần đây Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã có thay đổi: giá bán ra USD thay vì thấp hơn trần 50 VND thì đã co lại chỉ thấp hơn trần 20 VND.

Nó cũng là một thông điệp: nếu thành viên nào trong hệ thống “làm trò” với tỷ giá và cần bán ra hỗ trợ, thì chi phí sẽ không dễ chịu như trước và anh có dám chấp nhận chi phí đó hay không.

Vậy nên, theo TS. Trịnh Quang Anh, cặp tỷ giá mua vào – bán ra của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước mới là tỷ giá có hiệu lực nhất đối với thị trường.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin