Ngay từ những ngày đầu năm, nhiều chuyên gia đã dự báo năm 2015 có những yếu tố thuận lợi tạo điều kiện ổn định tỷ giá
Tóm tắt:
Nhiều yếu tố thuận lợi tạo điều kiện ổn định tỷ giá như:
– Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2015 dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh do các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng vào chính sách điều hành của Chính phủ
– Kiều hối cũng đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho Việt Nam. Lượng kiều hối năm 2015 dự kiến sẽ đạt từ 13-14 tỷ USD
– Dự báo của Bộ Công thương cho thấy năm 2015, xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng cao do nền kinh tế tăng trưởng cao hơn, kinh tế Mỹ phục hồi, thuận lợi từ việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA), TPP
– NHNN dự báo cán cân thanh toán quốc tế năm 2015 tiếp tục thặng dư khoảng 8 tỷ USD.
Năm 2014 điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là khá thành công, biểu hiện cụ thể: Tình hình tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối liên tục tăng cao… Vậy năm 2015 tình hình tỷ giá sẽ ra sao và những yếu tố nào sẽ tác động đến diễn biến của tỷ giá trong năm nay?
Ngay từ những ngày đầu năm, nhiều chuyên gia đã dự báo năm 2015 có những yếu tố thuận lợi tạo điều kiện ổn định tỷ giá có thể kể ra đây:
Thứ nhất, luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt nam vẫn tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Năm 2014, số vốn đầu tư trực tiếp (FDI) cam kết là hơn 20 tỷ USD, trong đó giải ngân ước đạt khoảng 12,4 tỉ USD, cao hơn mức giải ngân 11,5 tỉ USD của năm 2013.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2015 dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh do các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng vào chính sách điều hành của Chính phủ thể hiện qua việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện và tốc độ hội nhập vào thị trường quốc tế sâu rộng hơn.
Thứ hai, các luồng vốn khác như vốn đầu tư gián tiếp (FII), kiều hối cũng đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho Việt Nam. Tháng 11/2014, Chính phủ đã phát hành thành công 1 tỉ USD Trái phiếu kỳ hạn 10 năm trên thị trường quốc tế với mức lãi suất 4,8%, thấp hơn nhiều mức dự tính ban đầu với lượng đặt mua gấp hơn 10 lần mức chào bán.
Thứ ba, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2014 ước đạt khoảng 12 tỷ USD và lượng kiều hối năm 2015 dự kiến sẽ đạt từ 13-14 tỷ USD. Đây là nguồn vốn ngoại tệ có tính ổn định cao, tăng trưởng bền vững trong nhiều năm qua (khoảng 10% năm).
Thứ tư, về tình hình xuất nhập khẩu, dự báo của Bộ Công thương cho thấy năm 2015, xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng cao do nền kinh tế tăng trưởng cao hơn, kinh tế Mỹ phục hồi, thuận lợi từ việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA), TPP. Mặc dù nhập khẩu dự báo cũng tăng mạnh trở lại nhưng cán cân thương mại năm 2015 dự kiến thâm hụt không lớn.
Vì vậy, xét về tình hình cung cầu ngoại tệ trên thị trường cho thấy mặc dù có sức ép từ cán cân thương mại nhưng nền kinh tế vẫn tiếp tục dư cung ngoại tệ nhờ nguồn ngoại tệ từ kiều hối, các luồng vốn đầu tư, vay nợ nước ngoài vẫn ở mức cao và tăng so với năm 2014.
NHNN dự báo cán cân thanh toán quốc tế năm 2015 tiếp tục thặng dư khoảng 8 tỷ USD, một số tổ chức quốc tế như IMF, WB dự báo cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam trong năm 2015 tiếp tục có mức thặng dư khá cao, đây là nhân tố hỗ trợ chính cho ổn định tỷ giá trong năm 2015.
Bên cạnh đó, tình hình lạm phát năm 2015 dự kiến vẫn được kiểm soát ở mức thấp, dưới 5%, do tình hình giá cả hàng hóa chung không có nhiều biến động, nhất là ảnh hưởng từ việc giá dầu thế giới giảm nhanh và dự báo sẽ duy trì ở mức thấp cũng sẽ hỗ trợ ổn định tỷ giá.
Năm 2015, trên cơ sở đánh giá các nhân tố tác động đến tỷ giá, dự báo diễn biến vĩ mô, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra định hướng về ổn định tỷ giá, nếu nếu điều chỉnh tỷ giá USD/VND thì sẽ không quá 2%.
Khánh Nhi