Một số tác phẩm văn học tiêu biểu lấy cảm hứng từ sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 có thể kể đến như “Mùa lạc”, “Hoa ban đỏ”, “Bốn năm sau”…
Trước dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều đơn vị đã cho ra mắt những cuốn sách mới và tái bản lại các tác phẩm văn học tiêu biểu lấy cảm hứng từ sự kiện này. Các tác phẩm đa dạng về mặt đối tượng, từ thiếu niên cho đến thanh niên. Cả về không-thời gian từ trong kháng chiến cho đến giai đoạn xây dựng đất nước. Mỗi tác phẩm đều đem đến một phong vị khác nhau.
Mùa lạc – Nguyễn Khải
Ấn bản của NXB Văn học. |
Mùa lạc là tập hợp các truyện ngắn của Nguyễn Khải, trong đó tâm điểm của cuốn sách chính là truyện ngắn cùng tên. Truyện ngắn Mùa lạc kể về chị Đào, đến từ vùng quê nghèo và có ngoại hình không mấy sáng sủa. Chị sống bằng nghề buôn bán đậu phụ, số tiền chỉ đủ nuôi thân qua ngày.
Chị Đào lấy chồng từ năm 17 tuổi, chồng chị là người cờ bạc, rượu chè triền miên nhiều năm. Sau đó hắn vỡ nợ và bỏ vào Nam. Số chị được ví như dậu đổ bìm leo, chồng đi mất, con cũng chết. Chị Đào còn một thân một mình buôn bán nay đây mai đó để kiếm sống.
Mang theo những nỗi đau, chị lên nông trường Điện Biên để bắt đầu cuộc sống mới. Sau ngày giải phóng, nơi đây tràn ngập sức sống. Chị gặp những người đặc biệt như Huân – thanh niên xung kích giỏi lao động, Dịu – viên trung đội trưởng… Nhờ sự động viên của mọi người, chị quyết định ở lại Điện Biên và tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình.
———————————-
Sông núi Điện Biên – Trần Lê Văn
Ấn bản năm 2024 của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật. |
Sông núi Điện Biên lần đầu được giới thiệu đến độc giả vào năm 1979. Cuốn sách gồm 26 tác phẩm dưới hình thức bút ký văn học, tùy bút… kể về lịch sử, văn hóa, dân tộc vùng đất Điện Biên cũng như nói về những chiến công lẫy quân dân ta đã đạt được năm 1954.
Tác giả Trần Lê Văn được cho rằng đã khởi thảo các bài viết từ năm 1976 cho đến năm 1978 mới hoàn thiện. Sau đó, NXB Văn hóa đã xin gia đình để xuất bản. Hiện cuốn sách đã được NXB Chính trị Quốc gia Sự thật tái bản lại để kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Không gian Tây Bắc trong tác phẩm của Trần Lê Văn trải ra bình dị và đem lại cảm giác phiêu lưu, khám phá cho bất kỳ tâm hồn ham muốn xê dịch nào. “Ta bay trên bầu trời của ta. Dễ thương trong số những bạn đồng hành của tôi hôm nay, chỉ có cháu bé, con chị công nhân Pá Khoang đang ngủ ngon trong lòng mẹ là chưa biết nghĩ ngợi gì về cái điều sung sướng ấy”, tác giả Trần Lê Văn viết trong cuốn sách.
Những quan sát của ông cho thấy thế giới Điện Biên đang ngày một đổi mới, từ mạng lưới giao thông, đời sống nông nghiệp cho đến văn hóa gia đình..
———————————-
Hoa ban đỏ – Hữu Mai
Ấn bản năm 2024 của NXB Trẻ. |
Nhân vật chính trong cuốn Hoa ban đỏ là Bảy. Dù chỉ là một cậu bé chỉ mới 12 tuổi, nhưng trong lòng Bảy luôn cháy lên ngọn lửa phẫn nộ trước tội ác của kẻ thù. Với lòng yêu nước và khao khát tham gia vào cuộc chiến, cậu quyết định làm giàn khoan lên 14 để theo chị ruột là Tấm tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trên chiến trường khốc liệt, Bảy không chỉ đơn thuần là một chiến binh, mà còn là một kỹ sư tài năng, vận dụng kinh nghiệm đào hầm của địch để đào chiến hào ngầm đánh lén, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử.
Trong khi đó, chị ruột của Bảy, một chiến sĩ với trái tim dũng cảm, đã cứu sống và từng bước đem lòng yêu anh Phương, người lính kiên cường. Họ chia sẻ những kỷ niệm đẹp đẽ và hẹn ước bên nhau trong rừng hoa ban Tây Bắc.
Hoa ban đỏ không chỉ là cuốn sách tái hiện lại trận chiến Điện Biên Phủ lừng lẫy, mà còn là một câu chuyện về lòng dũng cảm, hy vọng, và tình yêu của những con người dũng mãnh đã hy sinh cho đất nước. Đồng thời, cuốn sách cũng đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên vào năm 1994.
———————————-
Bốn năm sau – Nguyễn Huy Tưởng
Ấn bản năm 2024 của NXB Trẻ. |
Tiểu thuyết Bốn năm sau là câu chuyện về những nỗ lực tái thiết Điện Biên của các chiến sĩ sư đoàn 316 sau bốn năm kể từ ngày giải phóng. Cuốn sách gồm hai phần.
Phần đầu với nhân vật chính là Doan. Anh cùng đồng đội trở về Điện Biên sau những ngày tháng chiến đấu trong muôn vàn gian khổ. Với tinh thần văn học hiện thực, Nguyễn Huy Tưởng mô tả Điện Biên lúc bấy giờ vẫn còn nhiều khó khăn, điều kiện sống của người dân chưa được đảm bảo. Dẫu vậy, con người vẫn luôn lạc quan và hướng tới tương lai.
Ở phần hai, hình thức thể hiện của cuốn sách khá độc đáo. Người đọc sẽ tiếp cận bối cảnh, con người trong Bốn năm sau thông qua tập hợp các trang nhật ký lá thư gửi về gia đình và bạn bè văn nghệ trong hành trình thực tế kéo dài hơn bốn tháng tại Điện Biên vào thời gian từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1958.
Tác phẩm rõ ràng thể hiện một điều quan trọng: sau chiến thắng lịch sử, những câu chuyện hậu chiến mới bắt đầu. Nó tập trung vào những người lao động kiên trì, những số phận đau thương của giai đoạn hậu chiến, và những nỗ lực âm thầm, bền bỉ để bảo vệ thành quả cách mạng.
———————————-
Người người lớp lớp – Trần Dần
Ấn bản năm 2024 của NXB Kim Đồng. |
“Người người lớp lớp nối theo nhau: Người cộng sản đi đầu phất cờ đỏ cho cuộc đời tiến bước… Người cộng sản lớp lớp chuyền nhau lá cờ đỏ, lớp lớp đi đầu… Cuộc sống ngầm ngập cuộn sóng người người, lớp lớp xô lên… Cũng có người ngã, người tụt sau, người rẽ ngang, người chắn đường! Con đường cũng có quành có rẽ, có ngoặt, có khúc khuỷu gồ ghề… Nhưng cuộc sống vẫn xô lên bất chấp mọi kẻ địch, mọi chông gai…”.
Người người lớp lớp là bức tranh hào hùng về chân dung những người lính trong thời kỳ lịch sử của dân tộc.
Trên đường ra trận, người đọc có thể bắt gặp nhiều nhân vật, mỗi người có một cá tính khác nhau. Quác có phần nóng nảy, Trương Phi bốc đồng, Sửu điềm đạm, giàu lòng nhân ái, cô y tá dịu dàng, người chính ủy mẫu mực…
Tất cả nhân vật này đã tạo nên sự đa chiều trong tâm tưởng con người. Dẫu vậy điểm chung giữa họ là niềm tin và hy vọng vào cách mạng.
———————————-
Không phải huyền thoại – Hữu Mai
Ấn bản mới của NXB Trẻ. |
Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên khắc họa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người có công lớn trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Thông qua cuốn sách, độc giả có thể hiểu thêm về tài thao lược cũng như sự quyết liệt, tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm của Đại tướng.
Có nhiều chi tiết độc đáo cho thấy sự sáng tạo của quân ta khi chống lại thực dân Pháp trên trận địa Điện Biên Phủ. Họ đề ra sáng kiến dùng con cúi để chống đạn bắn thẳng, “độn thổ”, đào hào xuyên qua hàng rào dây thép gai dày đặc của địch, rồi bất ngờ từ dưới chui lên tiêu diệt địch… Hình ảnh xe đạp thồ, dân công tải lương tiếp đạn cũng hiện lên như một nét chấm phá đặc sắc.
———————————-
Phía núi bên kia – Xuân Sách
Ấn bản năm 2024 của NXB Kim Đồng. |
Cuốn tiểu thuyết Phía núi bên kia kể về cuộc đời của cậu bé Hòe “đen”, sinh ra và lớn lên trong một làng quê yên bình dưới chân núi Cóc. Suốt tuổi thơ, cậu luôn tò mò và mơ ước về những bí ẩn phía đối diện của núi, nơi mà cậu tin rằng sẽ có những điều kỳ diệu.
Cùng sự trưởng thành trong những thời kỳ lịch sử của đất nước, Hòe chứng kiến những biến cố lớn như nạn đói Ất Dậu, cách mạng tháng Tám và cuối cùng là cuộc kháng chiến toàn quốc.
Rời nhà theo đoàn bộ đội lên núi rừng Việt Bắc, cùng với cây đàn violon của mình, Hòe “đen” tham gia vào đoàn văn công biểu diễn để phục vụ chiến dịch ở Điện Biên Phủ. Đó là nơi cậu gặp lại người cha yêu thương sau nhiều năm xa cách.
Phía núi bên kia không chỉ là một câu chuyện dành cho thiếu nhi, mà còn là một tác phẩm đậm đà tình cảm gia đình và tình bạn, với sự hồn nhiên và trong sáng của tuổi thơ, được tác giả Xuân Sách kể lại một cách rất đặc biệt.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng
Viết như một sự nhận thức lại ký ức“Tháng ngày mê mải” là tên một cuốn tự truyện của tác giả trẻ Lê Ngọc Sơn do NXB Văn học và Công ty TNHH Văn hóa Đông Tây liên kết xuất bản. |
Thiên đường cho người yêu văn học thiếu nhiVới không gian rộng 2.700 m2 và được xây dựng công phu, bảo tàng The Rabbit Hole thu hút khách tham quan nhờ các mô hình, trò chơi chủ đề lấy cảm hứng từ các cuốn sách thiếu nhi. |