Nợ xấu dưới 10 triệu đồng đã tất toán vẫn hiện trên CIC trong 5 năm: Lời nhắc nhở người vay tuân thủ lịch trả nợ, đừng để nợ xấu dù chỉ vài đồng

Bất kể số dư nợ xấu là bao nhiêu, nhiều hay ít, thì dù khách hàng đã tất toán, thông tin nợ xấu này chỉ được xóa sau 5 năm.

TIN MỚI

Nợ xấu là khoản nợ mà người vay không thể hoặc không có khả năng trả theo thỏa thuận ban đầu. Điều này xảy ra vì nhiều nguyên nhân, có thể vì người vay quên hoặc cố tình không trả nợ. Đối với người vay, khoản nợ xấu không chỉ ảnh hưởng đến tài chính cá nhân mà còn có thể tạo ra tác động tiêu cực đến điểm tín dụng và khả năng vay mượn trong tương lai.

Theo quy định tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của NHNN, nợ tại các TCTD được chia thành 05 nhóm, trong đó nợ quá hạn thanh toán từ 90 ngày trở lên được coi là nợ xấu, bao gồm các nhóm nợ như sau: Nhóm 3 dưới tiêu chuẩn (quá hạn từ 91 – 180 ngày), nhóm 4 nghi ngờ (quá hạn từ 181 – 360 ngày) và nhóm 5 có khả năng mất vốn (quá hạn trên 360 ngày). 

Để kiểm tra chi tiết về nợ xấu và thông tin điểm tín dụng, các cá nhân có thể tải báo cáo Tín dụng thể nhân từ CIC – Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam, đây là nơi lưu trữ tất cả thông tin tín dụng của khách hàng khi tiến hành mở khoản vay tại các tổ chức tín dụng. Bằng cách truy cập website CIC miễn phí, khách hàng có thể tra cứu lịch sử tín dụng xem bản thân có đang dính nợ xấu hay không. 

Theo quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-NHNN ngày 28/01/2013 của NHNN, thông tin tiêu cực về khách hàng vay được CIC sử dụng để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng theo thời gian tối đa 5 năm kể từ ngày kết thúc thông tin tiêu cực đó. 

Đáng chú ý, trước đây, nếu khách hàng có nợ xấu với dư nợ dưới 10 triệu đồng thì CIC sẽ ngừng cung cấp thông tin ngay sau khi khách hàng tất toán và thông tin tất toán được ngân hàng báo cáo. Tuy nhiên, từ 1/1/2024, bất kể số dư nợ xấu bao nhiêu và khách hàng đã tất toán thì thông tin nợ xấu này chỉ được xóa sau 5 năm.

Thay đổi này khiến không ít người bất ngờ. Chị Hương (34 tuổi, Hà Nội) cho biết, khoảng 2 năm trước chị có một khoản nợ xấu 4 triệu đồng do chi tiêu thẻ tín dụng không trả đúng hạn. Sau đó chị đã tất toán và sau khoảng 30 ngày thì thông tin nợ xấu này đã được xóa khỏi báo cáo thông tin tín dụng CIC. Tuy nhiên vừa qua khi tải lại báo cáo, chị thấy thông tin khoản nợ xấu này xuất hiện trở lại. Chị có đăng ký mở thẻ tín dụng ở một ngân hàng khác, tuy nhiên đã bị từ chối vì khoản nợ xấu này. 

Như vậy, kể cả số dư nợ xấu chỉ vài đồng, nếu khách hàng không tất toán thì nợ xấu đó vẫn luôn xuất hiện trên báo cáo CIC. Ngay cả khi đã tất toán, thông tin về khoản nợ xấu đó vẫn tồn tại 5 năm mới được xoá. 

Do đó, người vay cần có kế hoạch trả nợ đầy đủ và đúng hạn, luôn cân nhắc về khả năng tài chính của mình để hoạch định kế hoạch chi tiêu nhằm trả nợ đủ và đúng thời gian. Bên cạnh đó, người vay nên có ý thức trả nợ, dù là khoản nợ nhỏ. Khi có nhiều khoản nợ cùng lúc người vay nên cố gắng chi trả dần số dư nợ hiện tại, không nên phát sinh thêm nhiều khoản nợ mới, đặc biệt là nợ tín chấp, nợ vay tiêu dùng. 

Đặc biệt, người vay cũng tuyệt đối không tìm đến những dịch vụ hỗ trợ xoá nợ xấu trên mạng.  CIC khẳng định, những quảng cáo này đều là hành động lừa đảo. Tất cả các thông tin của khách hàng tại CIC được cập nhật/lưu trữ trung thực, khách quan đúng theo thông tin được các TCTD báo cáo. CIC hay bất kỳ tổ chức/cá nhân nào đều không được phép tự ý điều chỉnh các thông tin này. Thông tin tín dụng chỉ có thể được điều chỉnh nếu ghi nhận các sai sót do lỗi tác nghiệp và phải tuân thủ quy trình xác minh, kiểm tra nghiêm ngặt.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin