Những quy định bắt buộc đối với tiếp viên hàng không

Tiếp viên hàng không được coi là bộ mặt của hãng hàng không, là những người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Bởi vậy, các tiếp viên phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về trang phục, ngoại hình và tác phong khi làm việc.

TIN MỚI

Quy định chung về đồng hồ

Tất cả phi hành đoàn (bao gồm tiếp viên hàng không và phi công) đều phải đeo đồng hồ phù hợp với những quy định về kích thước và thiết kế.

Việc đeo đồng hồ không chỉ để phi hành đoàn đến đúng giờ mà còn được sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp về y tế, báo cáo tai nạn và báo cáo chuyến bay nếu có sự cố xảy ra.

Không được đến muộn

Thời gian bay được thực hiện rất nghiêm ngặt và sự chậm trễ của phi hành đoàn sẽ khiến hãng tốn rất nhiều tiền. Máy bay sẽ di chuyển đúng lịch và sẽ không đợi một thành viên phi hành đoàn đến muộn.

Nếu một thành viên không tham gia cuộc họp giao ban trước chuyến bay thì ngay lập tức quản lý đội bay sẽ lựa chọn một thành viên thay thế khác trong những người đang ở chế độ chờ.

Việc các tiếp viên hoặc phi công đến muộn là điều mà các hãng không thể chấp nhận được. Nếu phi hành đoàn đến trễ hơn ba lần, có thể bị hãng hàng không cho thôi việc.

Hạn chế trang sức

Các hãng hàng không đều đưa ra quy định chung về hạn chế đồ trang sức trên người tiếp viên hàng không. Bởi phụ kiện quá to có thể làm cản trở các tiếp viên sử dụng một số thiết bị trên máy bay, ảnh hưởng đến sự an toàn của chuyến bay.

Các tiếp viên chỉ được phép đeo một chiếc nhẫn và một bộ hoa tai (thường là đinh tán kiểu ngọc trai hoặc kim cương). Không được phép đeo vòng tay, dây chuyền hoặc bất kỳ đồ trang sức nào khác.

Ngoài ra, màu sắc phụ kiện cũng không được đối chọi với đồng phục tiếp viên.

Không được từ chối một chuyến bay

Phi hành đoàn không thể từ chối chuyến bay trong danh sách được phân công hoặc được gọi đi khi đang ở chế độ chờ. Dù chuyến bay được thực hiện lúc nào và bay đến đâu, phi hành đoàn nhất định không được từ chối.

Một số hãng hàng không cho phép các thành viên phi hành đoàn hoán đổi chuyến đi cho nhau hoặc yêu cầu một số điểm đến nhất định, nhưng điều này không phải lúc nào cũng được chấp thuận.

Những quy định bắt buộc đối với tiếp viên hàng không - Ảnh 1.

Không sơn móng tay màu đen

Giống như mặt, móng tay cũng rất quan trọng đối với tiếp viên hàng không. Móng tay của các tiếp viên phải luôn sạch sẽ, gọn gàng và được chăm sóc tốt. Móng tay không được dài quá 0.32cm so với đầu ngón tay, không được sơn màu đen, không được gắn móng giả quá dài… tránh ảnh hưởng công việc.

Phải luôn búi tóc

Việc búi tóc giúp tiếp viên trông gọn gàng và chỉn chu, tạo thiện cảm với khách hàng, đồng thời tránh cảnh vướng víu cản trở quá trình làm việc. Nếu để tóc xõa, các tiếp viên sẽ rơi vào cảnh tóc rối vì di chuyển nhiều, khiến “giao diện” không chuyên nghiệp… làm mất hình tượng của hãng hàng không.

Không nhuộm tóc màu sáng

Hầu hết tiếp viên hàng không đều để các màu tóc trầm như đen và nâu. Những màu tóc nổi sẽ không được chấp nhận như tóc hồng, tóc tím… Ngoài ra, các kiểu tóc quá cá tính cũng sẽ bị cấm hoàn toàn.

Quy tắc chung khi mặc đồng phục

Trong khi mặc đồng phục, phi hành đoàn không được phép hút thuốc, ăn hoặc uống ở nơi công cộng. Điều này bao gồm chỗ ở bên ngoài phi hành đoàn, tại sân bay, khách sạn hoặc thậm chí trên xe buýt của phi hành đoàn.

Điều này được thực thi nghiêm ngặt ở Trung Đông và bạn sẽ mất việc vì điều đó. Nó không nghiêm ngặt như ở châu Âu và Vương quốc Anh, nhưng vẫn có những hướng dẫn cần tuân theo.

Không sử dụng nước hoa mùi nồng

Các tiếp viên hàng luôn phải rất thận trọng về loại nước hoa mà họ sử dụng. Trong không gian kín của máy bay, mùi nước hoa quá nồng sẽ gây khó chịu cho khách hàng và cả đồng nghiệp nữa. Tiếp viên hàng không thường được khuyên là phải giữ cơ thể không có mùi, nếu xịt nước hoa thì xịt những mùi hương nhẹ nhàng và tươi mát.

Những quy định bắt buộc đối với tiếp viên hàng không - Ảnh 2.

Ảnh: Vietnam Airlines.

Phải duy trì cân nặng

Phi hành đoàn không được phép tăng cân quá nhiều. Sau khi đồng phục được trao cho thành viên phi hành đoàn, họ sẽ không nhận được đồng phục khác do tăng cân.

Một số hãng hàng không ở Trung Đông và châu Á có quy định nghiêm ngặt về việc tăng cân và thậm chí đã sa thải phi hành đoàn tăng cân.

Bảo mật

Là một phần của hợp đồng, phi hành đoàn thường phải ký các thỏa thuận bảo mật. Các thành viên phi hành đoàn không được đưa ra phát ngôn về hãng hàng không đang làm việc, không được nói về các sự kiện, sự việc xảy ra trên chuyến bay, không chụp ảnh khi đang mặc đồng phục (trừ khi được hãng chấp thuận)

Với phương tiện truyền thông xã hội, một số quy tắc này đã được nới lỏng, nhưng đôi khi, bạn vẫn phải xin phép hãng hàng không.

Mặc dù tiếp viên hàng không là một công việc có yêu cầu cao về cả ngoại hình lẫn kỹ năng, trình độ học vấn cùng với rất nhiều quy tắc cần phải tuân thủ nghiêm ngặt, nhưng đây vẫn là công việc đáng mơ ước của nhiều người bởi mức lương khá cao.

Trên thế giới, lương tiếp viên hàng không được hưởng theo giờ. Chẳng hạn như lương của tiếp viên hàng không các hãng bay Mỹ mỗi giờ thường vào khoảng 34 – 47 USD (thời điểm tháng 2/2023).

Theo thống kê trên Glassdoor.com, trung bình một tiếp viên hàng không ở Mỹ có thu nhập 52.249 USD/năm (khoảng 1,2 tỷ đồng) và mức lương trung bình là 40.780 USD/năm (tương đương 961 triệu đồng).

Tại Việt Nam, theo tìm hiểu được biết lương của tiếp viên hàng không khởi điểm mức cơ bản từ 4,5 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm các phúc lợi, trợ cấp khác. Với những tiếp viên mới vào nghề thường sẽ phải bay 70 – 100 giờ mỗi tháng. Khi cộng các trợ cấp và phúc lợi thì lương tiếp viên hàng không trung bình sẽ ở khoảng từ 21 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, các tiếp viên còn có công tác phí từ 2 – 10 triệu đồng/tháng.

Theo Simpleflying
Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin